Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Cuộc chiến chống IS: Lộ bí mật động trời của Mỹ

Cập nhật lúc 14:30                

(Tin tức 24h) - Trong khi một người từng là phiến quân IS tiết lộ bí mật về tổ chức khủng bố này thì quân đội Mỹ bị cáo buộc làm giả báo cáo về IS.

Bí mật của IS
Mới đây, hãng tin CNN đã đăng tải thông tin về một cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Micheal Weiss và một người đàn ông tên Abu Khaled, từng là một phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Khaled hiểu rõ về cách mà tổ chức này vận hành, ai là người chịu trách nhiệm chính, phân chia công việc ra sao, quân số có bao nhiêu người. Khaled am hiểu tường tận về sự dã man đến mức bất thường trong các quy định mà những kẻ thuộc đội ngũ an ninh của IS tạo ra để theo dõi dân chúng sống tại vùng đất chúng cai trị hay để giám sát lẫn nhau.
Khaled cũng lý giải được tại sao mà rất nhiều người vẫn tôn thờ IS, bất chấp những tội ác khủng khiếp mà nhóm này gây ra.
Theo Khaled, ông gặp rất nhiều người đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Venezuela, Trinidad, Mỹ và Nga đến gia nhập IS.

 Cuoc chien chong IS: Lo bi mat dong troi cua My
Một tay súng của lực lượng nổi dậy tại Syria. Ảnh: AP

Trước khi cuộc chiến ở thị trấn chiến lược Kobani, Syria, diễn ra hồi năm ngoái, IS mang ánh hào quang của một tổ chức không thể bị khuất phục, khiến những kẻ ủng hộ trên khắp thế giới không ngừng kéo đến với khát khao được sống dưới lá cờ đen.
Nhưng trong trận chiến kéo dài nhiều tháng này, lực lượng bán quân sự người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã chiến đấu kiên cường, tiêu diệt từ 4.000 đến 5.000 tay súng cực đoan.
"Gấp đôi con số trên là những người bị thương hoặc không thể tiếp tục chiến đấu", Khaled cho hay. IS sau đó dùng họ làm bia đỡ đạn trên chiến trường. Tháng 9 năm ngoái, số lượng tay súng nước ngoài tham gia IS mỗi ngày lên tới 3.000 người, nhưng nay, con số này thậm chí còn không tới 60.
Sự suy giảm nghiêm trọng kể trên khiến chỉ huy cấp cao của IS phải điều chỉnh chiến lược sử dụng các chiến binh ngoại quốc.
"Điều quan trọng hơn cả là chúng đang tìm mọi cách để cài cắm chân rết trên phạm vi toàn cầu", Khaled nhấn mạnh. Các thủ lĩnh IS nay "yêu cầu thành viên ở yên tại đất nước của họ để thực hiện hành vi bạo lực, giết hại dân thường, đánh bom hay bất cứ điều gì trong khả năng".
Một số tay súng mà Khaled huấn luyện thực sự đã trở về nước, trong đó có hai người Pháp, khoảng 30 tuổi, mà ông không biết tên.
Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Paris, Pháp, xảy ra tối hôm 13/11, Weiss liên lạc lại với Khaled để dò hỏi thông tin. Khaled khá chắc chắn rằng một hoặc cả hai người Pháp mà ông từng nhắc tới có liên quan đến vụ việc.
Khaled cho hay ông đang chờ truyền thông công bố hình ảnh của các nghi phạm để kiểm chứng nhưng đồng ý miêu tả sơ qua về những người này. Đầu tiên là một người gốc Bắc Phi, có thể từ Algeria hay Morocco, với chiều cao và cân nặng trung bình. Người kia có quốc tịch Pháp, lùn, mắt xanh, tóc vàng, rất giống một người cải sang đạo Hồi, có vợ và một con trai 7 tuổi.
Khi được hỏi đã cảnh báo cho ai về hai người này chưa, Khaled trả lời rằng "Có" rồi không nói thêm bất kỳ điều gì khác.
Bí mật của Mỹ: Báo cáo láo?
Trong khi đó, tờ New York Times cho biết, khi các phiến quân IS chiếm hàng loạt thành phố tại Iraq năm ngoái, bộ phận phân tích thuộc Bộ chỉ huy Trung ương quân đội Hoa Kỳ (Centcom) đã viết báo cáo cho các quan chức tình báo quân đội và các nhà làm chính sách rằng quân đội Iraq đã bỏ chạy một cách thảm hại.
Tuy nhiên, trước khi văn bản được đưa ra, các sếp của Centcom đã sửa đổi nhiều chi tiết quan trọng. Họ tuyên bố quân đội Iraq không hề bỏ chạy mà chỉ là “tái triển khai”.
Hiện Lầu Năm Góc đang tiến hành điều tra các cáo buộc liên quan đến Centcom. Các chuyên viên phân tích tố cấp trên của mình đã  “tô hồng” vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột hơn so với thực tế.
Những tuần gần đây, Chánh thanh tra Lầu Năm Góc đã tịch thu một lượng lớn email và hồ sơ từ máy chủ của quân đội để kiểm tra.
Tuy nhiên, một quan chức quốc hội Mỹ tiết lộ nhiều thông tin có thể đã bị xóa trước khi lọt vào tay các nhà điều tra.
Không rõ những báo cáo của Centcom có ảnh hưởng bao nhiêu đến chiến lược của Tổng thống Obama trong cuộc chiến với IS. Trong khi Cetncom tỏ ra lạc quan về thắng lợi của Mỹ, nhiều cơ quan khác lại có cái nhìn bi quan hơn.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 20/11 tuyên bố “các chính sách sai lầm” của phương Tây đã sản sinh ra IS, và cho rằng không thể có một tiến trình chính trị nào ở Syria cho đến khi “các phần tử khủng bố” bị đánh bại.
Tổng thống Syria trước đó đã từng dùng từ “phần tử khủng bố” để mô tả cả hai lực lượng IS và quân nổi dậy được ​phương Tây hậu thuẫn để chống đối chính quyền Syria.
(Theo Đất Việt) An Nhiên tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét