Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013


13:45
TS. Cao Sỹ Kiêm:

Không thể để người dân gánh sự yếu kém của ngân hàng

(ĐVO) – “…Ngân hàng yếu kém rồi lại bắt người dân phải gánh chịu là không được. Ngân hàng yếu kém thì phải khắc phục cái yếu kém đó chứ không phải là lợi dụng việc thanh toán qua ngân hàng để tính phí cao hơn, bù đắp cho sự yếu kém của mình là không được”.

Liên quan đến dự thảo Nghị định quy định việc mua bán nhà, đất, ôtô, xe máy... sẽ phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng, PV báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm về vấn đề này.
 
Ts. Cao Sỹ Kiêm - Đại biểu Quốc hội khóa 13, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc Gia
Ts. Cao Sỹ Kiêm - Đại biểu Quốc hội khóa 13, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc Gia
PV: Dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt trong đó, các giao dịch mua bán bất động sản, ô tô, xe máy… sẽ phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng. Như vậy đồng nghĩa với việc ngay cả những trường hợp mua xe máy trị giá mười mấy triệu, hoặc người dân mua bán xe cũ với nhau cũng phải thông qua ngân hàng. Ý kiến của ông về vấn đề này?
 
TS. Cao Sỹ Kiêm: Việc thanh toán mọi giao dịch của nhân dân qua ngân hàng là một chủ trương lớn. Nó có lợi cho cả người tiêu dùng, lợi cho cả ngân hàng. Việc giao dịch thông qua đó sẽ tránh được những mất mát, những rủi ro.
 
Chi phí cho ngân hàng, cho doanh nghiệp cũng giảm đi. Và muốn hay không muốn chúng ta cũng phải làm, vì các nước tiên tiến tỷ lệ người ta thanh toán qua ngân hàng là rất lớn, còn ở nước ta thì tỷ lệ dùng tiền mặt lại vô cùng lớn, đó là điều trái ngược lại hoàn toan. Cho nên chủ trương đó theo tôi là đúng. 
 
Nhưng việc triển khai cần phải có những hướng dẫn cụ thể, để đảm bảo cho nó phù hợp hơn. Bởi vì thứ nhất là có rất nhiều nơi hệ thống ngân hàng không thuận lợi. Thứ hai là người dân không có đủ điều kiện, chưa thể mở được tài khoản ngân hàng.
 
Chẳng hạn như người ta có nhu cầu bán đất, bán nhà nhưng người ta không có tài khoản và ở nông thôn người ta cũng không có nhu cầu mở, nên chúng ta phải tạo điều kiện cho họ. Tiếp đến là sự tiện ích, nếu thanh toán qua ngân hàng nhưng lại thu phí quá cao thì những người tính toán người ta không thực hiện, hoặc tỷ lệ thực hiện là rất thấp. 
 
Điển hình là việc mua đi bán lại những chiếc xe máy có mấy triệu thì điều đó thể hiện quá rõ. Cho nên cần phải có những hướng dẫn thật cụ thể để nó trở nên phù hợp, mà tinh thần chung là tạo sự thuận lợi để người dân tự giác.
 
Ví dụ, những giao dịch mà so với việc người dân phải bỏ ra chi phí nhưng đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của họ, thì họ phải tự giác làm. Còn mất chi phí mà không đem lại cho người ta cái gì thì chắc chắn người ta sẽ không làm. Nên việc thực hiện điều này phải có sự nghiên cứu, có kế hoạch, có lộ trình, hướng dẫn cụ thể thì mới có khả năng thực thi cao.
 
PV: Nghị định thanh toán bằng tiền mặt được đưa ra lấy ý kiến người dân tại thời điểm mà hoạt động của hệ thống ngân hàng đang bộc lộ nhiều yếu kém. Điều đó khiến người dân hết sức băn khoăn. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
 
TS. Cao Sỹ Kiêm: Người dân lo ngại là đúng thôi. Người ta sợ sự yếu kém của ngân hàng rồi lại bắt người dân phải gánh chịu là không được. Ngân hàng yếu kém thì phải khắc phục cái yếu kém đó chứ không phải là lợi dụng cái này để tính phí cao hơn, bù đắp cho cái kia là không được.
 
Bởi vì việc này là chủ trương, chính sách của Nhà nước, còn cái kia là của bản thân ngân hàng, phải tự khắc phục lấy. Cho nên người dân lo ngại, tính toán và phân vân là rất đúng. Và nếu Nhà nước để xảy ra tình trạng như vậy thì cũng không được.
 
PV: Để có thể giao dịch, người dân bị buộc phải gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng có thêm một khoản vốn nhưng trong khi giao dịch người dân sẽ phải trả thêm phí dịch vụ. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc đặt người dân vào hoàn cảnh khó khăn và tạo lợi thế cho ngân hàng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
 
TS. Cao Sỹ Kiêm: Trong hoạt động của ngân hàng, việc thu phí là chắc chắn phải có, vì ngân hàng cũng phải chi phí nhiều trong việc giúp người dân thực hiện các giao dịch. Nhưng nếu thu phí quá cao mà đổi lại dịch vụ, sự tiện lợi không đáp ứng được cho người dân thì người ta sẽ không bao giờ thực hiện. Còn đối với việc thanh toán qua ngân hàng thì được cái người dân sẽ không phải rút tiền đi rút tiền lại, không phải lo bảo quản, vận chuyển, mất mát, đó là cái có lợi. Nhưng cũng chính điều này đòi hỏi dịch vụ ngân hàng phải tốt hơn thì người dân mới làm. 
 
Tuy nhiên ở những nơi mà chưa có ngân hàng, người dân chưa có nhu cầu thì việc thu phí cần phải hợp lý hơn, phải thu ít đi để phù hợp với người dân. Hoặc khi người dân đến mở tài khoản và để tiền trong đó thì đương nhiên là ngân hàng có thể dùng tiền đó để quay vòng, cho nên cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho họ, ví như giảm tiền phí giao dịch đi, vì ngân hàng cũng đang sử dụng tiền của họ.
 
Còn nếu nói về việc tạo lợi thế cho ngân hàng thì có thể hiểu mấy cái lợi như sau: thứ nhất là ngân hàng có thể tận dụng tiền mặt này để quay vòng. Thứ hai là thu phí để phát triển kinh doanh cho ngân hàng. Thứ ba là có thể tránh được sự vận chuyển phức tạp, gây ra những rùi ro cho ngân hàng.  
 
Tuy nhiên, người dân cũng có nhiều cái lợi. Thứ nhất là đảm bảo an toàn cho số tiền của mình, không phải lo bảo quản, cất giữ, không phải lo ăn cắp, ăn trộm. Thứ hai là không phải lo vận chuyển khi mỗi lần giao dịch.
 
Nếu đánh giá chung thì có lợi cho cả ngân hàng và người tiêu dùng, nhưng phải cân bằng giữa hai cái lợi, để ngân hàng cũng chịu đựng được, mà doanh nghiệp, người dân cũng có thể chịu được.
 
Còn nếu đặt hai cái lợi này lên bàn cân thì ngân hàng có lợi nhiều hơn. Vì trong trường hợp giao dịch một số tiền lớn thì lợi cho ngân hàng nhiều. Còn trong trường hợp giao dịch một số tiền nhỏ thì người dân sẽ phải chịu thiệt nhiều, vì họ cũng vẫn phải chịu phí, trả phí cho một lần giao dịch nhỏ nhưng cũng tương đương với mức phí cho một lần giao dịch lớn.
 
PV: Theo đánh giá của ông, mức thu phí giao dịch là bao nhiêu sẽ là hợp lý? Người dân sẽ được trả lãi suất bao nhiêu % khi gửi tiền vào ngân hàng để Nghị định này trở nên phù hợp hơn?
 
TS. Cao Sỹ Kiêm: Thường thì mức phí rơi vào khoảng 5/1000, tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào dịch vụ phục vụ của từng doanh nghiệp, từng quốc gia khác nhau hoặc từng mức độ khác nhau. Ví dụ như quy định một lần giao dịch là trong khoảng bao nhiêu tiền, nếu mức tiền giao dịch thấp thì có thể sẽ thu mức phí thấp. Còn nếu trong điều kiện dịch vụ chưa đảm bảo thì cũng không thể thu mức phí cao được.
 
Còn khi người dân gửi tiền vào tài khoản để thanh toán qua ngân hàng thì cũng cần phải phân biệt rõ. Nếu là để tiền thanh toán qua ngân hàng thì không có lãi suất, vì đây không phải là tiền gửi. Tiền vào tài khoản người dân thì ngân hàng chỉ tính phí khi thực hiện giao dịch.
 
Còn nếu như người dân để số tiền đó trong tài khoản mà không rút, gửi ở ngân hàng thì đồng nghĩa với việc ngân hàng được phép sử dụng số tiền đó để làm vốn quay vòng thì phải trả lãi suất cho người dân theo lãi suất không kỳ hạn, có kỳ hạn. Như vậy có nghĩa là tiền thanh toán thì không trả lại, còn tiền ngân hàng vay, hoặc người dân gửi ngân hàng thì phải trả lãi suất cho người dân.
 
Xin cảm ơn ông!
  • Duyên Duyên (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét