Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Đại dự án lỗ, vướng tổng thầu EPC: Khó dứt điểm nếu...

Cập nhật lúc 09:52  

Nếu không làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân thì vấn đề không bao giờ được giải quyết triệt để

Không xử nghiêm trách nhiệm khó xử lý dứt điểm
Vẫn liên quan tới vướng mắc trong xử lý tranh chấp với tổng thầu EPC tại các đại dự án thua lỗ của ngành công thương, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng đưa ra một góc nhìn khác.


Đạm Ninh Bình là 1 trong số 12 dự án thua lỗ thuộc Bộ Công Thương. Ảnh: baodauthau
Vị TS kể, trong số “12 dự án thua lỗ” của Bộ Công thương, từ khi về nghỉ hưu đến nay ông đã có dịp thăm và khảo sát lại một số dự án như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai, DAP Đình Vũ, thép Thái Nguyên...
Qua khảo sát, ông thấy, các dự án đều “nổi” lên một số vấn đề chung trong quá trình chuẩn bị đầu tư và quá trình triển khai đầu tư của các dự án này đều giống nhau.
Phân tích cụ thể, ông chỉ rõ: Thứ nhất, vai trò đại diện “chủ đầu tư” đã được giao cho những tổ chức có năng lực không phù hợp (thiếu hiểu biết về chuyên môn, kém về năng lực).
Thứ hai, về phía cơ quan quản lý của chủ đầu tư là Bộ Công thương còn thiếu trách nhiệm, có hiện tượng chạy theo phong trào “ghi điểm”, triển khai dự án đầu tư bằng mọi giá để “góp phần tăng trưởng”.
Đây là những lý do được TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, đã dẫn đến nhiều hạn chế và nhiều “kẽ hở”, từ việc phê duyệt báo cáo đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu, thương thảo/ký kết hợp đồng EPC, giám sát triển khai xây dựng, đến nghiệm thu dự án.
"Trong tất cả những việc này, trước hết “người đứng đầu” (khi đó là nguyên Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng) phải chịu trách nhiệm. Nếu không làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân thì vấn đề không bao giờ được giải quyết triệt để.
Chính vì chưa giải quyết được dứt điểm nên những cái gọi là “chuyển biến tích cực” mà Bộ Công thương thông báo, đó chỉ là tạm thời trước mắt để “hạ nhiệt” dư luận.
Tôi không tin là những vấn đề này có thể giải quyết dứt điểm được", TS Nguyễn Thành Sơn thẳng thắn.
Không để sai lại thêm sai
Về báo cáo 2 dự án bắt đầu có lãi của Bộ Công thương, TS Nguyễn Thành Sơn nói rõ, dù dự án báo lãi là có thật thì cái số “lãi” 147,68 tỷ đồng của DAP Hải Phòng không đủ để xử lý “núi” chất thải chứa chất độc đang ngày một lớn ở gần trung tâm của thành phố này.
"DAP Hải Phòng nếu có lãi, chẳng qua là đã loại các chi phí xử lý chất thải ra khỏi trách nhiệm của dự án, và “đẩy” chi phí này sang “sân sau”.

DAP Hải Phòng đã loại các chi phí xử lý chất thải ra khỏi trách nhiệm của dự án

Còn Thép Việt-Trung, trước đây tôi cũng đã đến thăm, nhưng khi đó tôi không nghĩ nó có “vinh dự” được nằm trong số 12 dự án của Bộ Công thương vì nó là dự án liên doanh.
Khi tôi thăm nhà máy này (với ý định cung cấp than mỡ làm coke cho nhà máy), thì giá bán thép Việt-Trung còn thấp hơn giá bán rau ở Sa Pa.
Còn bây giờ Bộ Công thương “khoe” là có lãi tới 527,2 tỷ đồng, thì phải thận trọng với chiêu “núp danh” dự án của VN để buôn lậu qua biên giới", ông Sơn thẳng thắn.
Đối với những dự án đang khởi động chờ bấm nút, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, cái “gốc” dẫn đến lỗ của đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai hay của các dự án còn lại không phải là “tiết giảm chi phí” hay “tổ chức sản xuất”.
Theo vị TS, nếu đánh giá chủ quan như vậy thì lại càng thiếu trách nhiệm và càng tỏ ra không hiểu gì về công nghệ.
Ông cho biết, việc “bấm nút khởi động” thì rất dễ nhưng “bấm” xong rồi liệu có ra được lãi thật hay không mới là vấn đề.
Dẫn ví dụ từ 2 dự án bauxite của TKV (không nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ), vị TS cho biết, đến nay “có lãi” chỉ là nhờ vào việc tổ chức hạch toán, “đẩy” hết các chi phí khấu hao, trả lãi từ nhà máy sang “sân trước” (Ban QLDA).
"Các dự án của Bộ Công thương (kể cả trong và ngoài “12 dự án”) “thua lỗ” trước hết là do công nghệ lạc hậu. Cần phải tỉnh táo để không “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư tiếp tục “ném tiền qua cửa” nữa.
Thực trạng chung bây giờ và tương lai của các dự án này là thế", ông Sơn khẳng định.
Đánh giá một cách toàn diện, TS Nguyễn Thành Sơn cho biết, tất cả các dự án này đều thuộc lĩnh vực làm ra những sản phẩm mà nền kinh tế có nhu cầu.
Tuy nhiên, hiện nay và nhất là trong tương lai, những sản phẩm này nhập khẩu còn rẻ hơn nhiều lần so với tự sản xuất. Vì thế, nếu tỉnh táo thì ngay từ đầu chúng ta đã không phải mất tiền đầu tư các dự án có công nghệ lạc hậu như hiện nay.
Hơn nữa, sản lượng các sản phẩm tương tự đang dư thừa trên thị trường thế giới. Dù các dự án có khởi động nhưng với cộng nghệ lạc hậu như hiện nay thì cũng rất khó tin được các đại dự án sẽ có lãi trong tương lai.
Vị TS cũng không đồng tình với việc sử dụng ngân sách để cứu các dự án thua lỗ. Ông nhấn mạnh, nếu dùng “cơ chế tài chính” để “cứu” các đại dự án này thì đó là sai càng thêm sai.
(Theo Đất Việt) Lam Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét