Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Đào tạo sau đại học và sử dụng nhân tài:

Những bước lùi của đào tạo sau đại học  
Cập nhật lúc 16:30

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Năm 2015, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục là 225 nghìn tỉ đồng (hơn 10 tỉ USD). Đóng góp của Nhân dân và Nhà nước theo tỉ lệ 50/50. Trong khi, vào năm 1990 ngân sách cho giáo dục khoảng 120 triệu USD còn đóng góp của dân không đáng kể. Nhìn ra thế giới, tỉ lệ đóng góp cao nhất của người dân chỉ là 20%: tại Mỹ 19%, Pháp 7%, Trung Quốc 12%,… Cu Ba và Triều Tiên vẫn thực hiện giáo dục hoàn toàn miễn phí.
Thống kê sơ lược vài con số để thấy được toàn cảnh giáo dục Việt Nam đang ở mức độ nào. Còn GS Nguyễn Ngọc Trân, đại biểu Quốc hội vẫn trăn trở hơn 20 năm nay vì “Đầu tư cho giáo dục lớn nhưng việc sử dụng kém hiệu quả”. Điều này cần thấm vào tiềm thức của các nhà quản lí về giáo dục và đào tạo.

Năm 1976, Nhà nước chính thức tổ chức đào tạo sau đại học với hai học vị phó tiến sĩ và tiến sĩ (TS). Hiện nay, Việt Nam có 24.500 TS trong đó gần 3.000 luận án TS không được lưu giữ ở thư viện Quốc gia. Trong khi, số lượng công trình nghiên cứu công bố quốc tế của ta kém xa so với các nước trong khu vực, lại thêm việc nghiên cứu Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào “ngoại lực”, tức là có tới 80% các công trình khoa học đứng tên chung hoặc hợp tác với người nước ngoài. Trong bảng xếp hạng các hệ thống giáo dục đại học năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Việt Nam ở vị trí số 84, kém rất xa Thái Lan thứ 57 và Philippines thứ 55…

Việc đào tạo sau đại học trước đây, ta coi trọng chuẩn mực - bài báo  Quốc tế, để xây dựng một nền giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) độc lập. Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991) Việt Nam vô tình phủ định truyền thống giáo dục của mình, xem nhẹ kinh nghiệm của trí thức cách mạng và chuẩn mực quốc tế. Từ 1987 sao chép chương trình đại học Chiềng Mai, mô hình của Thái Lan, thay đổi tên gọi bằng cấp ở bậc đại học là cử nhân và sau đại học là thạc sĩ, đổi PTS thành TS, và bỏ đào tạo TS nay gọi là TSKH vào năm 1996-1997.
 

 Ảnh minh họa

Việc sao chép khu vực đã không thành công nên từ năm 2005-2006, “giáo dục được coi là hàng hóa” để nhập khẩu chương trình và mô hình các trường đại học từ phương Tây. Ba mươi năm qua chương trình giáo dục đại học vẫn chưa xong, mô hình đại học có trường bị biến dạng vênh Hiến pháp. Việc xây dựng chiến lược phát triển lại không xuất phát từ thực tế đất nước, đào tạo TS ồ ạt (chuẩn nội - không nhất thiết phải có bài báo quốc tế). Quy định có 900 ấn phẩm trong nước được tính điểm, trong đó  chiếm ¾ của các ngành học khoa học xã hội và nhân văn. Lạm dụng đến mức “Bắt tay chủ tịch xã” cũng trở thành đề tài đào tạo TS và được ông Viện trưởng Viện Tâm lí khẳng định “đề tài hay và có tính thực tiễn”. Điều bất cập này công luận nêu rất nhiều tình trạng “bằng thật bằng giả”,“vàng thau lẫn lộn” gây nhức nhối trong xã hội suốt hơn 20 năm qua.

Để chấn chỉnh tình trạng “thật giả lẫn lộn” và hội nhập quốc tế, lãnh đạo Nhà nước quyết định đưa chuẩn mực quốc tế làm thước đo là bài báo ISI (Institue for Scientific Information) của Viện thông tin khoa học Hoa Kỳ làm chuẩn mực đánh giá mức độ sáng tạo. Chuẩn mực bài báo ISI, là một cuộc cách mạng, làm thay đổi sâu sắc, rộng rãi trong đào tạo, quản lí khoa học giáo dục và kể cả việc xét duyệt phong học hàm GS, PGS hiện nay.

Gần đây, có một đề án với tổng kinh phí 12.000 tỉ đồng, mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ TS đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) sẽ được trình lên Chính phủ. Đề án này không được xã hội đồng tình, vì thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn.

Năm 2005, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho người gọi tôi lên. Ông đưa cho xem đề án: Đổi mới Giáo dục đại học Việt Nam từ 2005 đến 2020, tổng kinh phí 20 tỉ USD, với mục tiêu đạt 450 sinh viên/vạn dân, phát triển lên 900 trường đại học, cao đẳng (bằng Nhật Bản năm 2005). Tôi đã phản biện một cách hệ thống vấn đề này. Trước hết, căn cứ tiêu chí nào để đề ra chỉ tiêu này? Thông thường ở Quốc tế phát triển quy mô đại học, cao đẳng phải trên cơ sở của 2 tiêu chí: 1/Kinh tế sẽ quyết định quy mô giáo dục (năm 2005 GDP của Nhật Bản 6.000 tỉ USD, còn Việt Nam mới đạt 40 tỉ USD, gấp hơn ta 150 lần; 2/ Tiêu chí cao nhất để đánh giá trình độ Khoa học-Kĩ thuật của một nước là giải Nobel. Người Nhật đầu tiên nhận giải Nobel là nhà Vật lí lí thuyết Yukawa năm 1949. Năm 2005 nước Nhật có hai người nhận giải Nobel. Còn bao giờ Việt Nam có giải Nobel về khoa học hay giáo dục?

Sau đó, ngày 27/7/2007 Chính phủ có Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg quy định nước ta có quy mô 576 trường đại học, cao đẳng (giảm 300 trường). Việc đào tạo 23.000 TS với kinh phí 14.000 tỉ đồng được Thủ tướng quyết định ngày 17/6/2010 cũng xuất phát từ kế hoạch “ngược đời” kể trên.

Theo Kiểm toán Nhà nước thì đề án đào tạo 23.000 TS kết quả rất thấp. Vậy đề án 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 TS chẳng qua là để “tiêu nốt số tiền của kế hoạch ngược đời” như đã nêu ở trên. Khóa học 2017-2018 cả nước mới tuyển 251 sinh viên/vạn dân, tương đương với 55,8% của kế hoạch. Vậy đề án 12.000 tỉ đồng và 9.000 TS không còn cơ sở thực tiễn.

Bậc đại học và sau đại học cơ bản là quá trình tự học, muốn vậy phải có sách. Những năm đầu hòa bình lập lại (sau 1954) nước ta hầu như không có TS. Tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, các thầy giáo vừa cầm giáo trình bằng tiếng nước ngoài vừa dịch để giảng cho sinh viên. Thế mà nước ta vẫn có thế hệ các nhà khoa học hàng đầu như GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS Phan Đình Diệu, GS Vũ Đình Cự, GS Phạm Thị Trân Châu, GS Nguyễn Lân Dũng… đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hồi đó, sau một vài năm GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cùng với lớp thầy giáo tốt nghiệp của các trường đã nhanh chóng giải quyết đủ sách giáo khoa cho sinh viên. Năm 1975 số lượng TS của cả nước mới có hơn 1.500 người, phần lớn được đào tạo ở nước ngoài. Số lượng TS hiện nay gấp hơn 16 lần, vậy mà trong dạy và học, sinh viên và thầy giáo đói sách triền miên suốt hơn 30 năm đổi mới.

Nguyên nhân chính là việc lựa chọn con người quản lí và ảnh hưởng của thể chế, cũng như công tác tổ chức, cán bộ nổi cộm “nhiều vấn đề”, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn!

Có lẽ những lí giải trên đây, đã có thể tự trả lời câu hỏi có cần 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9.000 TS nữa  hay không?  

(Theo Ngày mới online) GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét