Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

TRUY BỨC, ÉP CUNG, MỚM CUNG DƯỜNG NHƯ LÀ NĂNG KHIẾU BẨM SINH CỦA NHIỀU NGƯỜI VIỆT
 Cập nhật lúc 14:13                
 
Mùa hè năm 1982, một tòa án trẻ con đã được thành lập ở Trường PTTH chuyên Phan Bội Châu, Tp Vinh để xét xử một học sinh phạm tội ăn cắp tem gạo.
Người bị cáo buộc là Đường Kim Khánh - một cô nương xinh đẹp, học giỏi vào loại nhất, nhì tỉnh Nghệ Tĩnh. Hiện tại, Đường cô nương là phóng viên Ban Kinh tế - Báo Lao động.
Đường Kim Khánh kể cho tôi nghe câu chuyện đau lòng này từ cuối năm ngoái. Tôi đã hứa viết giúp cô ấy nhưng mấy lần bỏ dở giữa chừng vì nó gợi lại cho tôi nỗi đau tương tự nên câu chữ cứ tuột đi. Vả lại, câu chuyện đau lòng của Khánh, nếu viết dưới dạng văn học sẽ không thể lột tả được hết sự thô bạo tới mức trần trụi của một thời. Đó là lý do tôi thực hiện lời hứa bằng cách bê nguyên văn nội dung chat của Khánh và tôi.
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Phong Lan! Đọc xong bài “Buổi chiều ma ám” của chị, em chảy nước mắt vì đồng cảm, vì cũng từng bị hàm oan như thế.
PHONG LAN: Đau lắm em à. Hồi đó chị đã suýt tự tử. Hơn 40 năm trôi qua nhưng nỗi đau ấy thỉnh thoảng lại trở về khiến ruột gan chị quặn thắt. Còn chuyện của em?

Chủ facebook Phong lan

ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Em tóm tắt, chị viết chuốt hộ em nhé!
PHONG LAN: Ôi cô là dân trong nghề mà, sao cứ đùa dai?
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Em không thể viết nổi vì quá đau. Em sẽ kể và chị nhất định phải viết
PHONG LAN: Hừ! Ok vậy
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Em học trường chuyên Phan Bội Châu ở thành phố Vinh chị ạ. Hè 1982, bọn em lao động đào sân trường, dọn vệ sinh để chuẩn bị vào lớp 9 ( là lớp 11 bây giờ). Em ở ngoại trú, nhưng thấy nội trú vui nên ngủ lại luôn. Ngày ấy chưa có băng vệ sinh, em dùng vải màn. Vì ở ngoại trú nên không có dụng cụ để giặt, em gói “của quý” vào tờ giấy rồi giấu nó ở viên gạch kê chân giường.
PHONG LAN: Chả bù cho bây giờ, loại không cánh, loại có cánh, loại đến kỳ, loại hàng ngày… cứ mở TV là thấy Diana, Cotex bay vèo vèo vào mặt…
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Vầng! Sáng ngủ dậy thấy cái Lâm định cầm gói “của quý” lên xem, em vội vàng giật lại và nhe răng cười. Cũng hôm đó chúng em chia tay nhau về nhà nghỉ hè. 
Hết 3 tháng hè, vừa trở lại trường thì lớp trưởng + bí thư yêu cầu họp gấp để thẩm vấn em vụ mất tem gạo. Lâm bảo em lấy tem gạo của nó gói vào tờ giấy, khi bị nó phát hiện thì giật trở lại. Em khóc như mưa như gió, chẳng biết thanh minh thế nào.
Rồi bọn nó dỗ: chỉ cần nhận lỗi là xong, sẽ được bỏ qua, không bắt đền tem. Nếu không nhận, lớp sẽ đề nghị Ban Giám hiệu đuổi học.

PHONG LAN: Đó là thủ đoạn lừa gạt. Đừng nói với chị là em chịu nhận cái tội mình không phạm phải nhé! Thất vọng lắm đó!
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Em không bản lĩnh như chị đâu. Bị chúng nó truy vấn suốt một ngày, em khóc vật vã cũng không buông tha. Vừa mệt vừa sợ bị đuổi học, em gật đầu nhận bừa cho xong.
PHONG LAN: Chắc chắn không xong.
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Ối cha mẹ ơi, đúng vậy chị ạ. Bọn nó tiếp tục thẩm vấn, hỏi lấy tem gạo ở đâu? Em nói lấy trong túi. Lâm nói nó cất trong nhật ký. Em ừ, lấy trong nhật ký. Nhật ký nhìn như thế nào? Em rằng đó là một cuốn sổ rất đẹp. Lâm bảo khai man vì nhật ký của nó là vở dày. Lại truy vấn, nhật ký đâu rồi? Xé vứt rồi. Vứt ở đâu? Ngoài bờ rào…
PHONG LAN: Ôi nhi đồng thối tai mà đã biết cách thẩm vấn kiểu truy bức, mớm cung, ép cung vậy sao? Thật khủng khiếp!
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Cả lũ đi tìm cuốn nhật ký nhưng làm méo gì có, bởi em chưa từng nhìn thấy chứ đừng nói đụng vào. 
Tìm không thấy, bọn nó tiếp tục lôi em ra chi đoàn kiểm điểm tiếp. Đã mấy lần em suýt tự tử nhưng bản chất dút dát nên không dám.

PHONG LAN: Người lớn đâu? Thầy giáo chủ nhiệm đâu? Sao để trẻ con truy bức nhau như vậy?
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Ông ấy không làm gì hết, kệ mấy đứa trẻ con học làm người lớn xử nhau.
PHONG LAN: Sao lại vô trách nhiệm đến thế. Và sau đó? Có bị đề nghị đuổi học không?
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Em học giỏi lắm chị ơi, toàn đứng thứ nhất, thứ nhì tỉnh Nghệ Tĩnh nên không dám đuổi em chứ chả thương xót gì đâu. Đuổi em thì lấy ai mang giải học sinh giỏi về cho trường? 
Nhưng em bị sốc nặng, học năm cuối cấp trong ánh mắt khinh rẻ của mọi người, đặc biệt là bọn con trai lớp toán. Em chả học hành gì cả. Thế là từ hạng nhất em tụt xuống hạng bét trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

PHONG LAN: Không ai động viên, an ủi em sao?
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Không chị ạ. Gia đình thì em không dám kể. Thầy giáo lại quá nhu nhược, bỏ mặc. Em khóc hỏi thằng bạn thân tên Tài “Cậu có nghĩ là tớ lấy tem gạo của Lâm không?” Nó lảng tránh không trả lời. Em hận vô cùng nhưng lớn lên nghĩ lại thấy thông cảm. Tài ở Hương Sơn, về Vinh học nên hay bị bắt nạt. Nếu bảo vệ em hoặc theo em, Tài sẽ bị cả lớp cô lập và gây khó dễ…
PHONG LAN: Hiểu mà. Ngày ấy tinh thần bầy đàn được phát huy tối đa, Tài không thể khác.
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Và từ đó em bắt đầu nghịch ngợm, phá phách vì nghĩ đằng nào cũng mang tiếng rồi. Thế nên cái Nguyễn Thu Hà có anh trai ở Đức gửi cho mấy chiếc khăn mùi xoa. Nó khoe ầm ĩ, cả lớp xuýt xoa thèm thuồng.
PHONG LAN: Đừng nói với chị là em đã lấy trộm nhé!
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Tại sao không? Để cho bõ tức, em ăn cắp mẹ nó 2 cái, mỗi hôm đi ỉa lại lấy 1 cái ra chùi đít rồi ném xuống hố xí tập thể cho giòi đục. Đó là vụ ăn cắp đầu tiên và duy nhất trong đời em.
PHONG LAN: Há há há… Xấu quá!
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Thì đã bảo cho bõ tức mà. Nỗi căm hận bạn bè, trường lớp, thầy chủ nhiệm…khiến em uất nghẹn tới mức có thể đột tử bất cứ lúc nào. Em chỉ mong năm học trôi qua thật nhanh. Rồi cũng đến lúc ra trường. Em như thoát nợ. Và kể từ ngày đó, em chưa một lần bước chân trở lại trường Phan Bội Châu.
PHONG LAN: Năm cuối cấp học chểnh mảng thế mà cũng đủ điểm đi Liên xô à?
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Tinh thần hoảng loạn như thế thì thi sao nổi hả chị? Em trượt một năm, năm sau mới hoàn hồn ôn thi lại và thừa điểm đi Tây.
PHONG LAN: Thật may mắn vì em không bị trượt dài bởi cái án oan đó.
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Đúng là may thật chị ạ. Bạn em thì không được may mắn như em.
PHONG LAN: Còn chuyện gì nữa? Lại một đứa khác bị vu oan ăn cắp à?
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Vầng, cái Tuyến bạn thân của em còn đau hơn. Năm 8, Tuyến thích một anh lớp 9, viết nhật ký thương thương nhớ nhớ, trong đó có câu: "Anh Hoàng ơi, đôi môi e đang run run chờ đợi môi anh"
Lớp tổ chức họp kiểm điểm, đem nhật ký của nó đọc ông ổng trước tập thể và bắt đầu đấu tố. Cả lớp coi con bé như một ả gái điếm.

PHONG LAN: Ôi trời! Ngày đấy thì người lớn yêu đương cũng phải hoạt động bí mật huống chi học trò phổ thông. Nhưng, đó là nhật ký, sao chúng nó dám? Thầy chủ nhiệm đâu? Có tham gia không hay lại để mặc bọn nhỏ tự xử?
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Thầy chủ nhiệm chủ trì chị ạ, nhưng ông ấy ngồi im, để mặc bọn trẻ mạt sát, thóa mạ, giết nhau. Mọi người bảo Tuyến là cái thứ đáng ghê tởm vì đang tuổi học trò mà dám yêu đương nhăng nhít, đồi trụy. Con bé chỉ biết nức nở van xin nhưng chúng nó không tha. Cả lớp biểu quyết đuổi học mà thấy Tuấn chủ nhiệm vẫn ngồi im thin thít chị ạ. Phần vì nhu nhược, phần vì ông ấy bị lão Phú (mặt chuột kẹp, mỏ nhọn hoắt, mắt láo liên) phụ trách Đoàn trường ép phải đuổi học Tuyến.
PHONG LAN: Kinh khủng! Chỉ là hôn trong nhật ký thôi mà…
ĐƯỜNG KIM KHÁNH: Vầng, quá kinh khủng chị ạ. Con bé cầm học bạ với những lời phê khủng khiếp của thầy chủ nhiệm, của đoàn trường về Diễn Châu. Nhưng nó không thể học nổi vì bị bạn bè chê cười, ghẻ lạnh. Một con bé xinh xắn, học giỏi, ngoan hiền nhưng mới chỉ có 16 tuổi thôi làm sao chịu đựng nổi (?) Nó dần dần trở thành học sinh dốt và cuối cùng phải bỏ học về đi cầy đi cấy. Chị! Chúng em chỉ là những cô bé 16, 17 tuổi thôi mà sao bị đối xử ác đến thế? Vẫn còn may là em và Tuyến không tự tử...
P/S1: Vâng, thật may vì tôi, Đường Kim Khánh và cô bé Tuyến ở Diễn Châu dù bị truy bức, bị vu oan vẫn cố gắng sống và sống tốt. Nhưng những người đã từng truy bức chúng tôi, những cô Lâm, cô Hoa... (bạn Đường Kim Khánh + Tuyến hiện còn sống và đang tồn tại trên FB) có nhớ lại ngày câu chuyện ngày xưa không? Nếu nhớ lại họ nghĩ gì, có chút áy náy nào về sự tàn ác của mình không? Đừng nói ngày đó còn trẻ con nhé! Đừng nói là cái thời ấy nó thế nhé! Cũng là trẻ con nhưng Đường Kim Khánh biết xót thương bạn, không vào hùa với mọi người trong chuyện biểu quyết đuổi học Tuyến.
Và thầy Tuấn? Thầy có biết Đường Kim Khánh hận thầy tới mức nào không? Bọn trẻ con vắt mũi chưa sạch, chưa đủ khả năng phân tích sự việc còn có thể thông cảm phần nào. Nhưng thầy thì sao? Thầy có thể ngồi im chứng kiến bọn trẻ truy bức, mớm cung, ép cung bạn. Thầy nghĩ đang xem kịch chăng? Thầy có nhớ một mùa bão, gió thốc ầm ầm, nước ngập mênh mông bể sở khiến cả dãy nhà tôn của tập thể trường bị đổ… Chính cô bé Đường Kim Khánh chẳng quản nguy hiểm, chạy băng băng đến khu nhà sắp đổ để cứu con thầy. Nhưng khi cô bé xinh xắn, giỏi giang, tính tình hồn nhiên ấy bị hàm oan thì thầy yên lặng. Tại sao? Tại sao?
Thực sự chuyện cứu con thầy Tuấn là do bạn bè nhắc lại chứ Đường Kim Khánh không hề nhớ. Thế đấy! Chuyện tốt không nhớ, nỗi đau mang theo cả đời và đến tận bây giờ Đường Kim Khánh vẫn chưa được giải oan. Cuộc đời của cô bé Tuyến thì bị hủy hoại hoàn toàn.
Theo Facebook Phong lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét