Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Xin loạt sân golf vào quy hoạch: Thực chất là vì đất?

Cập nhật lúc 15:57

Quy hoạch sân golf thường gắn liền với đất, mà ở Việt Nam, đất là nhân tố giúp các đại gia giàu lên nhanh nhất.

PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho rằng, khi sân golf trong nước còn đang ế mà lại bổ sung thêm nhiều dự án mới là một động thái kỳ quái, lạ lùng, đi ngược với quy luật kinh tế.

Xin loat san golf vao quy hoach: Noi thang la vi dat?
Đầu tư sân golf vì đất? Ảnh: Bình Dương

Vì đất?
Theo vị chuyên gia, câu chuyện về sân golf không chỉ nóng ở việc quy hoạch mà còn nóng cả trong vấn đề sử dụng.
Về quy hoạch, tình trạng lấy đất rừng, đất nông nghiệp làm sân golf gây bức xúc, bất bình trong dư luận đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như ở Phú Yên, Vĩnh Phúc... Hay việc chuyển đổi mục đích trái phép như ở dự án sân golf Phan Thiết (Ninh Thuận) khiến dư luận nghi ngại... PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, tất cả những lùm xùm như vậy buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của quy hoạch sân golf hiện nay.
Phía Bộ KH-ĐT cũng cho biết, cả nước có 98 dự án thì có tới một nửa chưa đi vào hoạt động, hoạt động không hiệu quả, hoặc bị "ế" vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với các nhà đầu tư.
Tình trạng này cũng được vị chuyên gia lý giải là vì đầu tư sân golf đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, phải trải dài trong nhiều năm.
Từ việc yêu cầu vốn đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm và các dịch vụ phải chịu những đòi hỏi rất khắt khe nên rủi ro, thua lỗ trong những năm đầu dự án hoạt động cũng được dự báo cao hơn.
Vấn đề ở chỗ, dù thua lỗ, dự án bị "ế" như vậy nhưng các địa phương và cả bộ, ngành vẫn liên tục xin bổ sung thêm sân golf vào quy hoạch. PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, động thái trên không hoàn toàn là vì mục đích phát triển mà còn vì động cơ, mục đích khác.
Vị chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho biết, để đầu tư sân golf có lời, các nhà đầu tư không thể chỉ làm sân golf không mà phải hướng vào loại sân golf tích hợp khu nghỉ dưỡng; trong đó bao gồm biệt thự, nhà ở cao cấp.
"Tức là họ gắn với sân golf là phải gắn với diện tích đất đai rất lớn. Vì thế, có địa phương còn giao cho doanh nghiệp cả trăm hec-ta đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp... để làm sân golf, làm resort, biệt thự... với giá "bèo", gây bức xúc trong dư luận.
Đây là nghịch lý vì, tình trạng sân golf thực tế đang bị "ế", tỉ lệ khách nhà giàu tới chơi chỉ chiếm khoảng 0,01% dân số, nhà đầu tư gần như khó kiếm được lợi từ việc kinh doanh hoạt động sân golf. Tuy nhiên, làm sân golf vẫn hút nhà đầu tư là vì những diện tích đất lớn như vậy.
Điều quan trọng là khi có sân golf, giá trị bất động sản tăng lên, từ đó các dự án hoặc những tiện ích xung quanh cũng ăn theo.
Ở Việt Nam, việc kiếm tiền, giàu lên từ đất không còn là câu chuyện lạ nữa. Vì nếu đi lên từ sản xuất, từ việc làm ra cái kim, sợi chỉ, con vít, xe ô tô... đều rất khó khăn còn làm giàu từ đất thường dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Chỉ cần sở hữu một khu đất vàng, đất kim cương là đã có cơ hội được hưởng mức chênh lệch rất lớn, có thể trở thành đại gia trong phút chốc", PGS Lê Cao Đoàn nói.

Đi ngược quy luật kinh tế
Trở lại việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới phê chuẩn, bổ sung cùng lúc hàng chục sân golf vào quy hoạch sân golf của Việt Nam đến 2020.
PGS.TS Lê Cao Đoàn cho biết, ông không thấy ngạc nhiên vì những nghịch lý kiểu "dự án dẫn dắt quy hoạch" trên thực tế vẫn đang diễn ra, nhất là những thành phố lớn. Từ việc chạy theo lợi ích nên quy hoạch luôn bị điều chỉnh, luôn bị thay đổi theo đề xuất của nhà đầu tư.
Vấn đề ông lo ngại là tình trạng bùng nổ sân golf có thể sẽ xảy ra, nếu việc bổ sung quy hoạch không được tính toán và quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả.
"Chúng ta đã có nhiều bài học từ việc bùng nổ sân bay, cảng biển. Nhiều dự án phải đắp chiếu vì thua lỗ, không hiệu quả, không nên để lặp lại tình trạng này với sân golf nữa.
Tâm lý nơi này có, nơi khác cũng phải có, có dự án là địa phương có tăng trưởng, có lợi chắc chắn sẽ phá vỡ quy hoạch chung, gây lãng phí nguồn lực", PGS Lê Cao Đoàn nhắc nhở.
Theo vị chuyên gia, tư duy phát triển chỉ dựa vào đất, làm giàu từ việc cấu véo đất cũng cần phải được thay đổi.
"Các địa phương cũng thôi nghĩ rằng sân golf sẽ giúp kinh tế địa phương "cất cánh" đi. Một nền kinh tế không có nền tảng bền vững, tăng trưởng không dựa vào sản xuất sẽ không thể tạo ra động lực để phát triển bền vững", ông Đoàn cảnh báo.
(Theo Đất Việt) Lam Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét