Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Truy tố nguyên Phó Thống đốc: Trách nhiệm người đứng đầu

Cập nhật lúc 10:30

Từ vụ việc của ông Đặng Thanh Bình, chắc chắn trong các vụ việc tương tự, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được xem xét và xử lý kiên quyết.

VKSND Tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN Việt Nam và các đồng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB). 
Bình luận về động thái trên, chuyên gia kinh tế-tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho rằng, việc truy tố một cựu quan chức quản lý ở cấp cao nhất của NHNN thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và chắc chắn, trong các vụ việc tương tự, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được xem xét và xử lý kiên quyết.
"Việc làm này  thể hiện sự kiên quyết làm sạch bộ máy của Đảng và Chính phủ. Trước đây, những trường hợp tương tự như vậy có lẽ cùng lắm chỉ là nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm.
Tôi tin rằng, tới đây, việc xử lý cán bộ sai phạm sẽ được làm mạnh hơn, trong tất cả bộ máy của Nhà nước, kể cả NHNN, lúc đó hệ thống ngân hàng sẽ lành mạnh hơn", ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh nhận xét.
Được biết, vụ thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra khi VNCB đang trong quá trình tái cơ cấu và ông Đặng Thanh Bình chính là người đã ký tờ trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương.
Theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện), tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.
Điều này có nghĩa là lổ hổng gây ra những hậu quả đáng tiếc đang nằm ở những vị quan chức quản lý ở cấp cao nhất.
Lỗ hổng này, theo chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh, không chỉ nằm trong ngành ngân hàng, mà có ở nhiều ngành khác và xuất phát từ hai nguyên nhân sâu xa.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật của Việt Nam rất nhiều nhưng có những cái mà nếu thực thi đúng thì hầu như không ai làm được vì nó rất khó, mà đã làm được thì người ta phải chấp nhận sai ở đâu đó. Nhưng đôi khi cái sai ở đâu đó lại không sao hết, chỉ đến khi có chuyện thì thì nó lại thành lớn.
Thứ hai, ở Việt Nam vẫn còn nặng nề các vấn đề về thủ tục hành chính, cơ chế xin cho, quan hệ...
 Truy to nguyen Pho Thong doc: Trach nhiem nguoi dung dau 
Trong vụ thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB có trách nhiệm của ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN Việt Nam
"Bởi vậy, không riêng gì vụ án này, hiện nay ở nhiều nơi, nhiều tổ chức, người ta có thể vẫn đang làm sai, nhưng cái sai đó chưa gây hậu quả gì hoặc chưa ảnh hưởng đến cái gì nên chưa được đưa ra, có những người không sai nhưng rơi vào tình huống đó buộc họ phải sai...
Về mặt pháp luật, ai sai thì phải chịu trách nhiệm, pháp luật sẽ xử đúng người đúng tôi, tuy nhiên ở một góc nhìn khác về kinh tế-xã hội, tôi cho rằng cũng cần có chút cảm thông.
Trong trường hợp này, cái sai của ông nguyên Phó Thống đốc NHNN đã thấy rõ nhưng một câu hỏi được đặt ra ra: liệu người khác ngồi vào vị trí của ông ấy liệu có làm đúng, làm tốt hơn?
Bài học này không phải bây giờ mới có, trước kia đã có và tương lai hẳn vẫn còn một số trường hợp như vậy", chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh bày tỏ quan điểm.
Đối với việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Chính phủ đã có đề án và quyết định cụ thể với lộ trình rõ ràng, nhưng ông Linh lưu ý, ở Việt Nam, thứ văn hóa nể nang, lằng nhằng nhiều mối quan hệ vẫn tồn tại và đây chính là một rào cản trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng.  
Ông cũng nhắc lại một điều khoản trước đây mà  ngành ngân hàng từng đề nghị đưa vào Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, đó là điều khoản miễn trừ trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng để những cán bộ có năng lực, trình độ yên tâm công tác. Tuy nhiên, cuối cùng đề nghị này đã không được chấp thuận.
"Đây là vấn đề mà giới chuyên gia tài chính, luật sư quan tâm. Nếu chặt chẽ quá thì các chuyên gia không dám làm. Việt Nam mời rất nhiều chuyên gia tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, họ đóng góp trí tuệ, công sức của họ. Những chuyên gia ấy không có quyền lợi gì liên quan mà chỉ mong muốn ngân hàng tốt hơn. Do đó, rất khó rạch ròi chuyện này", ông Linh nói.
Trở lại với câu chuyện của VNCB, là người làm trong ngành ngân hàng gần 20 năm, ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho rằng, nếu đứng ở ngoài thì chưa hiểu hết nhiều vấn đề của họ. 
Dù vậy, xét về bản chất, đây không phải là một ngân hàng mạnh, trong lịch sử của ngân hàng này tồn tại nhiều vấn đề. Cho nên, rất ít người có ý định làm ăn, xây dựng một ngân hàng lớn mua loại ngân hàng như VNCB và họ có nhiều lựa chọn.
Nhấn mạnh lại rằng không phải chỉ riêng ngân hàng mà nhiều ngành, cơ quan khác cũng có những lỗ hổng ở đâu đó, bắt nguồn từ việc nể nang nhau, cộng với một thời kỳ quản lý bị buông lỏng, ông Linh tin rằng, tới thời điểm bây giờ, với sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước, những lỗ hổng ấy sẽ dần được bịt lại, mọi thứ sẽ được làm chặt chẽ, kỷ cương hơn.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét