Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Con anh chị ‘ngoan xuất sắc’, giỏi… xuất thần!


Cập nhật lúc 10:20   

Chỉ thị rõ ràng, chỉ đạo ráo riết là vậy, nhưng xem ra tình trạng “khen đại trà, thưởng tràn lan, mưa danh hiệu” cho học sinh cuối năm học ở nhiều nơi vẫn như một “con ngựa bất kham”.

Đến học sinh mẫu giáo cũng có giấy khen
Có một thực tế diễn ra từ nhiều năm nay là sau khi tổng kết năm học, phần đông học sinh khấp khởi mừng, vì nếu không đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc, thì cũng giấy khen học sinh tiên tiến. Con trẻ vui một, thì phụ huynh còn vui, hãnh diện gấp 3, gấp 4. Nhiều bậc sinh thành hớn hở, “bồng bềnh” sung sướng khoe bảng điểm “cao chót vót” của con trẻ trên mạng xã hội: những điểm 9, điểm 10, những lời đánh giá, nhận xét như “phun châu nhả ngọc” của giáo viên chủ nhiệm.
Đây là kết quả học tập 2017-2018 của một trường THCS “thường thường bậc trung” ở một thành phố lớn: Trong số gần 1.600 học sinh toàn trường, tỉ lệ học sinh giỏi cuối năm chiếm 62%, học sinh tiên tiến chiếm 34%, còn học sinh trung bình chỉ có 4%. Có lẽ vị hiệu trưởng trường này rất mỏi tay khi phải cầm bút ký tên trên 1.500 tấm giấy khen cho học sinh giỏi, tiên tiến.
Đấy là chưa kể một lớp có tỉ lệ học sinh giỏi chiếm đến 75%. Cũng ở lớp này, một số em tuy tổng số điểm trung bình cả năm của hơn 10 môn học đạt 8,2 - 8,6, song vẫn “ấm ức” không đạt học sinh giỏi vì có hai môn học chính (Toán, Ngữ văn) đạt điểm trung bình cả năm dưới 8,0!
Đối với bậc tiểu học ở nhiều nơi bây giờ, phải hãn hữu lắm giáo viên mới cho học trò điểm 7 hai môn Toán và Tiếng Việt. Thậm chí, đối với bậc mầm non, trẻ chưa học chữ, chưa có điểm, nhiều nhà trường cũng in giấy khen cuối năm, chắc chủ yếu để tặng cha mẹ các bé. Ví như giấy khen ở một trường mầm non nọ: “Hiệu trưởng mầm non MT khen cháu T.N.H., lớp 24-36 tháng tuổi đạt thành tích cháu ngoan xuất sắc trong năm học”.
Một chuyên gia giáo dục ta thán rằng, mới học lớp mẫu giáo bé (2 - 3 tuổi) trẻ có thể ngoan ngoãn, song ngoan đến mức “xuất sắc” thì có điều gì đó chưa ổn. Vì bản thân cái cụm từ “đạt thành tích cháu ngoan xuất sắc” thiếu sức thuyết phục, nếu không muốn nói là áp đặt gượng gạo từ người lớn.
Đọc những thông tin trên, những ai đau đáu với chất lượng giáo dục của nước nhà không khỏi chạnh lòng. Bởi lẽ, căn bệnh thành tích trong giáo dục đã được bàn rất nhiều, nhưng xem ra vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Cách đây 12 năm, Thủ tướng từng ban hành Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8-9-2006 về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”. Cũng từ năm học 2006-2007, toàn ngành Giáo dục đã phát động thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” trong cả nước. Gần đây nhất, đầu năm học học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra chỉ thị nhắc nhở, yêu cầu các trường không được chạy theo thành tích trong giáo dục. 

Tổng kết năm học,Năm học 2017-2018,Bệnh thành tích,Giấy khen,Cải cách giáo dục
Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn rất nặng nề. Tranh minh họa
Trả lại sự trung thực, trong sạch cho học đường
Chỉ thị rõ ràng, chỉ đạo ráo riết là vậy, nhưng xem ra tình trạng “khen đại trà, thưởng tràn lan, mưa danh hiệu” cho học sinh cuối năm học ở nhiều nơi vẫn như một “con ngựa bất kham”.
Xét về tâm lý chung, các nhà giáo đều muốn có thành tích tốt trong công tác giảng dạy; còn học sinh thích có kết quả cao trong kiểm tra, thi cử. Đó là một trong những động lực thúc đẩy thầy cũng như trò nỗ lực thi đua dạy và học đến nơi đến chốn.
Thế nhưng, vì không quan tâm đến dạy thực chất, học thực chất mà cả người dạy và người học vẫn “vuốt ve, cưng nựng” nhau bằng những “bảng vàng thành tích” khiến bản chất của phong trào thi đua dạy tốt, học tốt bị sai lệch, biến tướng. Mặt khác, tâm lý háo danh của nhiều phụ huynh muốn con “giỏi giang hơn người” cũng vô hình trung tạo áp lực khiến bệnh thành tích trong giáo dục trầm trọng hơn.
Nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là do cán bộ lãnh đạo các nhà trường và giáo viên chủ nhiệm các lớp, xuất phát từ nhu cầu “đánh bóng” tên tuổi của trường, lớp mình bằng những kết quả học tập “cao ngất ngưởng” của học sinh. Từ đó tạo sức hấp dẫn của trường, lớp với phụ huynh, khiến họ tìm mọi cách để “chạy” cho con em vào học.

Khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục suy cho cùng là phòng chống, ngăn ngừa, giảm thiểu những suy nghĩ và việc làm giả dối, không trong sáng, lành mạnh gây tổn hại đến tính mô phạm của môi trường học đường, ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách nhà giáo và học sinh.
Một trong những phẩm chất làm người ý nghĩa nhất mà các bậc phụ huynh và thầy cô luôn dạy bảo con em, học sinh ngay từ lúc còn nhỏ là đức tính trung thực. Một trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi là “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra mục tiêu giáo dục học sinh có đủ 5 phẩm chất cần thiết là “Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm”.
Khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục cũng không ngoài mục đích củng cố, khẳng định lại giá trị trung thực vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành, xây dựng, bồi đắp nhân cách cho học sinh. Một nền giáo dục tiến bộ trước hết phải được bắt nguồn từ môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, văn minh.
Nhưng muốn vậy, bản thân các nhà giáo phải thực sự là tấm gương mẫu mực về phẩm giá công tâm, tư cách trung thực và cống hiến hết mình vì sự nghiệp “trồng người”. Thầy cô luôn nghiêm khắc với chính mình, không dễ dãi, cả nể với việc kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh sẽ góp phần ngăn ngừa được tình trạng gian dối trong nhà trường.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, căn bệnh thành tích ít nhiều bắt nguồn từ tư duy “lợi ích nhóm” của một bộ phận cán bộ, giáo viên ở các nhà trường. Vì vậy, muốn chữa trị triệt để thì nhất quyết phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” những biểu hiện háo danh, đánh bóng tên tuổi, “vống” kết quả, “vuốt ve” thành tích dạy học của chính những người làm công tác giáo dục.
Đã đến lúc, cần phải coi trọng và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra giáo dục các cấp, bảo đảm lực lượng này thực sự trở thành “thanh bảo kiếm” góp phần giữ gìn, lấy lại sự công tâm, trung thực trong hoạt động giáo dục.
(Theo VietNamNet) Thiện Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét