Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Vội
Cập nhật lúc 09:13

Câu nói thuận miệng “Hà Nội không vội được đâu” chẳng biết từ đâu nay như “ám” vào Hà Nội. Có lẽ một thời mà sự nhiêu khê thủ tục hành chính của cơ quan công quyền không chỉ của Hà Nội được ai đó đúc kết như vậy. Hoặc do tình trạng ùn ứ giao thông như căn bệnh kinh niên ở đây, nhiều khi muốn nhanh cũng không thể vội.
Gần đây có một việc đã đến hồi “rất vội” của Thủ đô, đó là chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31. Thực ra còn 3 năm nữa mới diễn ra sự kiện này nhưng thành phố lại muốn xây lại sân vận động Hàng Đẫy với trị giá hơn 6.000 tỉ đồng cho kịp kì Đại hội trên. Một công trình với vốn đầu tư lớn chắc chắn không chỉ để sử dụng trước mắt mà phải cho hàng trăm năm sau, ít ra cũng như Nhà hát lớn, Phủ Chủ tịch hay nhiều biệt thự do người Pháp xây dựng đã trên trăm năm nay vẫn tốt.

Nhà hát lớn Hà Nội, một kiến trúc Pháp hàng trăm năm tuổi.

Thực ra, cách đây 15 năm Hà Nội đã là nơi tổ chức kì SEA Games 22 rất thành công, tạo được dấu ấn Việt Nam không chỉ ở thành tích ngôi nhất toàn đoàn mà cả nhiều công trình thể thao xứng tầm khu vực, đặc biệt là sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Nhiều công trình thể thao khác như Cung Thể Thao Quần Ngựa, Nhà thi đấu Gia Lâm, Trung tâm thể dục thể thao huyện Hoài Đức… cũng khá hoành tráng, đủ điều kiện phục vụ những sự kiện thể thao lớn. Đó là chưa kể nhiều công trình thể thao của các tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội cũng rất muốn được các môn thi đấu của SEA Games ghé thăm. Có vẻ lí do xây sân vận động Hàng Đẫy “cần vội” để phục vụ SEA Games 31 chưa được thuyết phục cho lắm. Với tổng diện tích dự án lên tới hơn 3,2ha “đất vàng”, dự kiến được đầu tư theo hình thức xã hội hoá, chỉ định nhà đầu tư, không cần đấu giá khiến dư luận băn khoăn. Bỏ ra hơn 6.000 tỉ đồng, nhà đầu tư được khai thác, vận hành sân vận động 50 năm cùng một số công trình có chức năng kết hợp thương mại, văn phòng giữa tâm đô thị Thủ đô quả là mơ ước của nhiều nhà đầu tư.

Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội

Không rõ yếu tố “vội” do Hà Nội hay là chủ đầu tư? Thiết nghĩ chuyện này đúng là “Hà Nội đừng vội làm chi”, sân vận động sẽ xây nhưng… cứ phải đấu giá!
Có lẽ Thành phố Hồ Chí Minh do chưa bị cái tiếng “không vội được đâu” nên vừa qua Hội đồng Nhân dân thành phố có một quyết định mà nhiều người cho là “hơi vội”, đó là xây dựng nhà hát opera trị giá 1.500 tỉ đồng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nói vội là bởi tại đây những giọt nước mắt dân oan chưa kịp lau khô, những lời oán thán còn chưa lắng xuống thì một nhà hát hoành tráng, cao sang vội vã mọc lên dành cho ai? Còn nhớ chuyện xưa, Lê Thái Tổ ngay khi lên ngôi chủ trương chấn hưng nền âm nhạc nước nhà đã được quan Hành khiển  Nguyễn Trãi dâng biểu có đoạn “Xin bệ hạ yêu nuôi Nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy” được vua khen làm theo. 

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường), đại biểu đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm tại đây.

Cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khi chủ trương thực hiện những việc trên là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta, nhất là quá trình xây dựng chế độ mới không ít chủ trương đúng nhưng khi thực hiện lại bị sai lệch, biến dạng, để lại những hệ quả không mong đợi.
Chỉ khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì việc khó mấy cũng sẽ thành công, dù có thể là… vội!./.
(Theo dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét