Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Tuyển ồ ạt dư 500 giáo viên là do 'quy định mới'?

Cập nhật lúc 09:01  

 

 'Sau năm 2011, việc tuyển giáo viên được giao toàn quyền cho chủ tịch huyện nên mới xảy ra việc tuyển ồ ạt, bất chấp dẫn đến dôi dư', phân trần của huyện ủy Krông Pắk.

 Tuyển ồ ạt dư 500 giáo viên là do quy định mới? - Ảnh 1.
Hàng trăm giáo viên sau khi nghe tin sẽ mất việc đã tập trung phản đối, kéo đến UBND huyện Krông Pắk cầu cứu - Ảnh: TRUNG TÂN
Một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk (Đắk Lắk) cho rằng địa phương tuyển dư hơn 600 giáo viên là do 'quy định mới'. Trước đây mọi việc tuyển dụng, bổ nhiệm đều phải thông qua Ban thường vụ Huyện ủy, nhưng sau đó thì khác.
"Sau năm 2011, việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp được giao toàn quyền cho chủ tịch huyện tự quyết, không có sự giám sát nên mới xảy ra việc ký ồ ạt, bất chấp như vậy" - vị này nói.
Bỏ tiền chạy chân hợp đồng
Ngày 9-3 đã chấm dứt mọi hi vọng của hàng trăm giáo viên dạy hợp đồng tại huyện Krông Pắk vì được thông báo sau ngày 30-4 họ phải rời bục giảng sau nhiều năm làm việc.
Sau buổi "thông báo chủ trương, định hướng" do UBND huyện Krông Pắk tổ chức, hàng trăm giáo viên đã khóc nức nở, mong "ai đó hãy đòi công bằng cho chúng tôi". 
Các giáo viên tiếp tục kéo lên UBND huyện để tìm hi vọng. Tại đây, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện - đã tuyên bố: "Sẽ chấm dứt hợp đồng với các giáo viên không đủ điều kiện xét tuyển và giáo viên thi rớt".
"Cô H. (giáo viên THCS), một trong những người sẽ mất việc, chua xót kể: "Tôi tốt nghiệp ĐH với tấm bằng khá. Lúc này có người chỉ bỏ 100 triệu đồng để "chạy hợp đồng", sau ba năm sẽ được xét duyệt vào biên chế. 
Do nhiều năm huyện không tổ chức xét tuyển nên khi nghe hứa cứ "chạy hợp đồng" để chờ "vào biên chế", tôi quyết định làm theo. Hàng trăm giáo viên khác cũng như tôi, phải bỏ tiền mới được nhận vào hợp đồng. 
Lương mấy tháng đầu khoảng 2,4 triệu đồng/tháng, nhưng sau đó giảm xuống trên 1 triệu đồng/tháng (hiện nay là 1.063.000 đồng/tháng). Tuy mức lương không đủ sống nhưng tôi nuôi hi vọng vào lời hứa sau ba năm được vào biên chế nên cũng cố gắng cầm cự".
"Do nhiều năm huyện không xét biên chế nên khi nghe hứa cứ "chạy hợp đồng" để chờ "vào biên chế", tôi quyết định làm theo. Hàng trăm giáo viên khác cũng như tôi, phải bỏ tiền mới được nhận vào hợp đồng"
Cô giáo H.
THCS trở xuống do chủ tịch huyện quyết
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Đắk Lắk nói theo phân cấp, việc tuyển giáo viên bậc THPT do sở quản lý; dựa vào chỉ tiêu, đề xuất các trường, mỗi năm sẽ tổ chức thi, xét tuyển và phân bổ. Còn từ cấp THCS trở xuống sẽ do chủ tịch UBND huyện quyết định. 
Có nơi chủ tịch huyện sẽ giao phòng GD-ĐT chủ trì, phối hợp với phòng nội vụ (theo dõi biên chế, điều kiện ứng viên...) và tài chính (để chi trả...) nhưng có nơi làm ngược lại.
"Ngành giáo dục nắm rõ trường này thiếu bao nhiêu chỉ tiêu, ở môn học nào nhưng không nắm thông tin tuyển dụng, không được tham mưu. Chính sự "lệch pha" này khiến việc tuyển dụng không sát với thực tế, tạo ra nghịch lý thừa - thiếu cục bộ" - lãnh đạo Sở GD-ĐT Đắk Lắk nói.
Theo tư liệu chúng tôi có được, từ năm 2011 đến hết năm 2015, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó Ban nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (2011-2016), và ông Y Suôn Byă - chủ tịch đương nhiệm - đã ký quyết định tuyển dụng 588 giáo viên, 80 nhân viên các trường học từ mầm non đến THCS. 
Để rồi lý do đưa ra để "cắt hợp đồng" đối với các giáo viên hợp đồng đã tuyển là do số lớp học và môn học giảm.
Né tránh trách nhiệm
Hiện ông Nguyễn Sỹ Kỷ bị cảnh cáo về mặt Đảng nhưng vẫn là phó Ban nội chính Tỉnh ủy. Khi phóng viên liên lạc, ông Kỷ nói không còn làm ở Krông Pắk nên không trả lời.
Còn với ông Y Suôn Byă (cũng ký khoảng 100 quyết định tuyển giáo viên dôi dư), phóng viên liên lạc với ông để hỏi trách nhiệm, đưa ra giải pháp cho hàng trăm giáo viên thì ông cáo bệnh, đang chữa trị ở TP.HCM nên không trả lời.
(Theo Tuổi Trẻ) TRUNG TÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét