Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013


20:25
 Tham vọng của Trung Quốc phải bị chặn đứng

Thạc sĩ Hoàng Việt - thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - cho biết, Việt Nam cũng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới muốn duy trì được hòa bình, ổn định cho an ninh trên Biển Đông thì phải có hành động mang tính thiết thực và cụ thể hơn để ngăn cản tham vọng của Trung Quốc.
Ngày 25.3.2013, người Phát ngôn Bộ ngoại giao cho biết, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc nổ súng bắn cháy cabin tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đã dùng tới hỏa lực chặn tàu cá Việt Nam nghĩa là hành động của Trung Quốc đã tiến thêm một bậc và mức độ nguy hiểm càng tăng.

Từ chỗ họ xua đuổi, bắt tàu cá của ta trong lãnh hải của ta rồi đòi tiền chuộc đến chỗ họ đã nổ súng bắn ngư dân Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông có bình luận gì trước mức độ leo thang ngang ngược của Trung Quốc?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Điều này đã xảy ra và đã được dự báo từ khá lâu. Ngay từ năm 2009, khi mà Trung Quốc đã cho thiết lập và công bố cái gọi là lệnh đánh bắt cá đơn phương của họ, tiếp sau là những hành động ngăn chặn, xua đuổi, bắt giữ những tàu cá của chúng ta.

Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng và gọi chính sách biển và tham vọng biển của Trung Quốc là thống nhất và nhất quán. Họ sẽ luôn luôn nhất quán vì họ muốn độc chiếm bằng được biển Đông.
Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc thì phản ứng của cộng đồng thế giới và các nước trong khu vực lại chưa đủ mạnh, đặc biệt là sự lên tiếng của cộng đồng Hoa Kỳ còn mờ nhạt chưa đủ mức để Trung Quốc phải xuống thang. Họ thấy một điều phản ứng của thế giới rất yếu và nhẹ giống như họ đang độc quyền " vũ điệu vườn hoang", vậy nên họ cứ việc làm theo ý của họ thôi.
 
Bốn tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa ngày 24.3 - Ảnh: xinhuanet.cn
Gần đây nhất là hành động của Philippines gửi đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế và Trung Quốc đã chính thức từ chối tham gia vào thủ tục phán xét của tòa án Quốc tế.

Điều này cho thấy, không thể mơ hồ trước chiến lược của Trung Quốc. Các hành động nối tiếp của Trung Quốc trong tất cả các năm đều thấy rằng đã được chỉ đạo, phối hợp rất chặt chẽ, nó thể hiện rõ mục đích phục vụ cho cái tham vọng của Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng lại tham vọng đó.
Điều đó buộc Việt Nam cũng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới muốn duy trì được hòa bình, ổn định cho an ninh trên biển đông thì phải có hành động mang tính thiết thực và cụ thể hơn để ngăn cản tham vọng của Trung Quốc.
Hành động bắn vào tàu cá của ngư dân Việt Nam có bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế không thưa ông?
Đương nhiên, chuyện này nói nhiều rồi. Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò thôi cũng đã vi phạm luật quốc tế rồi chứ đừng nói tới những hành động của Trung Quốc như vậy.
Chắc chắn rằng Trung Quốc đã vi phạm rất nhiều điều theo quy định của luật pháp quốc tế. Đương nhiên, chúng ta cũng phải xem xét dựa trên các biện pháp của mình chứ không phải là những biện pháp gây căng thẳng hai bên.
Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng ta phải xem xét kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng có những biện pháp hữu hiệu hơn.
Trung Quốc đã xua ngư dân của họ ra làm bia đỡ đạn trên biển Hoa Đông và Biển Đông, họ tổ chức các đội tàu Ngư Chính đi theo bảo vệ ngư dân bất chấp luật biển, công ước quốc tế. Ông đánh giá thế nào về chiến lược biển của Trung Quốc?
Tôi vẫn cho rằng chiến lược của Trung Quốc là thống nhất và nhất quán. Âm mưu để phục vụ tham vọng của họ là phải chiếm được gần như toàn bộ Biển Đông, vì vậy họ đã bất chấp tất cả và làm bằng mọi cách. Cho đến bây giờ thì cho thấy một điều là luật pháp quốc tế cũng có điểm yếu, có sự hạn chế, chính vì vậy nó không hạn chế, không ngăn cản được tham vọng của Trung Quốc.
Chính vì vậy mà Trung Quốc đã quyết tâm dùng mọi biện pháp kể cả dùng sức mạnh quân sự nhưng được giấu dưới sức mạnh dân sự để thực hiện các hành vi phục vụ cho tham vọng của mình.
Đó là điều rất nguy hiểm. Nếu cứ đà này xảy ra thì an ninh cho khu vực, an ninh cho biển đông, an toàn hàng hải cho nhiều quốc gia trên thế giới sẽ bị đe dọa rất lớn.
 
Tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin. Ảnh: TTO
Mới đây nhất, họ đã thành lập Viện Hải Dương học thống nhất chỉ đạo tất cả các hoạt động trên biển nghĩa là bao gồm cả các hoạt động quân sự, tàu chiến, máy bay.... Theo ông, sự kiện họ nổ súng vào tàu cá ngư dân Việt Nam ngày 20.3 vừa qua chỉ là một trong những hoạt động leo thang, xung đột giữa họ với các quốc gia biển trong khu vực, cụ thể là với Việt Nam?
Cụ thể là Trung Quốc đã nổ súng vào ngư dân VN rồi, điều này không phải chỉ với ngư dân VN đâu. Nhưng trước mắt là ngư dân VN và tiến tới sẽ là ngư dân các nước khác nằm trong khu vực mà Trung Quốc đòi tham vọng.

Tham vọng của Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại đó, bởi vì nếu họ chiếm được biển Đông thì họ sẽ chiếm tiếp tới biển Hoa Đông và rồi là tới Ấn Độ Dương nữa. Để Trung Quốc một mình tác oai tác quái sẽ dẫn tới an ninh của khu vực, an ninh của thế giới sẽ cực kỳ bị đe dọa.
Vậy Việt Nam nên phản ứng như thế nào trước hành động leo thang ngang ngược của Trung Quốc? Ông kỳ vọng gì vào cách xử lý của Việt Nam?
Tôi nghĩ là Việt Nam đã phản ứng rồi, phản ứng của chúng ta là khẳng định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình hạn chế dùng biện pháp quân sự.
Cho tới bây giờ Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng biện pháp ngoại giao và thương lượng trực tiếp giữa hai bên để tìm ra giải pháp cũng như là kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.
Nhưng quan trọng hơn Việt Nam cũng phải cùng các quốc gia ASEAN nỗ lực tìm ra một giải pháp ngăn chặn các hành động leo thang trong khu vực, cụ thể các nhà nghiên cứu đã đưa ra đó chính là Bộ quy tắc ứng xử trên biển đông. Nếu Việt Nam và các nước ASEAN sớm đưa ra được bộ quy tắc ứng xử này thì nó có thể góp phần nào ngăn cản sự leo thang, xung đột trong khu vực trên biển đông trong thời gian kế tiếp.
Còn đưa ra giải pháp nào thì đó là một chiến lược dài hơi. Nhưng tôi cho rằng trong cuộc chiến biển Hoa Đông Trung Quốc đã đẩy chủ quyền dân tộc lên rất cao và sau đó dẫn tới các hành động đập phá các cửa hàng của Nhật, cũng như các xe hơi mang hiệu của Nhật.
Tôi cho rằng, không nên học hỏi những điều xấu của Trung Quốc, bởi vì chủ nghĩa dân tộc sẽ dẫn đến sự mù quáng. Yêu nước là điều cần thiết và chúng ta cũng phải có những hành động thiết thực nói lên tình yêu nước của mình. Nếu nói về chủ nghĩa dân tộc một cách mù quáng dẫn tới những hành động đáng tiếc như vậy thì tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam không nên đi theo sai lầm như vậy.
HIẾU LAM (ĐẤT VIỆT ONLINE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét