Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Vụ Su-24 Nga: Toan tính người Thổ và kịch bản của Moscow

Cập nhật lúc 10:33

(Tin tức 24h) - Liên quan đến vụ Su-24 bị rơi, chuyên gia cho rằng có thể Thổ Nhĩ Kỳ đã có tính toán từ trước. Còn Moscow đã có kịch bản trả đũa.
Toan tính từ trước
Trả lời báo Tuổi trẻ về sự kiện không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại một số quốc gia Trung Đông, nhận định Ankara có thể đã có những tính toán từ trước.
Nhìn lại chính sách và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Syria 5 năm vừa qua, ông Nguyễn Quang Khai chỉ rõ, mục tiêu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải chống khủng bố mà là lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad. Chính vì thế, họ đã hỗ trợ các lực lượng đối lập, các nhóm cực đoan ở Syria, trước hết là đội quân của người Turkmen (một dân tộc nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống dọc theo biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ).
 Vu Su-24 Nga: Toan tinh nguoi Tho va kich ban cua Moscow
Nga đã có những phản ứng mạnh mẽ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của nước này
Chiến dịch quân sự của Nga trong thời gian chưa đầy hai tháng đã thu được kết quả to lớn, phá hủy nhiều căn cứ và tiêu diệt nhiều nhóm khủng bố, trong đó có các lực lượng quá khích người Turkmen và các nhóm tham gia buôn lậu dầu mỏ Syria. Ai cũng biết một số thế lực có ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ đang thu về những khoản tiền lớn từ cuộc chiến ở Syria, từ việc buôn bán dầu lậu và trung chuyển các chiến binh qua biên giới. 
Trong tình hình như vậy, đây có thể được coi là hành động của Ankara trả đũa cho việc Nga không kích các cơ sở chiến binh khủng bố ở Syria, trong đó có một số được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ.
Mặt khác, Nga đang trở lại khu vực với thế và lực mạnh hơn trước rất nhiều. Chính quyền của Bashar Al-Assad được củng cố. Tổng thống Nga V. Putin vừa  thăm Iran, Jordan thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Iraq, Ai Cập cũng đang tìm cách ngả dần sang Nga.
Trong vấn đề Syria, đặc biệt cuộc khủng hoảng người di cư gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ phải tự thân vận động, Mỹ và châu Âu không giúp được bao nhiêu. Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga để gây sự chú ý của Mỹ và NATO. Chính vì lẽ đó mà ngay sau khi sự việc xảy ra Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu NATO họp khẩn cấp.
"Chỉ khi nào tính đến tất cả các yếu tố này thì mới hiểu được những hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ", nguyên đại sứ Việt Nam tại một số quốc gia Trung Đông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Khai cũng nhận định, khó có thể xảy ra Thế chiến thứ ba, thậm chí là cuộc chiến tranh mang tính cục bộ ở khu vực Trung Đông.
"Không nước nào có lợi ích trong việc để xảy ra chiến tranh. Ưu tiên của cả Nga, Mỹ, NATO và cộng đồng quốc tế lúc này là hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố, trước hết là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mỹ, NATO và các nước lớn đều kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, tránh để tình hình leo thang.
Tôi hi vọng rằng mặc dù hết sức căng thẳng, nhưng vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ quan hệ tay đôi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khuôn khổ cuộc khủng hoảng Syria", ông nói.
Kịch bản trả đũa của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc các động thái phản ứng của mình trước vụ chiến đấu cơ Su- 24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo người dân Nga không nên đi du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đơn thuần vì lý do an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón khoảng 3,3 triệu du khách Nga trong 9 tháng đầu năm nay và gần 4,5 triệu du khách Nga trong năm 2014.
Sputnik News cho biết, đóng góp trực tiếp của khách du lịch Nga vào GDP của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014 được ước tính khoảng 4 tỷ USD, tương đương với 0,5% GDP. Vì thế, nếu người Nga ngừng hoàn toàn các chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó sẽ dẫn đến những tổn thất rất lớn.
Về năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu, khoảng 27 tỉ mét khối vào năm 2014. Phần lớn lượng khí đốt này được chuyển qua đường ống nằm sâu dưới Biển Đen, được gọi là Blue Stream (Dòng chảy Xanh), và phần còn lại thông qua Ukraine và các nước vùng Balkans.
Trà lời phỏng vấn Bloomberg qua điện thoại, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky nói rằng việc cung cấp khí đốt theo hợp đồng vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện. Song ông từ chối bình luận về triển vọng đàm phán về Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, một dự án đường ống dẫn khí đốt qua Biển Đen mà theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành đường trung chuyển khí đốt xuất khẩu của Nga sang Liên minh châu Âu .
Bloomberg cho biết, Nga cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, với công suất thiết kế 4.800 MW tại tỉnh Mersin trên bờ biển Địa Trung Hải.
Bloomberg dẫn số liệu của IMF cho biết, Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ sau Đức. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhập siêu lên tới 25 tỷ USD hàng hóa các loại từ Nga.
Tính đến nay, đầu tư trực tiếp của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ là 755 triệu USD trong năm nay, Bloomberg dẫn lời ông Charlie Robertson, Trưởng ban Kinh tế toàn cầu tại Tập đoàn tài chính Renaissance. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào Nga ít nhất là 55 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2015.
Cả hai quốc gia đều "có nhiều thứ để mất nếu leo thang căng thẳng", đặc biệt là về thương mại, Tim Ash, người phụ trách chiến lược tín dụng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Tập đoàn Tài chính quốc tế Nomura (Nomura International Plc), nói với Bloomberg qua email. "Nhưng hiện nay các bên đang bị cảm xúc chi phối và một bên cần phải kiềm chế".
Còn nguyên đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định: "Các biện pháp trừng phạt kinh tế như con dao 2 lưỡi, vì nó cũng sẽ gây thiệt hại cho cả Nga, đặc biệt trong khi Nga đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận. Nga sẽ phải tính toán rất thận trọng để đạt được mục tiêu của mình".
(Theo Đất Việt) An Nhiên tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét