Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Bay Hà Nội - TP HCM, thứ trưởng đi hạng thương gia, lãnh đạo WB, IMF ngồi ghế phổ thông

Cập nhật lúc 16:49                  

TS Lê Đăng Doanh khi bày tỏ lo ngại về chi thường xuyên đang "quá sức chịu đựng" của ngân sách đã dẫn ra chuyện mà ông biết là thứ trưởng ngồi hạng thương gia còn lãnh đạo WB và IMF ngồi ghế phổ thông trên cùng chuyến bay Hà Nội - TP HCM.

Tại buổi tọa đàm góc nhìn chuyên gia về dự thảo dự toán ngân sách năm 2019 tổ chức sáng 29-10 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, đã bày tỏ lo ngại về chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách.
Theo TS Lê Đăng Doanh, bộ máy quản lý hiện nay quá cồng kềnh, trùng lắp khiến chi thường xuyên rất cao, nhiều khoản chi không cần thiết. "Chi thường xuyên hiện quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước (NSNN)" - TS Lê Đăng Doanh bày tỏ lo ngại.
 Bay Hà Nội - TP HCM, thứ trưởng đi hạng thương gia, lãnh đạo WB, IMF ngồi ghế phổ thông - Ảnh 1.
Các chuyên gia thảo luận về dự thảo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019
Dẫn chứng về việc các khoản chi thường xuyên không cần thiết, ông Lê Đăng Doanh cho biết cấp thứ trưởng hiện nay đi công tác từ Hà Nội vào TP HCM hoặc ngược lại đều bay hạng thương gia. "Tôi có biết trong cùng một chuyến công tác từ Hà Nội đi TP HCM, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) họ đều ngồi ghế hạng phổ thông, trao đổi với nhau những câu chuyện bên lề rất vui vẻ" - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh nhiều nước hoặc các tổ chức trên thế giới có những quy định rất chặt chẽ dành cho cán bộ đi công tác bằng máy bay. Theo đó, nếu các chặng bay có số giờ bay từ 5 giờ đến 7 - 8 giờ thì mới được ngồi hạng thương gia để đảm bảo khi đến nơi có đủ sức khỏe để làm việc. "Còn những chặng bay ngắn thì đi hạng phổ thông, như bay Hà Nội vào TP HCM chỉ mất 1 giờ 45 phút bay" - TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Do đó, trong bối cảnh Bộ Tài chính đang dự thảo dự toán NSNN năm 2019, Quốc hội cũng đang thảo luận về nội dung này, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị cần xem xét nghiêm túc các khoản chi thường xuyên, cắt giảm với những khoản chi không cần thiết, vượt khỏi thông lệ quốc tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị vấn đề thu chi NSNN cần công khai, minh bạch hơn, thay vì những con số chung chung như hiện nay. Các chuyên gia cho rằng việc chi ngân sách được người dân đặc biệt quan tâm, tuy nhiên hằng năm người dân chỉ nắm bắt được con số chung chung về chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ...
Bộ Tài chính vừa công khai dự thảo dự toán ngân NSNN trình Quốc hội trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán NSNN năm 2019 để xin ý kiến rộng rãi. Báo cáo nhằm cung cấp các thông tin về NSNN đến các tổ chức, cá nhân một cách kịp thời, tạo điều kiện cho việc tham gia, góp ý và giám sát quá trình lập dự toán, phân bổ NSNN năm 2019.
Bản báo cáo Bộ Tài chính công khai gồm 4 phần: Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018; dự toán NSNN năm 2019; kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019-2021; phụ lục số liệu về NSNN thực hiện năm 2018 và dự toán NSNN năm 2019.
Dự thảo dự toán NSNN trình Quốc hội đang được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến có đưa dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411,3 ngàn tỉ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018.
Theo đó, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8%; giá trị GDP dự kiến khoảng 6,17 triệu tỉ đồng; giá dầu thô khoảng 65 USD/thùng.
Trên cơ sở đánh giá thu NSNN năm 2018, dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019, đồng thời có tính đến yếu tố tác động điều chỉnh chính sách thu, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411,3 ngàn tỉ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018. Tỉ lệ huy động vào NSNN khoảng 23%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20%GDP.
(Theo Người Lao Động)  Minh Chiến

Thì ra họ cũng toàn là “dân buôn” cả, chỉ có điều dân buôn “thật” thì họ tiết kiệm, không dám phung phí. Còn buôn gắn mác công chức thì…
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét