Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Đánh thuế tài sản bất minh: Nên trưng cầu dân ý

Cập nhật lúc 09:56  

Quan chức không quyết được việc quản lý, xử lý tài sản bất minh của quan chức thì phải trả quyền này cho dân. Phải trưng cầu dân ý.

LTS:- TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp kiến nghị trưng cầu dân ý trong việc xử lý tài sản bất mình để bảo đảm kết quả khách quan, chính xác, hợp lòng dân. Báo Đất Việt xin đăng tải bài viết thể hiện góc nhìn riêng của ông về vấn đề này.
 Danh thue tai san bat minh: Nen trung cau dan y
Nên trưng cầu dân ý giải pháp xử lý tài sản bất minh. Ảnh min họa

Quốc hội đang thảo luận và dự kiến sẽ thống qua dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, khóa XIV này. Đây phải chăng cũng là dịp cuối cùng để thảo luận, đấu tranh về mặt tư tưởng, quan điểm để hình thành nên một hệ thống, chính sách pháp lý đạt độ chuẩn giúp cho việc tiến hành công cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng một cách hiệu quả, thực chất, đúng với ý Đảng, lòng dân.
Tôi cảm nhận thấy, trong nhận thức và quan điểm của một số quan chức khi tham gia chuẩn bị, xây dựng dự án luật này còn có khá nhiều lấn cấn, thậm chí nhầm lẫn, không hiểu là vô tình hay hữu ý.
Xuất phát điểm của tôi để nêu vấn đề lần này đó là, chúng ta cần khẳng định với nhau một cách thẳng thắn, không được phép nhầm lẫn, hạ thấp tính chất của vấn đề. Đó là, tham nhũng là một thứ "giặc nội xâm", chống tham nhũng là chống thứ giặc này. Đã nói đến "giặc" thì việc chống nó không thể lơ mơ, hời hợt, cải lương.
Cha ông ta đã hy sinh xương máu, cuộc sống, một sự hy sinh lớn lao, vĩ đại để chống giặc ngoại xâm, để xây dựng đất nước thì hoàn toàn không chấp nhận một tư duy hời hợt, cải lương khi chống thứ giặc nội xâm là tham nhũng. Chúng ta đã đạt được một số kết quả mà tôi cho là bước đầu làm nức lòng dân, đã thể hiện một phần cơ bản quan điểm là "không có vùng cấm" khi chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xã hội, tham nhũng vẫn còn đó, thậm chí, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng khác nhau như một chuyện thường ngày trong xã hội, ở cơ quan này, cơ quan khác. Kẻ tham nhũng vẫn luẩn khuất, ẩn hiện đâu đó chưa được vạch mặt, chỉ tên, lôi ra ánh sáng thuộc diện mà Tổng Bí thư đã cảnh báo "ai nhỡ nhúng chàm thì phải tự rửa đi".  
Quan điểm thứ hai của tôi là phải định thật rõ chuẩn về nguyên tắc xử lý về mặt pháp luật giữa người dân bình thường trong xã hội với các quan chức và đặc biệt là các quan chức cao cấp. Sự phân biệt này cần phải rõ ràng, chuẩn mực về mặt pháp lý, không thể lẫn lộn giữa người dân bình thường trong xã hội với một quan chức có chức, có quyền.
Đã có thời kỳ những năm 80 của Thế kỷ trước. Ta lẫn lộn cho nên đã thực hiện chủ trương đánh "tài sản bất minh", đánh vào mọi người dân có tài sản lớn. Khi đó, Chính quyền buộc người dân phải chứng minh tính hợp pháp đối với tài sản của họ. Nếu không chứng minh được thì Nhà nước tịch thu.
Đây là một sai lầm mang tính lịch sử mà khá lâu sau này, việc xử lý hậu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vẫn chưa được xử lý một cách thấu đáo đến nơi, đến chốn, còn lưu trong ký ức đau buồn của khá nhiều người dân trong xã hội.
Đến nay, khi chống tham nhũng là thứ "giặc nội xâm" mà đối tượng vi phạm ở đây chính là quan có chức, có quyền, thì ta lại băn khoăn, e ngại về việc xác định trách nhiệm phải chứng minh, trách nhiệm giải trình của những quan chức có khối tài sản lớn hoặc khối tài sản không được khai báo theo quy định.
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, trong trường hợp này, quan chức có khối tài sản lớn hoặc tài sản không được kê khai phải có trách nhiệm chứng minh, giải trình.
Trường hợp, khi chính quyền đã tạo điều kiện, thời gian cho anh mà anh vẫn không chứng minh, giải trình được thì Nhà nước buộc phải tịch thu. Bởi vì đối với quan chức có chức, có quyền, đây là tài sản bất minh. Và theo logic thông thường, đây chính là tài sản tham nhũng do anh lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà thu vén được, chiếm đoạt được của xã hội.
Vậy "quan chức cao cấp" mà tôi muốn nói ở đây, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được như, quan chức lãnh đạo, đứng đầu ở cấp xã, cấp huyện (như Bí thư, Chủ tịch). Còn ở cấp tỉnh đó là, những người đứng đầu sở, ngành trở lên tại tỉnh đó.
Ở Trung ương, đó là những người giữ vị trí Cục, Vụ, Viện trưởng trở lên. Cùng với số này, còn có một số chức danh có điều kiện để tiếp cận, quyết định chi tiêu những khoản kinh phí lớn của ngân sách, giải quyết những công việc quan trọng của cá nhân, doanh nghiệp.
Đối với những đối tượng này, dứt khoát phải xác định trách nhiệm tự chứng minh, trách nhiệm giải trình. Nếu không tự chứng minh, tự giải trình tính hợp pháp đối với tài sản mà anh có thì phải tịch thu, không cần phải tuân theo cơ chế tố tụng tư pháp.
Tôi muốn nói rộng ra, đối với diện "quan chức cao cấp" như đã được xác định ở trên, muốn chống tham nhũng một cách hiệu quả, bên cạnh quản lý một cách chặt chẽ khối tài sản của họ thì những người thân thích, ruột thịt, như bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con cũng phải có nghĩa vụ kê khai tài sản cho cơ quan có thẩm quyền Nhà nước trước khi người thân thích của họ được bổ nhiệm vào vị trí "quan chức cao cấp" đã nêu ở trên.
Đây cũng là một nguyên tắc xác định tính đặc thù và sự phân biệt giữa "quan chức cao cấp" với công dân bình thường trong xã hội.
Tôi cũng đã nhiều lần đề xuất cơ chế xử lý đối với những quan chức, những công chức, viên chức là công bộc của nhân dân đó là, không thể xác định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn như lâu nay chúng ta đã áp dụng.
Tôi cho rằng, đối với công chức, viên chức nếu đã có hành vi vi phạm với lỗi cố ý và có động cơ trục lợi thì hướng xử lý phải là buộc thôi việc hoặc buộc phải bỏ tài sản cá nhân của chính họ ra để bồi thường cho những thiệt hại mà họ đã gây ra cho Nhà nước, xã hội.
Nếu vẫn áp dụng cơ chế bồi hoàn như lâu nay (chỉ mấy tháng lương - cao nhất là 50 tháng lương) đối với hành vi cố ý và trục lợi của những người này thì chẳng khác gì đây là một cái giá rẻ mạt mà khi vi phạm họ vẫn được lợi, nhiều khi là lợi khá lớn, số tài sản, tiền nong, thu được khổng lồ mà dư luận đã nhiều lần nói tới.
Tôi xin khẳng định rằng, cơ chế bồi hoàn không thể áp dụng đối với hành vi cố ý vi phạm và có động cơ trục lợi. Đây là một biện pháp hết sức cải lương và hình thức. Đặc biệt là, việc xử lý là phải buộc thôi việc.
Không thể để tình trạng "công bộc" hay là "ôsin" cố ý vi phạm, trục lợi trong gia đình của gia chủ mà lại xử lý theo kiểu dĩ hòa vi quý. Một gia đình bình thường khi phát hiện  ôsin có hành vi gian dối, cố ý trục lợi thì dứt khoát người ta phải đuổi việc. Cách xử lý trong Nhà nước cũng nên phải như thế.
Đối với chủ trương dự kiến xử lý tài sản bất minh trong Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng, tôi đã có bài viết thể hiện quan điểm không nhất trí việc đánh thuế 45% đối với tài sản bất minh, tài sản không xác định được nguồn gốc. Sự phản đối này ở mấy lẽ:
Thứ nhất, khi người ta xác định đánh thuế có nghĩa là xác định được tài sản bị đánh thuế phải là tài sản hợp pháp, không thể đánh thuế tài sản bất hợp pháp.
Thứ hai, dù anh ngụy biện kiểu gì, như mấy quan chức tham gia soạn thảo Dự án luật và một số người khác khi phân bua hộ cho chính những quan chức có khối tài sản bất minh rằng: do e ngại, do không rõ nguồn gốc... nhằm ngụy biện, biện hộ về khối tài sản bất minh mà họ đang chiếm hữu. Tôi cho rằng đây là một nhận thức lệch chuẩn, có tính ngụy biện trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nói về tố tụng hình sự mà lâu nay đang thực hiện, đối với trường hợp tham nhũng, đưa và nhận hối lộ, nhiều người cho rằng, không thể áp dụng cơ chế pháp lý đơn thuần đó là, hỏi người tố cáo quan chức đã nhận hối lộ rằng: Khi anh đưa hối lộ, có ai làm chứng không và có giấy biên nhận gì không? Nếu không có thì lập tức xác định rằng không có cơ sở để chứng minh việc đưa và nhận hội lộ.
Tôi đã phải than lên rằng, trời ạ, làm sao có chuyện đưa hối lộ lại bắt có người làm chứng và phải có biên nhận? Nếu cứ, truy hỏi như vậy thì chẳng khác gì anh đang bảo vệ cho quan chức nhận hối lộ, đưa vụ án vào ngõ cụt, làm dư luận bức xúc, không đồng tình.
Từ những phân tích nêu trên, tôi kiến nghị riêng nội dung kiểm soát quản lý và truy nguồn gốc của tài sản bất minh của quan chức có chức, có quyền cũng như một số cơ chế, phương thức, quan điểm để xử lý cán bộ, công chức nói chung và quan chức có chức, có quyền nói riêng cần phải theo một chế định pháp lý riêng, đồng bộ, kiên quyết, không thể chấp nhận cách xử lý cải lương, nửa vời, càng không thể chấp nhận việc quy trách nhiệm của quan chức tương tự như quy trách nhiệm đối với công dân bình thường trong xã hội.
Nhiều người cho rằng đây là sự "ngụy biện của cánh ta" tồn tại lâu nay gây rất nhiều bức xúc cho xã hội, cho người dân.
Việc chống tham nhũng và xác lập cơ chế quản lý tài sản bất minh của quan chức, quan chức có chức, có quyền là một chế định pháp lý đặc biệt quan trọng để chống "giặc nội xâm".
Việc xác định nguyên tắc và cơ chế pháp lý để chống "giặc nội xâm" mà đối tượng khá đặc định ở đây đó là, quan chức có chức, có quyền vậy thì việc tự các quan chức, kể cả các quan chức trong Quốc hội tự đặt chuẩn để xử lý sai phạm của chính mình (những kẻ có hành vi tham nhũng) liệu có quá khó chăng?
Việc này làm tôi liên tưởng đến việc định chuẩn trong trang bị và sử dụng xe công để đưa đón quan chức có chức, có quyền. Xã hội nói nhiều nhưng việc loại bớt một số quan chức có chức, có quyền khỏi việc sử dụng xe công đưa đón từ nơi ở tới nơi làm việc sao mà khó đến vậy?
Chính phủ bàn mấy lần cũng không đủ bản lĩnh và quyết tâm để xử lý một cách rốt ráo, thấu đáo, kiên quyết để tình trạng hiện nay vẫn cứ dằng dai, gây tốn kém, lãng phí tiền của của nhân dân, gây sự bức xúc trong xã hội. Việc chống tham nhũng, chống thứ "giặc nội xâm" cũng vậy.
Quá trình thảo luận lâu nay về vấn đề quản lý và xử lý tài sản bất minh cũng như quản lý và xử lý cán bộ, công chức có sai phạm lâu nay chưa đạt chuẩn, chưa thực hiện tốt ý Đảng, lòng dân làm tôi nghĩ tới một giải pháp hết sức cần thiết phải thực hiện trong điều kiện hiện nay. Đó là phải tổ chức trưng cầu dân ý.
Đây là một chế định hết sức quan trọng được xác lập ngay từ Hiến pháp 1946, qua các Hiến pháp 59, cho đến Hiến pháp 2013 đều khẳng định vấn đề trưng cầu dân ý. Hơn 70 năm chúng ta chưa thực hiện, tôi cho rằng, kỳ này nếu Quốc hội không quyết được, vấn đề nhập nhằng giữa quyền công dân và trách nhiệm của công chức có chức, có quyền thì cần phải đưa vấn đề này ra "trưng cầu dân ý".
Quan chức không quyết được việc quản lý, xử lý tài sản bất minh của quan chức thì phải trả quyền này cho dân. Phải trưng cầu dân ý để có được một kết quả khách quan, chính xác, hợp lòng dân nhằm bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ sự sống còn của chế độ.
(Theo Đất Việt)  TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét