Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

 Làm sao tìm được người tài? 
Cập nhật lúc 10:45     

Trạng nguyên Nguyễn Trực trong bài thi đình dưới triều Lê năm 1442 có câu “Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm đầu” và “Không có trí thì không thể hiểu người; không có nhân thì không thể chọn người; không có dũng thì không thể dùng người”. 
Lịch sử cận đại nước Việt có lẽ ít ai có tài lựa chọn và trọng dụng người tài bằng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người được Bác chọn và tin dùng hầu hết trở thành người thực sự tài đức, đóng góp đắc lực cho sự nghiệp cách mạng.

Hồ Chủ tịch chính là một điển hình “nhân tâm thu phục nhân tài” 

Phạm Quang Lễ là một kĩ sư chế tạo máy bay người Việt tại Pháp, dù đang hưởng mức lương tương đương với 20 lạng vàng 1 tháng, năm 1946 đã theo Bác về nước phục vụ cách mạng (ông sau này được Bác đặt tên Trần Đại Nghĩa). Các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Minh Giám, Ðặng Thai Mai, Vũ Ðình Hòe cùng nhiều quan chức chế độ cũ được Bác trọng dụng vì nhìn thấy tài năng, đức độ của họ và họ đã hết lòng phụng sự đất nước trong giai đoạn khó khăn.
Những lãnh tụ của Đảng ta như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… đều là những học trò ưu tú của Bác. Hồ Chủ tịch chính là một điển hình “nhân tâm thu phục nhân tài” trong lịch sử nước ta.
Ông cha ta còn có câu “dụng nhân như dụng mộc” bởi mỗi con người có những khả năng, năng lực riêng, biết lựa những điểm mạnh và khích lệ họ phát triển sẽ hữu ích. Trong điều kiện nền giáo dục phát triển như ngày nay, nhân tài không còn “như lá mùa Thu” thời xa xưa. Những người tài năng, người có năng lực phù hợp, sẵn sàng vì nước không thiếu trong Nhân dân, vấn đề là họ có muốn hoặc có cơ hội cống hiến hay không mà thôi. 
Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng đã có chính quyền trong tay thì việc chọn và sử dụng người tài có những khác biệt. Tuy nhiên, việc chọn và dùng người vẫn đòi hỏi “trí, nhân và dũng” của người lãnh đạo. Thời gian qua, một số địa phương đã đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút người tài nhưng hiệu quả chưa được như kì vọng. Với người thực tài, có nhân cách, việc ưu đãi vật chất đôi khi không phải là điều quan trọng nhất. Cái họ cần là môi trường làm việc công bằng, minh bạch để phát huy năng lực và được đánh giá đúng hiệu quả việc làm của mình.

Ảnh minh họa

Thực trạng lựa chọn và sử dụng cán bộ tại nhiều cơ quan, địa phương hiện nay đang có nhiều điều tiếng gây bức xúc dư luận. Tình trạng “cả họ làm quan”, “cấp ủy gia đình” không còn là cá biệt ở một vài địa phương. Khi các cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Nội vụ về kiểm tra việc bổ nhiệm, tuyển dụng tại một số tỉnh thì hầu như các địa phương đều xảy ra sai phạm về tiêu chuẩn, điều kiện khi bổ nhiệm. Thậm chí khi cán bộ bị xử lí kỉ luật lại được “đá lên” cao hơn hoặc “điều ngang” sang vị trí khác như thách thức dư luận. 
Những nơi mà lãnh đạo luôn tìm cách “cài người” vào vị trí lợi lộc, liệu họ có thực sự cần và muốn tìm người tài?./.
(Theo blog Dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét