Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013


 08:18
“Khoan trách người bệnh, hãy xem lại mình”
Cảnh thường thấy tại các BV chuyên khoa ở TPHCM. Ảnh: Võ Tuấn

Gần 2 tỉ USD để ra nước ngoài khám - chữa bệnh mỗi năm:

“Khoan trách người bệnh, hãy xem lại mình”

Nếu muốn 2 tỉ USD/năm chảy ngược lại VN thì ngành y tế không chỉ kêu gọi hô hào, mà phải hành động và làm việc… “cật lực” để lấy lại niềm tin ở người bệnh.
Vì vậy, “khoan trách người bệnh, hãy xem lại mình” - đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự tại hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới” do Báo Lao Động và Vụ các Vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại TPHCM vào ngày 26.1.

Vòng luẩn quẩn quá tải, mất niềm tin…

Con số mà Thứ trưởng Bộ Y tế - GS-TS Nguyễn Viết Tiến đưa ra tại hội thảo cũng khiến cho mỗi người đều suy nghĩ: Ước tính mỗi năm 40.000 người VN đổ ra nước ngoài để khám - chữa bệnh. Tại sao lại có hiện tượng trên? Có phải do người VN luôn có tâm lý sính ngoại hay mất niềm tin vào ngành y tế trong nước?...
Mới đây nhất, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thị sát tại “điểm nóng” về quá tải là Bệnh viện Ung bướu ở TPHCM. Bà đã chứng kiến nhiều bệnh nhi ung thư phải... bò từ gầm giường ra chào bà.

Và chính Bộ trưởng cũng phải chật vật mới đi được qua “rừng” người trong BV quá tải trầm trọng. Không chỉ BV Ung bướu, ở BV Chấn thương chỉnh hình, Nhi Đồng 1, 2, Từ Dũ... tại TPHCM cũng quá tải như vậy.

PGS – TS Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội Cột sống TPHCM - cho biết: “Không ít người giàu đã đến BV Chấn thương chỉnh hình chữa bệnh, nhưng họ lập tức... tháo chạy. Chỉ vì họ thấy BV quá tải, xô bồ, bát nháo, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp... Trong khi đó, ngành cột sống và một số ngành khác của VN đã được bạn bè quốc tế công nhận đạt đến “đỉnh cao của nghệ thuật điều trị” trong nước”.

PGS Thành cũng nêu một thực tế cần phải nhìn nhận: “Hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày đi Singapore, Thái Lan và một số nước khác khám - chữa bệnh, hầu hết là “đại gia”, “VIP”. Họ không chỉ cần tay nghề BS cao mà còn đòi hỏi được tiếp đãi ân cần, phòng ốc điều trị lịch sự, và ít nhiều... kín đáo, xứng đáng với đẳng cấp, vị trí, tầm cỡ và đồng tiền họ bỏ ra”.

Theo ý kiến của các BS đầu ngành khác, vòng luẩn quẩn đang hiện hữu tại các BV ở VN đó là sự quá tải diễn ra theo dây chuyền: Người ở phường xã đổ lên BV tuyến quận, huyện, tuyến quận, huyện thì vượt lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh đổ ào ạt lên chuyên khoa các TP lớn rồi từ đó vượt tuyến lên thẳng các BV có tiếng, hạng đặc biệt... Sự quá tải thủ tục rườm rà, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị hiện đại, trình độ BS còn chưa đồng đều, thái độ chăm sóc phục vụ bệnh nhân... khiến người bệnh không an tâm giao phó sức khỏe của mình cho các BS trong nước chăm sóc.

TS - BS Trần Hải Yến - PGĐ BV Mắt TPHCM - cho rằng: Ở VN đội ngũ chuyên môn giỏi chỉ tập trung ở một số BV công tuyến trên. Tuyến dưới dù được đầu tư thiết bị hiện đại, vẫn vắng bệnh nhân bởi không có BS giỏi. Mặc dù Bộ Y tế đã thực hiện đề án 1816 nhằm chia sẻ nguồn lực của tuyến trên cho tuyến dưới, nhưng chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ nào. Bởi chương trình mang tính tạm thời, “chữa cháy”, không tạo được thay đổi nền tảng. 

Bệnh nhân nằm hành lang để điều trị tại BV Chợ Rẫy – BV được xếp hạng đặc biệt.

“Không thể há miệng chờ…2 tỉ USD”

BS Huỳnh Khắc Cường - Chủ tịch Hội Tai mũi họng TPHCM - đã góp ý: “Hiện tượng trên tựu trung hai chữ “niềm tin”. Niềm tin không thể thuyết phục bằng lời nói mỹ miều, tuyên truyền đơn thuần... Không thể chỉ ngồi rung đùi mà giành được thị trường tiềm năng 2 tỉ USD, mà sẽ phải làm việc cật lực... Khuyết điểm trầm kha của BS, điều dưỡng hiện nay là thiếu hẳn một thái độ niềm nở, tinh thần quý trọng đối với bệnh nhân. Không những “thiếu”, mà có thể khẳng định là rất bỡ ngỡ khi phải tiếp xúc với bệnh nhân một cách thân thiện... Có thể do nhiều nguyên nhân, từ đồng lương kém cho đến suy sút y đức”.

TS - BS Nguyễn Đình Phú - PGĐ BV 115 - đã đưa ra dẫn chứng so sánh giá một số dịch vụ điều trị của VN và Singapore: “Nếu thực hiện kỹ thuật thay khớp háng và khớp gối tại VN chỉ cần 90 triệu trong khi thực hiện tại Singapore là gấp hơn 6 lần; chụp động mạch vành thực hiện dịch vụ tại VN là 8,4 triệu nhưng tại Singapore 64 triệu, chụp can thiệp động mạch vành và đặt stent thường là 38 triệu trong khi ở Singapore cao gấp gần 10 lần. Ghép thận ở VN khoảng 180- 200 triệu thì ở Singapore là 765 triệu đến 1,6 tỉ đồng... Sự chênh lệch giá quá lớn nhưng bệnh nhân VN vẫn quyết đi nước ngoài”.

Thậm chí, theo PGS - TS Nguyễn Thi Hùng - GĐ BV Nguyễn Tri Phương - có bệnh nhân đã được hội chẩn chuẩn bị xong mọi thứ để mổ nhưng sau một đêm suy nghĩ lại họ đã quyết định khăn gói sang Singapore...

Tháo gỡ vấn đề này, theo PGS - TS Thi Hùng, ngành y tế VN phải thống kê bệnh nhân đi nước ngoài chữa bệnh nào nhiều nhất và thống kê cả những thế mạnh của từng BV để tuyên truyền cho bệnh nhân được biết. Biết ta, nhưng cũng phải biết người như vậy mới có giải pháp giữ bệnh nhân trở lại. PGS - TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - góp ý: “Việc đầu tư vào cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và dịch vụ là 3 yếu tố quan trọng. Trong đó ưu tiên hàng đầu cho nguồn nhân lực. Nếu chúng ta thực sự đầu tư đúng, đào tạo tốt thì chúng ta đã có những BS giỏi hơn và tạo được niềm tin cho người bệnh”.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cam kết, Bộ Y tế sẽ có chủ trương, quyết sách để tận dụng được khả năng, thế mạnh của từng cơ sở y tế để tạo được niềm tin với người bệnh. 

TS Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh - đưa ra 8 giải pháp góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, thu hút bệnh nhân ở lại Việt Nam chữa bệnh: Tiến tới việc thu viện phí theo mức 4 là “Tính đủ, thu đủ”, đối tượng người nghèo, diện chính sách sẽ có BHXH chi trả. Bình đẳng công-tư, nâng cao chất lượng, tay nghề đội ngũ y - bác sĩ, cơ sở vật chất;  xóa bỏ tâm lý “sính ngoại”, “trọng ngoại” của người dân. Trong đó đặc biệt chú ý đến giải quyết vấn đề quá tải BV, quá tải chỗ nào nâng cao chất lượng chỗ đó, chú trọng phát triển BV tuyến dưới... 
 Theo Lao động (Võ Tuấn - Quang Huy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét