Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013


09:31

Giá xăng dầu:

Bất thường nhưng không bất ngờ

    Từ 20 giờ tối qua (28/3) giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng, trong đó xăng tăng tới gần 1500 đồng/lít.
     Điều này rất không bình thường bởi thời gian qua giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhiều ý kiến chuyên gia và người dân đang khá bức xúc vì sao giá xăng không giảm?
     Cũng như những lần tăng giá khác, các Bộ chủ quản đều có cách giải thích hợp lý. Lần này lý do tăng giá là để bổ sung cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn! Như vậy, cái Quỹ bình ổn này tồn tại là vì “nó” phải có chứ không phải vì mục tiêu bình ổn giá (vì phải tăng giá để tạo Quỹ). Có người đã nghi ngờ Quỹ này thực ra là để bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp xăng dầu.
     Nhưng vì sao giá xăng dầu lại tăng vào đúng lúc lẽ ra nó phải giảm? Ta hãy nhớ lại vào cuối năm 2012, tháng 11 chỉ số CPI chững lại, chỉ tăng 0,47% và cuối tháng 12 chỉ số CPI cả năm chỉ tăng 6,81%, thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra (7-8%). Cũng chỉ ngay sau khi chỉ số lạm phát được công bố, ngày 22/12 giá điện tức thì được điều chỉnh từ 1369 đồng lên 1437 đồng/kWh mặc dù các yếu tố đầu vào cơ bản (xăng dầu, than…) không tăng. Lần tăng giá xăng dầu này cũng xảy ra ngay sau khi chỉ số CPI tháng 3 được công bố với con số bất ngờ  âm 0,19%.
     Từ hai lần tăng giá bất thường này, nhiều người đã nhận ra “thủ phạm” chính là chỉ số lạm phát! Các doanh nghiệp (có yếu tố độc quyền) luôn luôn tìm cách tăng giá hàng hóa dịch vụ. Họ không thể làm và cũng không giám làm chỉ bởi mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ luôn được coi trọng. Vì vậy, mỗi khi lạm phát chững lại là họ đều nhận biết "cơ hội vàng" và kịp thời cụ thể hóa bằng việc tăng giá. Tăng giá lúc này chẳng ảnh hưởng mấy đến chỉ số lạm phát.
     Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua những thời điểm khó khăn nhất từ hàng chục năm qua. Sản xuất đang đình đốn vì nhiều nguyên nhân trong đó đáng kể nhất là giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và lãi suất ngân hàng treo cao chót vót. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản, giải thể. Nhiều doanh nghiệp đang bên bờ vực đổ vỡ. Những tưởng chỉ số lạm phát chững lại, lãi suất ngân hàng được tiết giảm chút ít sẽ là luồng sinh khí nhỏ nhoi có thể cứu vãn nhiều doanh nghiệp đang cơn hấp hối có cơ hội hồi sinh. Đòn giá xăng lần này sẽ là “cú đánh” điểm huyệt cuối cùng với nhiều doanh nghiệp!
     Những ngày gần đây mọi người không khỏi xót xa trước cảnh người nông dân ngoại thành Hà Nội phải phá bỏ những ruộng rau xanh tốt bởi giá bán quá rẻ mạt. Có người thuê một chuyến xe chở rau đi bán được hơn 400.000, đ thì đã phải đóng các loại thuế, phí tại chợ lên tới 45.000 đồng. Người ngư dân miền Trung không quản hiểm nguy tính mạng khai thác cá ngừ ngoài bển xa với chi phí xăng dầu cao ngất nhưng giá bán cá cho thương lái chưa bằng 50% của năm trước. Mỗi chuyến đi biển không lỗ đã là may mắn. Dù sao họ cũng được động viên đôi chút là đã góp phần vừa sản xuất, làm ăn vừa bảo vệ vùng biển của Tổ quốc trước sự xâm lấn của ngoại bang. Cũng trong tháng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất cá tra Nam Bộ đã bị Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế bán phá giá cao chưa từng có. Cùng với chi phí xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp không còn cơ hội sản xuất, xuất khẩu và sự cạnh tranh giá cả của nhiều doanh nghiệp cũng gia tăng muôn vàn khó khăn. Giá xăng dầu tăng cũng đồng nghĩa lợi nhuận của người nông dân trồng lúa được tiết giảm dù đã đang ở mức lãi thấp nhất.
     Có người đặt câu hỏi: Các cơ quan quản lý Nhà nước đứng ở đâu trong những sự bất thường trên đây? Họ bất lực hay có lợi ích gì trong đó? Lần tăng giá xăng này chắc chắn các doanh nghiệp xăng dầu (thuộc Bộ Công Thương) sẽ thu về số lợi nhuận không nhỏ. Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng tăng thêm nguồn thu từ thuế xăng dầu. Câu chuyện giá sữa gần đây cũng đang nóng lên bởi chỉ 3 tháng các doanh nghiệp sữa ngoại (cũng đang chiếm thế độc quyền), đã 3 lần tăng giá, mức cao nhất lên đến 15%. Chỉ với 4 chữ “THỰC PHẨM CHỨC NĂNG”, các hãng sữa đã cười vào măt ba Bộ: Y tế, Công Thương, Tài chính vì sự bất lực của họ trong việc giá sữa tung hoành. Ba Bộ "hoành tráng" với đội ngũ công vụ "hùng hậu"   được dân nuôi bằng tiền đóng thuế những mong mình được bảo vệ. Đội ngũ “hùng hậu” ấy đã không thể bảo vệ những đứa trẻ trước sự tiết giảm khẩu phần sữa hàng ngày!
     Một nền kinh tế có quá nhiều bất thường. Điều bất thường nhất lại là việc mọi người không hề bất ngờ trước sự tăng giá của các doanh nghiệp độc quyền. Không bất ngờ bởi đây cũng là cách làm dễ dàng, đơn giản nhất để tăng cao lợi nhuận. Cả nền kinh tế đang “cung phụng” những Ông độc quyền!
(Theo dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét