Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Bán đa cấp không sai luật: Công Thương lấn sân Y tế?

Cập nhật lúc 20:00

 

(Diễn đàn trí thức) - Không có các bằng chứng để nói rằng sản phẩm này có tác dụng chữa ung thư nhưng vẫn quảng cáo sản phẩm đó để kiếm lợi thì đó là lừa đảo.

Bán hàng đa cấp đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống của người dân. Vậy quản lý ra sao, kẽ hở hay chồng chéo ở đâu và làm gì với nó, BS. TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Trưởng ban thường trực hành động của Liên minh vận động phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD) đã bày tỏ một số quan điểm với Đất Việt.
PV: - Công ty Thiên Ngọc Minh Uy vượt qua đợt kiểm tra của Bộ Công thương và nhận được kết luận sơ bộ theo nguồn tin từ báo Infonet là "đã thực hiện các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hoá", chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm. Trong khi đó, qua phỏng vấn trao đổi với Đất Việt, các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa, ... đã ghi nhận chuyển hồ sơ qua cho công an xử lý.
Vậy ông nhận định ra sao về 2 kết luận ngược nhau giữa đoàn Thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương và đoàn thanh tra của Sở Công thương tỉnh đối với công ty đa cấp trên? 
BS.TS. Trần Tuấn: - Việc Bộ Công thương khẳng định quá trình điều tra không phát hiện ra sai phạm từ Thiên Ngọc Minh Uy còn Sở Công thương các tỉnh lại thừa nhận đã chuyển hồ sơ tới Công an tỉnh để điều tra thì điều cần làm là xem lại ngay tiến trình thanh tra.
Mở rộng một chút, ở cấp độ quản lý vĩ mô, tôi quan sát Bộ Công thương đứng ra bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh amiang (hóa chất gây ung thư nhóm 1-nhóm nguy hiểm nhất theo xếp loại của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC, thuộc WHO) hoặc thuốc lá (nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi), thì không khó hiểu thái độ của Bộ với kinh doanh bán hàng đa cấp cho sản phẩm chữa bệnh hoặc liên quan tới sức khỏe, vốn đã gây quá nhiều tai tiếng trong những năm vừa qua.

 Ban da cap khong sai luat: Cong thuong lan san Y te?
Vĩnh Long đình chỉ hoạt động 6 cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy.

Loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp được chính Bộ Công Thương cấp giấy phép. Tình trạng lộn xộn của các công ty đa cấp trên thị trường thời gian vừa qua có phần trách nhiệm của Bộ Công thương.
PV: - Theo thông tin nói trên, các sản phẩm TPCN đều có xác nhận của cơ quan chức năng, thực hiện quy định về ghi nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) lại cho rằng việc người của Thiên Ngọc Minh Uy nói về tác dụng chữa bệnh của các loại TPCN như chữa được ung thư mà họ bán là sai nghiêm trọng. Ngoài ra, việc tổ chức khám chữa bệnh mà Thiên Ngọc Minh Uy tổ chức phải có "sự cho phép của Bộ Y tế với điều kiện gắt gao về cơ sở vật chất, nhân lực đủ trình độ chuyên môn chứ không thể để mấy vị chuyên viên đa cấp kiêm bác sĩ được".
Từ những thông tin trên, có thể hiểu, các sản phẩm thực phẩm chức năng của Thiên Ngọc Minh Uy không phải thông qua sự kiểm định về mặt chất lượng hay không? Ông bình luận như thế nào về việc một sản phẩm được quảng cáo là chữa được ung thư, trong khi, chất lượng lại chưa được các cơ quan chuyên môn công nhận?
BS.TS. Trần Tuấn:- Chữa bệnh là chức năng của ngành y. Xác định sản phẩm thương mại có hay không tác dụng chữa bệnh là chuyên môn của ngành y.
Cho nên mọi kết luận về sản phẩm nói rằng chữa được bệnh này, bệnh kia có mục đích thương mại, bán cho số đông và trở thành một loại hàng hóa đưa ra thị trường thì buộc phải có sự xác nhận về mặt chuyên môn của ngành y.
Nếu một cơ quan khác đứng ra xác nhận cho một loại sản phẩm có mục đích chữa hay hỗ trợ điều trị chữa bệnh mà không phải ngành y thì tôi cho rằng đó là một sự vi phạm.
Trong câu chuyện đang bàn, vi phạm thứ nhất thể hiện ở sự lấn sân của Bộ Công thương vào phía ngành Y. Không có kết luận của bên y tế về sản phẩm đưa vào kinh doanh liên quan tới chữa bệnh cho dân, mà vẫn cấp phép, thì chỉ có thể hoặc là anh coi thường cơ quan chuyên môn y tế, tự cho mình quyền cao nhất trong quản lý thị trường, hoặc tình trạng “điếc không sợ súng” với bệnh tật con người…
Thứ hai, sự xem thường người tiêu dùng, đúng ra là vi phạm Luật của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có quyền được nhận những thông tin đầy đủ về loại, sản phẩm đã đưa vào lưu thông trên thị trường, ở đây là vấn đề tác dụng chữa bệnh có hay không, ai xác định, mức độ chữa đến đâu, thì phải có kết quả minh chứng cho điều đó và các kết quả này, liên quan tới sức khỏe con người, phải được kiểm định bởi Bộ Y tế.
Không có ý kiến của cơ quan quản lý sức khỏe mà vẫn cấp phép cho lưu hành, thì rõ ràng ở đây tồn tại một thái độ vô trách nhiệm với người tiêu dùng từ cơ quan quản lý cấp giấy phép.
Chúng ta đều biết, thế giới đã có quy ước chung về đánh giá chất lượng sản phẩm phục vụ chữa bệnh cho con người. Sản phẩm trước khi đi vào thị trường phải đi qua các bước nghiên cứu cả ở phòng thí nghiệm, trong môi trường lâm sàng, ngoài cộng đồng…và ở từng bước đều phải đi qua đánh giá của hội đồng khoa học và ủy ban xét duyệt đạo đức trong nghiên cứu.
Bộ Công Thương khi cấp giấy phép cho kinh doanh sản phẩm này thì chắc chắn phải căn cứ vào đâu để mà cấp giấy phép chứ?
Trong các loại nhãn sản phẩm hàng hóa đã được quy định đối với sản phẩm chữa bệnh, nếu như Bộ Công thương tham gia cấp phép thì phải có các hồ sơ khoa học chứng minh các sản phẩm được bán ra có thành phần như đăng trên nhãn dán đó, và tác dụng chữa bệnh đã được xác nhận của cơ quan chuyên môn y tế. Cho nên cần xem xét lại hồ sơ trước khi Bộ Công thương đánh giá xem có các hồ sơ y tế đi kèm mới được cấp phép bán hay không.
Cấp phép cho lưu thông sản phẩm liên quan đến sức khỏe mà không đủ hồ sơ có ý kiến của bên y tế, thì quả là đã xem thường cơ quan chuyên môn y tế lẫn vô trách nhiệm với người tiêu dùng.
Nếu chưa được cấp phép mà sản phẩm đã được bán ra thị trường thì cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm. Còn nếu chưa có ý kiến của bên y tế mà đã cấp phép cho kinh doanh thì cơ quan quản lý cấp phép kinh doanh vi phạm.

  
Sản phẩm chỉ có tác dụng làm mềm da, được quảng cáo chăm sóc thận của Thiên Ngọc Minh Uy.

PV: - Quảng cáo chữa được ung thư trong khi chất lượng chưa được kiểm định, theo ông, hành vi này được coi là quảng cáo sai sự thật hay đã có dấu hiệu của việc lừa đảo? Nếu như vậy, việc quản lý bán hàng đa cấp còn kẽ hở như hiện tại có được coi vô tình là tiếp tay cho lừa đảo hay không?
BS.TS. Trần Tuấn: - Nói rằng một sản phẩm nào đó trên thị trường chữa được ung thư mà không có tiếng nói của cơ quan chuyên môn Bộ Y tế mà đưa ra thị trường để thu lợi thì đó là một hành vi lừa đảo đúng nghĩa.
Tôi cho rằng đây không chỉ dừng lại ở quảng cáo sai sự thật! Không có các bằng chứng để nói rằng sản phẩm này có tác dụng chữa ung thư nhưng vẫn quảng cáo sản phẩm đó để kiếm lợi thì đó là lừa đảo.
Nếu anh biết là quảng cáo sai sự thật nhưng lại dùng nó để vận động người mua trục lợi thì đó phải là lừa đảo.
Qua quan sát một loạt các hiện tượng nóng báo chí đang nêu trong kinh doanh hóa chất có hại tới sức khỏe và môi trường sống, mà khoa học y tế công cộng đã khuyến cáo cấm như Amiang trắng, Salbutamol, thuốc lá,... một kết luận rút ra là các phản ứng của Bộ Công thương lại tỏ ra chậm chạp.
Trên thế giới, bất cứ vấn đề liên quan tới sức khỏe của con người, của môi trường thì tiếng nói của Bộ Y tế, cơ quan bảo vệ cộng đồng đều được tôn trọng ở vị trí cao nhất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, đang tồn tại tình trạng bỏ qua các khuyến cáo của Bộ Y tế, thậm chí cả của tổ chức Y tế Thế giới. Vấn đề này cũng xẩy ra tương tự trong câu chuyện amiang, một loại hóa chất gây ung thư nhóm 1 được Bộ Y tế và tổ chức y tế thế giới khuyến cáo cần cấm sử dụng càng sớm càng tốt để ngăn chặn làn sóng ung thư đang gia tăng trong dân Việt.
Nói là có kẻ hở trong quản lý sản phẩm liên quan tới sức khỏe là chưa đúng. Phải nói thẳng ra rằng, Bộ Công thương đã và đang lấn sân quản lý của Bộ Y tế.
Cần xác định cho đúng trách nhiệm của Bộ Công Thương trước tình trạng kinh doanh bán hàng đa cấp, và mở rộng ra, kinh doanh các mặt hàng liên quan tới sức khỏe, đặc biệt là các hóa chất độc hại đã được khuyến cáo cấm sử dụng. Sự xem thường tiếng nói của ngành y tế là có thực, như trong câu chuyện kinh doanh đa cấp mặt hàng chữa bệnh và kinh doanh amiang trắng, một hóa chất độc hại đã bị cấm ở 57 nước trên thế giới.
PV:- Việt Nam không thể nói không với bán hàng đa cấp vì đây là một ngành kinh doanh được công nhận, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Nhưng trên thực tế, sự biến tướng của bán hàng đa cấp gây nên nhiều hệ lụy. Việc này cần phải được chấn chỉnh như thế nào? Kinh nghiệm thế giới trong việc quản lý bán hàng đa cấp thế nào và Việt Nam có thể áp dụng được không, thưa ông?
BS.TS. Trần Tuấn:- Tôi cho rằng, loại hình kinh doanh đa cấp cần phải được xem xét, mang ra mổ xẻ không phải bằng lý thuyết cao xa nào, mà phải xuất phát từ những bằng chứng thực tế, những câu chuyên đổ vở đau lòng đã xẩy ra liên tiếp trong thời gian qua.
 Hãy để những người ủng hộ loại hình kinh doanh này trả lời trước công luận lý giải thế nào về các scandal vừa qua? Cái gì đã được, cái gì đã mất, ai được, ai mất, với loại hình kinh doanh đa cấp?
Từ góc độ phát triển cộng đồng xem xét các scandal kinh doanh đa cấp trong những năm qua, thì tôi kết luận đây là một hình thức kinh doanh phi đạo đức! Bởi tất cả các vụ lùm xùm mà báo chí nêu, đều thấy ở đó hệ quả trực tiếp, là phá vỡ lòng tin và các mối quan hệ xã hội, bắt đầu từ những người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè nơi công tác.. của chính người tham gia kinh doanh bán hàng đa cấp.
Trên thực tế, khi một người tham gia vào loại hình đa cấp, họ bắt đầu lôi kéo những người thân, người trong gia đình rồi lan tới bạn bè tham gia. Lợi ích mà người này kiếm được trực tiếp lấy từ khoản tiền đóng góp của người được lôi kéo vào.
Khi một công ty đa cấp phá sản, nó phá tan mọi mối quan hệ mà người đó có được. Về mặt lý thuyết phát triển, mối quan hệ xã hội của một người là một trong những năm nguồn tài sản quý giá của mỗi người trong tiến trình phát triển. Triệt phá quan hệ xã hội, là chặt đứt chỗ dựa tồn tại xã hội của con người đó, đẩy họ vào tình trạng cô đơn không nơi nương tựa.
Về mặt chăm sóc sức khỏe, đỗ vỡ niềm tin với người thân là đầu mối trực tiếp của tình trạng rối nhiễu tâm trí, căn nguyên bùng phát các dạng bệnh tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi.
  
Phải cho dân biết lợi và hại như thế nào khi tham gia đa cấp. Ảnh minh họa
Kinh doanh tự do đến đâu cũng cần phải được xét trên quan điểm đạo đức của mỗi nước và xét trên hệ thống luật pháp chung và các quy định về mặt sức khỏe.
Trong tất cả các loại hình kinh doanh có liên quan tới sức khỏe con người thì yếu tố không gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu. Tiếng nói quyết định về có hay không tác hại tới sức khỏe cộng đồng phải căn cứ vào chuyên môn y tế.
Đặc biệt là hệ lụy quan trọng nhất mà tôi thấy ít người đề cập tới khi bàn về kinh doanh bán hàng đa cấp, đó là hậu quả tàn phá vốn xã hội có được ở mỗi con người và sức khỏe tâm trí. Rất cần xem xét tình trạng khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng tâm lý, bệnh lý tâm thần xảy ra ở những người liên quan tới sự đổ vỡ của kinh doanh đa cấp. Cấp thiết đo lường đầy đủ hậu quả, để cảnh tỉnh người dân và có các cơ quan hữu trách.
Phải đặt kinh doanh bán hàng đa cấp vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Chế tài phải kiên quyết ngăn ngừa các loại hình kinh doanh phi nhân đạo.
Ngoài ra phải thực thi luật người tiêu dùng. Áp dụng triệt để luật của người tiêu dùng khi vận hành thị trường là điều mà các nước trên thế giới đã làm để kiểm soát kinh doanh phi nhân bản. Trách nhiệm của người bán hàng với người tiêu dùng đã được luật hóa, và khi vi phạm phải xử lý bằng luật.
(Theo Đất Việt) Quế Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét