Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013


22:11
 Cuộc chơi bất chấp lý lẽ kiểu Trung Quốc

Nếu họ đang khôi phục lại đế chế Trung Hoa với cách thức bá quyền thì quả là một điều vô cùng đáng lo ngại cho hòa bình trong khu vực.
Suốt thời gian qua, Trung Quốc tung ra hàng loạt chiêu trò “đánh lận con đen” về vấn đề chủ quyền của mình trên biển hiện nay. Trên mặt trận thông tin, Trung Quốc tung hỏa mù bằng cách gieo vào lòng dân chúng những sự thật mơ hồ, kích động “chủ nghĩa dân tộc” cực đoan để bắt các nước phải giải quyết tranh chấp theo sự áp đặt của họ.
“Trên thực địa, họ tiến hành hàng loạt các hoạt động xâm phạm chủ quyền các quốc gia khác và sử dụng lối ứng xử đầy thô bạo đi ngược lại luật pháp quốc tế, những gì họ đã phê chuẩn, ký kết cũng như những nguyên tắc nhân đạo tối thiểu của nhân loại” - nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định.
Kích động lòng “hãnh tiến dân tộc” đại Hán?
Phóng viên:Thưa ông, Trung Quốc đang từng bước thực hiện mưu đồ bá quyền của mình ở biển một cách đầy hung hăng bằng nhiều chiêu trò khác nhau. Qua tất cả những sự kiện mà Trung Quốc “đánh lận con đen” về vấn đề chủ quyền trên biển Đông, ông có thể nói gì về cái gọi là “chơi kiểu Trung Quốc”?
+ Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Như chúng ta đã biết trước khi bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào đầu thế kỷ XX thì Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên vùng đất này một cách thật sự, liên tục, hòa bình bằng chức năng của nhà nước.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 80% diện tích ở biển Đông trong nhiều thập niên trước đây cũng như Trung Quốc đã có một loạt hành vi gây hấn có tính toán đối với Việt Nam, thực hiện bằng vũ lực kết hợp với mưu mẹo và theo một quá trình kéo dài nhiều thập niên. Từ việc dùng vũ lực cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1-1974 cho đến việc đánh chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa vào tháng 3-1988. Đỉnh điểm là họ đã đơn phương quyết định đặt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trực thuộc hệ thống hành chính của họ, Trung Quốc đã đi xa hơn cuộc tranh chấp trên biển vì đã có hành động xâm lược Việt Nam. Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa không còn là một vụ lấn chiếm hải đảo riêng lẻ nữa mà là một hành động xâm chiếm vùng biển, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bất chấp Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đó là hành động xâm lược.
. Trung Quốc chơi một lối rất khó trong giải quyết tranh chấp là họ sử dụng chiêu ngoại giao quần chúng - gieo vào lòng dân chúng những sự thật mơ hồ. Sau đó tuyên truyền riết rồi từ điều sai cũng trở thành đúng. Sau đó áp đặt nước khác giải quyết theo điều họ đang đòi hỏi bằng sức của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Suy nghĩ của ông về việc này thế nào?
+ Thiết nghĩ nếu giữa hai nước Việt-Trung không tồn tại cái gọi là “vấn đề do lịch sử để lại” thì mối quan hệ này tốt đẹp biết bao. Khả năng hợp tác toàn diện và chiến lược sẽ đưa Việt Nam lẫn Trung Quốc lên một tầm cao tương xứng với lòng tri ân và sự ngưỡng mộ, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau của nhân dân hai nước. Rất tiếc là điều này đã bị làm cho lu mờ đi vì sự kích động lòng “hãnh tiến dân tộc” đại Hán mà lãnh đạo Trung Quốc đang rắp tâm theo đuổi.
Luật pháp quốc tế là vô nghĩa với Trung Quốc
. Có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang áp dụng lối chơi kiểu “thiên triều” ngày xưa của mình, xem mình là “đấng trên”, muốn phán gì thì phán và áp đặt các nước khác phải tuân mệnh những gì mình đưa ra. Có phải như thế không, thưa ông?
+ Nhìn lại sự kiện ngày 1-10-2009, tại buổi lễ mít-tinh chào mừng 60 năm quốc khánh Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Cẩm Đàođã phát biểu rằng: “Trung Quốc sẽ kiên định bất di bất dịch kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình độc lập, tự chủ, kiên trì con đường phát triển hòa bình, thi hành chiến lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng, phát triển hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tiếp tục cùng với nhân dân các nước trên thế giới thúc đẩy sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại, thúc đẩy xây dựng thế giới hài hòa có nền hòa bình bền vững và phồn vinh chung”. Nhưng vào khoảng thời điểm ấy thì những ngư dân Việt Nam trên đường vào Hoàng Sa tránh bão trên biển Đông đã bị các lực lượng hữu quan của nhà nước Trung Quốc hành xử thô bạo và đó không phải là lần đầu mà ngư dân Việt Nam gánh chịu.
Ngày 28-1-2013, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Không một quốc gia nào có thể nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ thương lượng các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, cũng không nên nuôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể chấp nhận quả đắng trong việc làm tổn hại lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”.
Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, như vậy phát biểu của ông Tập Cận Bình thể hiện rõ chính sách cứng rắn của những người cầm quyền mới ở Bắc Kinh trên vấn đề biển Đông. Không chỉ trong lời nói, những hành động trên thực địa ở biển Đông và biển Hoa Đông từ đầu năm 2013 đến nay đã thể hiện rõ một chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh. Nếu họ đang khôi phục lại đế chế Trung Hoa với cách thức đầy bá quyền như thế này quả là một điều vô cùng đáng lo ngại cho hòa bình trong khu vực.
. Thưa ông, vì sao họ lại chọn kiểu chơi dựa vào vị thế của mình mà bất chấp lý lẽ của luật pháp quốc tế?
Không hô hào khẩu hiệu suông
Chúng ta không thể hô hào mãi khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” mà nên kết hợp thành một cuộc vận động quốc tế đòi trao trả Hoàng Sa-Trường Sa trong hoạt động đối ngoại, là một chủ đề trọng tâm trong những cuộc tiếp xúc để củng cố và nâng cao hợp tác song phương và đa phương ở tầm cao chiến lược trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Nhà nghiên cứuĐinh Kim Phúc
+ Luật pháp quốc tế là gì? Phải chăng luật pháp quốc tế thuộc về kẻ mạnh? Luật pháp cái kiểu gì mà anh sử dụng vũ lực để đánh chiếm đảo của nước khác rồi bảo đó là của mình? Luật pháp cái kiểu gì mà anh vẽ nguyên cái “đường lưỡi bò” nuốt gần trọn biển Đông và nói đó là “vùng nước lịch sử”? Luật pháp quốc tế cái kiểu gì mà ngư dân vào tránh bão thì anh bắt giữ và đối xử thô bạo? Luật pháp cái kiểu gì mà anh dùng tàu có trang bị vũ trang bắn cháy ca bin của tàu cá ngư dân, uy hiếp đến tính mạng của những người dân bình thường không có vũ khí, không thể tấn công anh? Với Trung Quốc, luật pháp quốc tế là vô nghĩa.
Mới đây nhất, ngày 26-3-2013, một tiểu hạm đội gồm bốn chiến hạm do chiếc tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) dẫn đầu đã đến khu vực rạn san hô James Shoal, chỉ cách Malaysia 80 km, cách Brunei gần 200 km nhưng cách xa bờ biển Trung Quốc đến 1.800 km và nằm gần sát “đường chín đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ biển Đông. Đây là một thông điệp mạnh mẽ một cách đầy bất ngờ của Trung Quốc dưới triều đại Tập Cận Bình. Nó đã cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc biến nước này từ một cường quốc trong đất liền thành một cường quốc trên biển cả.
Đây chính là phép thử của Bắc Kinh đối với Brunei và Malaysia vốn là hai nước ít tiếng nhất trong việc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nhất là trong bối cảnh Brunei sẽ là chủ tịch luân phiên ASEAN trong thời gian tới.
Vận động quốc tế đòi lại những đảo
.Sự cảnh giác cần thiết của chúng ta đối với những chiêu trò “kiểu Trung Quốc”? Và cần phải làm gì để Trung Quốc hiểu rằng họ không nên “chơi một mình một chợ” như thế này mãi được?
+ Thiết tưởng trong thế trận quốc phòng toàn dân, ngoài vấn đề xây dựng ý thức bảo vệ lãnh thổ và biển, đảo cần có sách lược và lộ trình lâu dài, từng bước bền bỉ để biến cái “không thể tranh cãi” trở thành điều “có thể thương lượng được” với phía Trung Quốc trong việc trao trả những gì vốn là của dân tộc Việt Nam trong ôn hòa theo đúng “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” mà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cam kết và được lãnh đạo Việt Nam tin tưởng. Vì đây cũng là chỗ dựa để chúng ta có thể đặt lại vấn đề chủ quyền biển, đảo một cách sòng phẳng và tỉnh táo. Chưa bao giờ trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam đứng trước thử thách tuy vô cùng khó khăn tưởng chừng như không thể nhưng dù muốn hay không, con người Việt Nam hôm nay phải gánh vác vai trò lịch sử đó.
. Xin cảm ơn ông.
MINH CƯỜNG thực hiện
Thiếu tướngLê Kế Lâm, Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam:
Không thể ứng xử kiểu “thiên triều”
Người Trung Hoa vốn có truyền thống tôn trọng sự nghĩa hiệp, hảo hán. Không hiểu tại sao giờ lại có những ứng xử sự kỳ lạ vậy. Việc làm của họ dường như đánh mất hết cái nghĩa khí này. Từ cách làm ăn trong đời sống kinh tế cho thấy họ có nhiều vụ việc họ bất chấp đạo lý chỉ vì quyền lợi của mình. Phải chăng vì anh không chính danh với những gì anh đang chiếm đóng nên anh sợ sệt, anh nghĩ cái gì người ta cũng chống anh cho nên đến nỗi ngư dân tay không anh cũng nã đạn vào tàu của họ.

Khi ông Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư, rồi chủ tịch nước, ông đã thay đổi cụm từ sự “trỗi dậy” bằng từ “phục hưng” Trung Quốc. Đây là cách nói nhẹ đi, nếu hiểu rằng phục hưng là để Trung Hoa trở thành cường quốc trên thế giới và đồng thời với nó Trung Quốc phải thành cường quốc có trách nhiệm với khu vực và trên thế giới. Tức anh phải có vai trò điều hòa mâu thuẫn trong khu vực và thế giới làm sao như anh nói là “cùng có lợi, cùng phát triển” và để củng cố hòa bình. Còn nếu anh chấn hưng mà trở lại quan điểm “thiên triều” ngày xưa, anh sử dụng sức mạnh để áp đảo, bất chấp lý lẽ để bắt người ta phải nghe theo anh, trong thế kỷ 21 là không thể được. Thực tế chứng minh dù một nước có lớn mạnh đến đâu cũng không thể áp đặt uy quyền, cách sống và chế độ của anh lên một nước khác nếu người ta không muốn.
GS YOSHIHIDE SOEYA,  Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á, Trường ĐH Keio (*):
Tính liêm chính phải được tôn trọng
Trung Quốc sử dụng chính sách quần chúng về ngoại giao. Họ đưa ra một hình ảnh và xem nó như đã là của mình, rồi dựa vào đó bắt các nước khác phải giải quyết vấn đề theo hướng mà họ đặt ra. Với tranh chấp ở quần đảo Senkaku, biển Hoa Đông (mà TQ gọi là Điếu Ngư) cũng thế. Trung Quốc ghi vào luật của riêng mình đây là lãnh thổ của họ và xem việc ghi nhận đó là căn cứ để đòi lại quần đảo này, bất chấp sự thật như thế nào. Sau đó họ tuyên truyền khẳng định cho toàn người dân của quốc gia mình rằng đảo đó của họ và bảo: Người Nhật hãy từ bỏ đi và đây là của Trung Quốc. Nhưng căn cứ pháp lý như thế nào thì lại rất mơ hồ. Cứ làm thế này thì không lẽ bất kỳ đảo nào họ cứ ghi vào luật của họ cũng là của Trung Quốc?
Nhật sẽ làm cách nào đó để vấn đề này không căng thẳng và dẫn đến một giải pháp khác. Tính liêm chính và sự thật phải được tôn trọng. Chúng tôi nghĩ không nên làm vấn đề quá trầm trọng lên để không ảnh hưởng quá lớn đến quan hệ Nhật-Trung.
GS YASUSHI WATANABETrường ĐH Keio (*):
Chỉ 50% người Nhật ủng hộ quan hệ với Trung Quốc
Hình ảnh của Trung Quốc hiện nay chỉ tích cực ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, còn với châu Á, Âu và Mỹ thì lại sút giảm. Riêng một cuộc thăm dò mới đây tại Nhật cho thấy chỉ có 50% người Nhật ủng hộ quan hệ với Trung Quốc. Điều này cho thấy chỉ số tích cực trong lòng người dân Nhật đối với hình ảnh của Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay Trung Quốc sử dụng sức mạnh tuyên truyền với nhiều vấn đề sai sự thật. Nhưng trong thời đại Internet toàn cầu này, cách ứng xử thế sẽ làm uy tín của anh giảm đi rất nhiều khi sự thật được phơi bày cho cả thế giới biết.
Trung Quốc lại có lối ứng xử khác khi tranh chấp chủ quyền với Nhật ở quần đảo Senkaku, họ sẵn sàng đẩy vấn đề lên độ căng thẳng kịch liệt và cắt không ít các hoạt động giao thương khác với người Nhật. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước là làm cho tình hình trở nên phức tạp, khó giải quyết.
M.CƯỜNG ghi
(*) Ý kiến của hai giáo sư người Nhật tại buổi thuyết trình “Quan hệ quốc tế mới của Nhật” do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật - Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật tại Việt Nam phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức ngày 22-3-2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét