Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

 Nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP. HCM: Nhân chứng Mai Phương không thể làm người giấu mặt

 Cập nhật lúc 09:39
    
“Nhân chứng Mai Phương không thể làm người giấu mặt. Tòa phải làm thủ tục công khai, nhân chứng trả lời công khai những gì mình biết liên quan đến vụ án”, đó là ý kiến của ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM.
Người ta chờ đợi lời khai của nhân vật bí ẩn Mai Phương dự kiến sẽ 'làm nóng' phiên xử ngày thứ 4, nhưng sáng nay bà đã không đến.
Bà Nguyễn Mai Phương, người phụ nữ bí ẩn (bên trái) và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (bên phải)
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xử Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga do Thẩm phán Vũ Thanh Lâm, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM làm chủ tọa “nóng’ qua từng giai đoạn với quá nhiều tình tiết gây bất ngờ cho dư luận. Tình tiết mới nhất làm cho nhiều người thắc mắc và dư luận đặc biệt quan tâm là trong phiên xử chiều 27/6, Hội đồng xét xử quyết định đưa bà Nguyễn Mai Phương vào phòng cách ly, chỉ trả lời các câu hỏi qua micro.
Trả lời trên báo PLTPHCM, ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM cho rằng theo Điều 55 BLTTHS 2003, người làm chứng có quyền: Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng…
Ông Vũ Phi Long nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM
Đồng thời, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; khai trung thực tất cả tình tiết mà mình biết về vụ án. Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng hoặc khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, nhân chứng Mai Phương có quyền yêu cầu tòa có biện pháp bảo vệ mình khi ra tòa trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án. Đối với yêu cầu được ngồi trong phòng kín thực hiện thẩm vấn, đối chất bằng âm thanh qua micro, theo tôi tòa không thể chấp nhận. Yêu cầu này tôi chưa từng gặp trong suốt quá trình hơn 30 năm làm công tác xét xử“, ông Vũ Phi Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Phi Long thì việc thẩm tra lý lịch nhân chứng, cam kết khai báo trung thực, thực hiện việc đối chất, trả lời phải được công khai tại tòa. Nếu không thì làm sao những người tham gia tố tụng khác có thể xác định được đây chính là cô Mai Phương thật, nhân vật mà mấy hôm nay xuất hiện nhiều trong lời khai của các bị cáo và những người được tòa triệu tập khác.
Do đó, nhân chứng Mai Phương không thể làm người giấu mặt. Tòa phải làm thủ tục công khai, nhân chứng trả lời công khai những gì mình biết liên quan đến vụ án“, ông Vũ Phi Long nêu quan điểm.
 Còn theo Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm Tư vấn pháp luật TPHCM thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam thì trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, khái niệm “cách ly” chỉ được đưa vào văn bản luật duy nhất một lần và không có văn bản nào khác hướng dẫn. “Cách ly” được qui định tại Khoản 1 Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, như sau “Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Trong trường hợp này, bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó”.
 
Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm TVPL TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam)
Căn cứ điều luật đã dẫn, tôi cho rằng, cách ly chỉ áp dụng đối với bị cáo tại phiên tòa để nhằm mục đích tránh các bị cáo thông cung. Hay nói cách khác, ngoài bị cáo ra, pháp luật không điều chỉnh việc thực hiện cách ly những người tham gia tố tụng khác như: bị hại, người liên quan, người làm chứng…“, LS Trần Đình Dũng cho biết.
LS Trần Đình Dũng phân tích, đối với người tham gia phiên tòa trong trường hợp tòa triệu tập,  bà Nguyễn Mai Phương với tư cách người làm chứng, họ có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác, đồng thời họ có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa khi cần thiết (Điều 55 BLTTHS).
Khái niệm “có mặt” tại phiên tòa trong phần nghĩa vụ người làm chứng cần phải được hiểu một cách thông thường rằng, họ không thể đến rồi “giấu mặt”. Lời khai của người làm chứng phải được Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, các luật sư đánh giá về mặt chứng cứ. Nhằm để chứng cứ được đánh giá một cách khách quan, lời khai người làm chứng phải được đánh giá cả nội dung lẫn thái độ khai báo.
Thái độ thể hiện lời khai ảnh hưởng đến độ tin cậy của người làm chứng. Điều này phù hợp với thủ tục người làm chứng buộc phải cam kết khai báo trung thực trước khi trình bày lời khai tại phiên tòa. Người làm chứng tại phiên tòa hình sự không thể vì các lý do yêu cầu bảo vệ hoặc hình ảnh bị truyền thông sử dụng mà đưa vào cách ly. Những lý do đó đã có pháp luật khác điều chỉnh. Vì vậy tôi cho rằng, cách ly “người bí ẩn” Nguyễn Mai Phương tại phiên tòa là không phù hợp pháp luật“, LS Trần Đình Dũng nêu quan điểm.
(Theo Nhà quản lý.vn) CÔNG LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét