Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Bộ Tài chính dũng cảm bác 8 dự án vay lãi suất cao

 Cập nhật lúc 15:20                

Bộ Tài chính rất dũng cảm, chấp nhận chịu đau chứ không muốn mạo hiểm.

Thà chịu đau còn hơn mạo hiểm
Quyết định từ chối 8 chương trình, dự án vay vốn nước ngoài với lãi suất cao có tổng trị giá 1,2 tỉ USD của Bộ Tài chính đang được giới chuyên gia đánh giá cao.
 Bo Tai chinh bac 8 du an lai cao: Rat dung cam
Nhiều dự án DNNN sử dụng vốn vay không hiệu quả
TS Lê Đăng Doanh cho biết, chi phí lãi suất đầu vào phải được tính toán dựa trên hiệu quả của dự án đầu tư. Nếu dự án đầu tư có lãi, thu hồi vốn nhanh thì khả năng trả nợ vốn vay cũng cao. Ngược lại, doanh nghiệp đã vay vốn lãi suất cao nhưng dự án hoạt động không hiệu quả, khả năng thu hồi vốn thấp... thì không những sẽ tạo áp lực rất lớn tới khả năng trả vốn gốc lẫn lãi mà còn thúc đẩy nợ công tăng cao.
Trên thực tế, Việt Nam đã được vay nhiều nguồn vốn với chính sách ưu đãi, lãi suất thấp, tuy nhiên năng lực sử dụng vốn lại kém hiệu quả.
"Hầu hết dự án mà Chính phủ bảo lãnh đều là những dự án thuộc DNNN, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước như gang thép Thái Nguyên, sơ xợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình, lọc hóa dầu Dung Quất... Trong số 12 đại dự án làm ăn thua lỗ năm 2017 thì, cả 12 đại án đều dính nguồn vốn vay này.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nợ công Việt Nam đã tiến sát trần, nếu tiếp tục vay vốn trong điều kiện khó khăn, lãi suất cao mà chúng ta cứ chủ quan, buông lỏng, không kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn cũng như giám sát hiệu quả nguồn vốn vay, sẽ là hiểm họa lớn, gây nguy cơ mất an toàn tài chính quốc gia và đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, việc Bộ Tài chính thẳng thắn từ chối khoản vay lãi suất cao đó là quyết định chính xác, cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của Bộ Tài chính trong vấn đề kiểm soát, hạn chế trần nợ công"TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Ông Doanh dự báo, Bộ Tài chính chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt, là liên quan tới tiến độ một số công trình, dự án kết cấu hạ tầng đang triển khai. Tuy nhiên, quyết định trên đã cho thấy Bộ Tài chính rất dũng cảm, chấp nhận chịu đau chứ không muốn mạo hiểm khi không đảm bảo được hiệu quả của nguồn vốn vay.
"Từ tháng 7/2017, Việt Nam đã không còn được hưởng các khoản vay với lãi suất thấp từ nhà tài trợ lớn là Ngân hàng Thế giới (World Bank). Khi đó việc kêu gọi các khoản vay giá rẻ từ các nhà tài trợ nước ngoài càng trở nên khó khăn.
Cùng với chủ trương chuyển mạnh sang vay trong nước, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao dẫn đến tình trạng vốn không giải ngân được, dự án không hiệu quả nhưng Chính phủ vẫn phải trả lãi khiến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
Đây là bài học đắt giá, cần phải rút kinh nghiệm", ông Doanh cảnh báo.
Theo ông Doanh, việc cần làm trước mắt là phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án đầu tư công như: cầu, đường, trường, trạm... Phải coi đó là nhiệm vụ cấp bách cần phải xử lý càng sớm, càng tốt.
Còn trong tương lai, vị chuyên gia cho rằng phải xây dựng một điều luật về hợp tác công - tư. Trong đó, phải trú trọng tới những hình thức nhằm khuyến khích, kêu gọi đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực mà trước đây Chính phủ vẫn đảm nhận trên cơ sở khung pháp luật rõ ràng, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lợi ích nhóm lũng đoạn, thao túng.
Về lâu dài, ông cho rằng Chính phủ không cần hoặc giảm đến mức tối đa việc bảo lãnh vay cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự vay phải tự trả, chứ không thể cứ tạo gánh nặng tài chính  mãi cho Chính phủ.
Để thị trường quyết định
Cũng đồng tình với nhận định trên, chuyên gia ngân hàng Bùi Quang Tín cho rằng, việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả, quản lý vốn không tốt gây thất thoát, mất vốn là nguyên nhân đẩy nợ công tăng cao. Do đó, vấn đề đầu tiên cần phải làm là thay đổi phương thức giám sát, tăng hiệu quả sử dụng vốn, tăng tính hiệu quả của dự án đầu tư.
Vấn đề tiếp theo là phải xem xét lại dòng tiền trả nợ vốn vay, bao gồm cả tiền lãi định kỳ và lãi gốc. Với khoản vay hàng nghìn tỷ USD thì số tiền trả nợ tương ứng cũng không hề nhỏ, đây sẽ là khó khăn lớn cho ngân sách quốc gia.
Vấn đề nữa, theo vị chuyên gia, Bộ Tài chính cần phân định trong cơ cấu nguồn vốn, ưu tiên sử dụng nguồn vốn được vay ưu đãi trước.
Cuối cùng, TS Bùi Quang Tín cho rằng, ngoài việc bác 8 dự án nêu trên, Bộ Tài chính cần thực hiện rà soát lại toàn bộ những dự án đề xuất vay vốn lãi suất cao. Việc vay - trả sẽ phải để thị trường quyết định.
"DNNN cũng phải vận hành theo cơ chế thị trường. Khi doanh nghiệp tự đứng ra vay vốn, họ sẽ tự biết lên kế hoạch để sử dụng đồng vốn đó như thế nào cho phù hợp với đề án, mục tiêu kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp cũng tự ý thức và có trách nhiệm hơn trong sử dụng vốn đi vay cũng như có trách nhiệm hơn trong việc trả nợ các khoản vay đó. Không thể ỉ lại mãi vào sự bảo lãnh của Nhà nước.
Ở đây ngoài trách nhiệm sử dụng vốn, còn liên quan tới uy tín của Quốc gia. Trong quan hệ vay vốn giữa Việt Nam với các định chế tài chính thế giới, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh nhưng nếu việc sử dụng vốn đó không hiệu quả, doanh nghiệp không có năng lực trả nợ thì cuối cùng Nhà nước và người dân phải đứng ra trả nợ thay. Nếu dự án nào cũng như vậy, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, mức độ tín nhiệm của Quốc gia", ông Tín nói.
(Theo Đất Việt) Hoài An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét