Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Hội thảo về biển Đông:

Học giả Trung Quốc “chọi” nhau về lập luận đường chữ U

Cập nhật lúc 06:55         

 
Các học giả cho rằng hành động của Trung Quốc đang thay đổi nguyên trạng trên biển Đông
Ngày 24.11, hội thảo quốc tế về biển Đông lần 7, tại TP.Vũng Tàu tiếp tục diễn ra với nhiều tranh cãi bắt nguồn từ các học giả Trung Quốc.
Trong khi TS. Nông Hồng, Viện nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) tiếp tục cho rằng: Chủ quyền lịch sử đường chữ U của Trung Quốc có ý nghĩa hơn trước pháp luật so với khái niệm vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác ở biển Đông; thì trước đó, TS. Thẩm Đinh Lập, ĐH Phúc Đán (Trung Quốc) đã khẳng định: Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển UNCLOS quy định về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển chỉ đơn thuần là quyền kinh tế và không có ý nghĩa về mặt chủ quyền. .
Tuy nhiên, bà Nông Hồng đã không nêu ra được căn cứ Trung Quốc lấy cái chủ quyền lịch sử này ở đâu ra.
Các học giả cho rằng: Đây là lập trường từ lâu của Trung Quốc và họ đang tận dụng tối đa vấn đề lịch sử. Tuy nhiên, lập luận của bà Nông Hồng đã tiếp tục gây ra tranh cãi.  
Một học giả trẻ, đang là nghiên cứu sinh tại Anh, chị Nguyễn Ngọc Lan, nhóm Lãnh đạo trẻ biển Đông cho rằng: Chủ quyền đường chữ U của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái, không có cơ sở pháp lý nào. Trong khi đó, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép năm 1974, vi phạm luật quốc tế.
Tại hội thảo, nhóm lãnh đạo trẻ biển Đông đã đưa ra 4 nhóm giải pháp cho vấn đề biển Đông gồm: Chính trị, quân sự, pháp lý, khai thác chung và đề nghị việc phi quân sự hóa, tạo niềm tin trong cộng đồng Asean.
TS.Nguyễn Ngọc Trường, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế cho rằng: Nếu nói về vấn đề lịch sử, thì Việt Nam mới là nước có chủ quyền lịch sử đã tồn tại lâu đời được chứng minh qua các bản đồ từ xưa của cả Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, bản đồ Việt Nam khẳng định chủ quyền, còn bản đồ Trung Quốc không xuất hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TS.Nguyễn Mạnh Hùng, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) lo lắng: Trung Quốc sẽ lấn tiếp cho tới khi bị chặn lại, việc chặn lại tùy thuộc vào nước lớn có quyền lợi như Mỹ, Nhật, Úc và họ cần có chân đứng là các nước Đông Nam Á, nếu Đông Nam Á không đoàn kết tạo cho họ chỗ đứng thì họ sẽ bảo vệ ra ngoài. Hiện nay, tại Đông Nam Á, các nước đang tồn tại sự khác biệt lớn do mỗi nước có nền kinh tế, thể chế chính trị khác nhau, khó có cùng nguồn lợi. “Ở đây mỗi nước thấy “kẻ thù chung” ở mức độ khác nhau, nó khiến cho cộng đồng Đông Nam Á không thể mạnh được, đã có những tiến bộ, nhưng thực chất chưa thấy một cộng đồng có thể liên kết với nhau để giải quyết với những vấn đề chung” – ông Hùng cảnh báo. 
Theo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét