Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Quản lí và văn hóa

 

 Tách, nhập cần cách nhìn toàn diện

Cập nhật lúc 08:17 

  Không biết trên thế giới có quốc gia nào diễn ra việc tách, nhập địa giới hành chính các cấp nhiều và liên tục như Việt Nam ta?

Mỗi lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính thường ta chỉ quan tâm cái được mà chưa nhìn sâu sắc và toàn diện về những thiệt hại, mất mát cả về vật chất và tinh thần.

Cách nhìn nhận trong quản lí của hôm nay ắt phải khác với mười năm, hai mươi năm trước. Cách đây 30 năm một cán bộ cấp tỉnh muốn nắm chắc tình hình cơ sở phải mất nửa ngày trên chiếc xe U-oát cùng những cung đường bụi bặm để đến tận nơi. Nay thì ngồi trong phòng cũng có thể nhìn trực tiếp, nắm được tình hình đang diễn ra tại cơ sở.

“An cư, lạc nghiệp”, ổn định là tiền đề của phát triển, quy luật đó đúng với cả gia đình, tổ chức và xã hội.

Một thời duy ý chí, muốn đi lên sản xuất lớn thì cái gì cũng phải lớn nên đã hình thành những địa phương liên vùng. Khi nhận ra bất cập, sửa chữa thì thiệt hại đã xảy ra. Sau đó là tiến trình ngược lại, chia tách để có 64 tỉnh thành rồi một vụ sáp nhập cấp tỉnh cuối để có con số 63 cùng một Thủ đô diện tích vào hàng lớn trên thế giới.

Chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự) tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội là một ngôi chùa cổ nổi tiếng với những nét đặc sắc trong kiến trúc và nghệ thuật.

Trong các đề án chia tách, sáp nhập, tiêu chí quan trọng nhất luôn được đưa ra, đó là diện tích và dân số. Song có yếu tố rất quan trọng trong phát triển lại chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bỏ qua, đó là văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, những thứ hàng nghìn năm mới có được. Diện tích, dân số là yếu tố tác động trực tiếp, dễ nhận thấy nhất đối với công tác quản lí hành chính. Nhưng nếu chỉ nhìn vào thành tố này sẽ dẫn đến tư duy và hành động theo hướng cộng trừ cơ học đơn thuần trong sắp xếp bộ máy. Thời cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay đôi khi diện tích, dân số không phải là yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển. Ví dụ, khoa học công nghệ, chất lượng nhân lực có thể giúp tinh giản bộ máy còn hiệu quả hơn một sự sáp nhập đơn thuần.

Hà Nội mở rộng thêm không gian của toàn tỉnh Hà Tây cho đến nay cái được lớn nhất là gì? Chưa có đánh giá sâu nào công bố nhưng điều dễ nhận thấy, đó là không gian mở rộng nội đô và tăng trưởng của bất động sản phía Tây.

Hà Nội có văn hiến Tràng An. Hà Tây có văn hóa xứ Đoài. Hai nền văn hóa có nét đặc trưng riêng, không thể sáp nhập cùng địa giới hành chính hoặc hòa tan. Có phải vì vậy mà cả văn hóa Hà Nội và văn hóa xứ Đoài chưa phát triển xứng tầm kể từ sau khi sáp nhập đến nay? Biết đâu, nếu để lại một không gian riêng vùng Sơn Tây thì không những vùng văn hóa xứ Đoài nay phát triển tốt hơn mà còn có thể thêm một địa phương vệ tinh tăng trưởng ngang tầm với Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… những tỉnh thuộc top đóng góp hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm vào ngân sách trung ương.

Mong rằng những đề án chia tách, sáp nhập trong tương lai sẽ có cách nhìn thấu đáo, nhất là vị trí của văn hóa, khoa học công nghệ... Một địa phương “đúng kích cỡ” là quan trọng song tri thức, văn hóa mới là nền tảng của sự phát triển./.

(Theo Tạp chí Người cao tuổi) Hoàng Đình Khải

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét