Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Buôn lậu xăng dầu trên biển bằng thủ đoạn tinh vi

Cập nhật lúc 10:45

 

 Nếu nghi tàu của lực lượng chức năng đến kiểm tra thì tàu mua bán dầu lậu sẽ cao chạy xa bay. Để tránh bị nghi ngờ, những tàu mua bán dầu lậu thường cho hai tàu chạy chậm, song song bên nhau rồi đưa vòi bơm hút.

Buôn lậu xăng dầu trên biển bằng thủ đoạn tinh vi - Ảnh 1.
Vùng cảnh sát biển 3 bắt tàu bán dầu Princes Sofea (quốc tịch Malaysia) hồi tháng 6-2017 ở vùng biển tây nam Côn Đảo - Ảnh: ĐỨC ĐỊNH
Tối 13-12, đồn biên phòng Côn Đảo và Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện hai tàu cá mang số hiệu tỉnh Bến Tre vận chuyển 64.000 lít dầu DO. Chủ tàu là ông P.M.Đ. không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng trên.
Theo văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), hoạt động buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trong năm 2017 diễn biến phức tạp, trọng điểm là tại các vùng biển các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang...
Hiện tại rất ít tàu cá đánh bắt xa bờ mua dầu trong bờ. Hầu hết chỉ mua chừng 1.000 lít để xuất bến. Sau đó ra tới vùng biển giáp ranh mua dầu từ các tàu nước ngoài để giảm chi phí ra khơi
Ông T.V.N. (chủ tàu cá)
Từ biển xa đến cửa sông gần
Ông Nguyễn Văn Sơn, phó tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết dầu mua bán lậu trên biển với giá rất rẻ so với giá thị trường. Khu vực hoạt động phức tạp, nhất là ở biên giới Tây Nam, vùng biển giáp ranh với Indonesia, Thái Lan, Malaysia...
Không chỉ các tàu cá của Việt Nam vận chuyển, buôn bán xăng dầu không có nguồn gốc mà có cả sự tham gia của tàu mang quốc tịch nước ngoài. 
Điển hình tháng 6-2017, tại khu vực biển tây nam Côn Đảo (cách Vũng Tàu hơn 300 hải lý), tàu CSB 3002 - Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 phát hiện tàu chở dầu Princes Sofea (quốc tịch Malaysia) đang neo đậu và có dấu hiệu bán dầu cho một tàu cá của Việt Nam. 
Thuyền trưởng Mohammed Kaium Hossain (45 tuổi, quốc tịch Bangladesh) khai nhận tàu mình neo đậu ở khu vực trên là để bán dầu cho các tàu cá Việt Nam.
Cũng khoảng thời gian này, ở biển phía tây bãi cạn Đông Sơn (cách Vũng Tàu khoảng 160 hải lý), Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu dầu Norwattana (quốc tịch Thái Lan) đang neo đậu và có một tàu cá đang cập mạn. Tàu này chở khoảng 100.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Biển xa, vùng giáp ranh nóng bỏng nhưng biển gần, những cửa sông, cửa biển cũng nóng không kém. 
Trong tháng 8-2017, Hải đoàn biên phòng 18 (đóng tại TP Vũng Tàu) phát hiện tại khu vực sông Cái Mép - Thị Vải, một ghe bầu vỏ gỗ đang bơm dầu cho hai xe bồn mang biển kiểm soát TP.HCM. Số dầu này cũng không chứng minh được nguồn gốc.

Buôn lậu xăng dầu trên biển bằng thủ đoạn tinh vi - Ảnh 3. 
Nguồn: Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Thủ đoạn tinh vi, kín kẽ
Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện nay hầu hết các tàu chở xăng dầu lậu đều trang bị rađa, ống nhòm hiện đại. 
Nếu nghi ngờ tàu của lực lượng chức năng đến kiểm tra thì sẽ cao chạy xa bay. Để tránh bị nghi ngờ, những tàu mua bán dầu lậu thường cho hai tàu chạy chậm, song song bên nhau rồi đưa vòi bơm hút. Các hoạt động giao nhận hàng thường diễn ra ban đêm.
Hiện nay, những tàu cá cải hoán dùng để mua bán xăng dầu được các chủ phương tiện trang bị máy có công suất lớn hoặc hai máy. 
Ngoài cài cắm tai mắt ở cửa sông, cửa biển để thông báo mọi động thái của cơ quan chức năng, giới buôn lậu còn "sàng lọc" rất kỹ những mục tiêu nghi vấn xung quanh và phải nhận dạng nhau thật kỹ, sợ "bán nhầm".
Thiếu tướng Lê Văn Minh - tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 (đóng tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang) - cho biết: "Ở vùng biển Tây Nam, các tàu chở dầu trọng tải lớn của nước ngoài ban ngày neo đậu tại vùng biển giáp ranh với ta, đêm tối mới tiến vào vùng biển của nước ta để sang mạn, bán lẻ cho các tàu hoặc nhóm tàu cá của Việt Nam đánh bắt xa bờ. Việc thanh toán thường không trực tiếp trên biển mà giao dịch trong đất liền, thông qua các đường dây mua bán, môi giới".
Vùng biển Tây Nam rộng tới 150.000km2, trong khi số lượng tàu tuần tra, kiểm soát còn rất hạn chế, chi phí cho mỗi chuyến tuần tra biển cũng không phải là ít. Cho nên, tướng Minh nhận định số vụ buôn lậu dầu bị bắt giữ chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". 
Trong vụ bắt dầu lậu gần đây nhất, thuyền trưởng tàu chở dầu của Thái Lan thản nhiên thừa nhận: "Tôi chở dầu khoảng 50 chuyến rồi mới bị bắt có... 2 lần".
Thượng tá Võ Văn Thuận - hải đội trưởng hải đội 2 - nhận định: "Nguyên nhân khiến nạn mua bán dầu lậu trên biển là do chênh lệch giữa giá dầu trong nước và nước ngoài quá lớn. Cho nên, giải pháp căn cơ nhất để chống buôn lậu dầu là nên điều chỉnh giá dầu tiệm cận với giá dầu trên thị trường quốc tế. Đồng thời phải xem xét xử lý hình sự cả người bán lẫn người mua dầu lậu mới đủ sức răn đe".
Tàu cá chủ yếu chạy bằng dầu lậu
Ông T.V.N., chủ 8 chiếc tàu cào đôi ở TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), cho biết: giá dầu lậu trên biển thường rẻ hơn giá trong nước khoảng 3.000 - 5.000 đồng/lít tùy thời điểm.
Với mỗi chuyến ra khơi bình quân khoảng 30 ngày, thì 1 cặp 2 chiếc tàu cào đôi của ông tiêu thụ khoảng 25.000 lít dầu. Nhân với 4 cặp tàu cào, chênh lệch cả trăm triệu đồng nên ngư dân chấp nhận làm liều, mua dầu trôi nổi.
"Hiện rất ít tàu cá đánh bắt xa bờ mua dầu trong bờ. Hầu hết chỉ mua chừng 1.000 lít để xuất bến. Sau đó ra tới vùng biển giáp ranh mua dầu từ các tàu nước ngoài để giảm chi phí ra khơi" - ông N. nói.
Một lãnh đạo Công ty Petro Kiên Giang (doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn nhất địa phương này) cho biết doanh số bán dầu cho các tàu đánh cá những năm gần đây giảm dần, thậm chí không đáng kể.
NHÓM PV Báo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét