Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Quản lí và giáo dục

 

Thạc sĩ, tiến sĩ trong bộ máy công chức

Cập nhật lúc 10:25  

Quả là rất sôi nổi câu chuyện chuẩn mới về tiến sĩ trong mấy ngày này. Khi một chính sách mới của nhà nước ra đời, thật mừng là có các luồng ý kiến đồng tình hay phản bác.

Cứ hình dung ông nhà nước ra cái gì rồi xã hội cũng im re thì thực sự là đáng buồn. Nói theo mấy bác nghiên cứu là chả có sự phản biện xã hội gì cả, nếu thế làm sao mà tiến bộ được.

Rất may, còn bàn đến chuẩn tiến sĩ là còn thấy xã hội vẫn còn coi trọng học vị này. Cha ông chúng ta từ xa xưa đã thế rồi mà. Thời xưa, các vị tiến sĩ sau khi đỗ đạt sẽ được niêm yết tên trên bảng vàng, được bệ kiến vua rồi vinh quy bái tổ và được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

Còn thời nay, cái giá trị của học vị tiến sĩ may mà vẫn còn. Và ta cũng giống như đa phần các nước. Riêng ở Đức, khi khai báo phần nhân thân làm căn cước công dân cũng như làm thủ tục về nơi thường trú, cơ quan công quyền không hỏi học sơ cấp, trung cấp hoặc đại học gì không, mà chỉ hỏi có học vị tiến sĩ không. Âu cũng là sự coi trọng học vị này theo một cách rất Đức.

 


Ở đa phần các nước, những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ chủ yếu làm việc tại các viện nghiên cứu, trường học, tức không phải là cơ quan hành chính nhà nước

Tuy nhiên, cũng phải thấy cái giá trị học vị tiến sĩ này ở ta cũng đang có phần suy giảm bởi chính chất của những con người mang tấm bằng đó có phần suy giảm, thậm chí không xứng đáng.

Cho nên bàn chuẩn tiến sĩ để thực thi là cần thiết. Nếu để bảo đảm chất lượng tiến sĩ mới ra lò cần phải có 2 bài báo quốc tế như GS.TS Ngô Việt Trung đã nêu thì tôi đồng tình ngay. Thậm chí nếu ông bảo cần 3 bài thì cũng vẫn ok. Quá thấm với nhận định của ông: Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới. Riêng tôi cảm nhận được chỉ những người có tâm thật với nền giáo dục nước nhà, có lòng tự trọng như ông mới thốt ra được như vậy.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu có vị nào đó ngồi ở Bộ ra chính sách mới này chứng minh được một cách rõ ràng rằng không cần 2 bài báo quốc tế thì tôi có lẽ cũng ok, bởi nói thật tôi không thạo ở mảng này nên không thể nhiều lời bàn theo. Xin để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiếp tục làm rõ cái chuẩn tiến sĩ này.

Số liệu lý thú

Tôi có may mắn mới đây là ủy viên Hội đồng nghiệm thu Dự án điều tra thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành nội vụ nên có được một vài số liệu lý thú.

Cụ thể là: 49% công chức tại Bộ Nội vụ có trình độ từ thạc sĩ trở lên, tỷ lệ này ở 63 Sở Nội vụ là gần 28% và ở các phòng Nội vụ trong cả nước là 18%. Công chức toàn ngành Nội vụ có trình độ từ cử nhân trở lên đến tiến sĩ là 96,6%. Số liệu có lẽ cũng vậy ở các ngành, lĩnh vực khác.

Cử nhân là bình thường, xu hướng đã là phổ cập thạc sĩ. Đấy là câu tôi thường được nghe khi bàn đến bằng cấp trong công vụ hiện nay. Không biết cứ thế này mươi năm nữa vào các cơ quan công quyền có lẽ là toàn từ thạc sĩ trở lên ngồi làm việc.

Điều này nói lên mấy vấn đề sau:

- Đang có những sai lầm, làm không chuẩn trong xác định cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cấp huyện. Không có cơ quan nào mà không có những việc làm, vị trí chỉ yêu cầu trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp. Để những người có bằng cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ làm những việc này quả là sự lãng phí lớn.

- Đáng lý ra giống như đa phần các nước, những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ chủ yếu làm việc tại các viện nghiên cứu, trường học, tức không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, dường như cơ quan hành chính ở ta có ma lực kiểu gì đó nên hút rất mạnh thạc sĩ, tiến sĩ vào làm việc.

- Đang có những suy giảm về chất lượng trong đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Quá trình này dường như bắt đầu vào các năm 1992, 1993 ở nước ta. Trong vòng mấy năm từ 1993- 1996, 1997 đã cho ra lò nhanh chóng các vị tiến sĩ.

Đầu ra của giáo dục là đầu vào của công vụ và chúng ta dễ hình dung khi đầu ra giáo dục chất lượng thấp thì đương nhiên chất lượng đầu vào công cụ cũng thấp, đấy là chưa kể những tiêu cực trong thi công chức làm cho cái chất lượng này còn thấp thêm một nấc nữa. Nói một cách dân dã thì mươi năm trở lại đây, học để lấy bằng thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ là khá dễ.

Do có sự dễ dãi như vậy nên có dư luận về sự không trung thực trong đào tạo và cấp các loại bằng này. Đã có lúc dư luận xôn xao về trường hợp này, trường hợp kia không xứng đáng mang học vị tiến sĩ, nhưng rồi mọi sự lại đâu vào đấy. Nguyên nhân chủ yếu cũng tại cái cách quản lý của chúng ta.

- Đang có quan niệm khá phổ biến cứ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sẽ nâng lên, đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng cần dần dần  phổ cập hóa câu chuyện bằng cấp này. Thành ủy Hà Nội mới thông qua chủ trương phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là một ví dụ cho vấn đề này.

Quả là may mắn khi các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và cả người dân bình thường trong xã hội bàn câu chuyện chuẩn tiến sĩ nhân thông tư mới của Bộ GD-ĐT, bởi cũng là lúc cần bàn rộng ra cái triết lý và chất lượng giáo dục của nước ta. Rõ cái này thì mọi cái ăn theo cũng sẽ rõ.

(Theo VietNamNet) Đinh Duy Hòa

Khi bằng thạc sĩ, tiến sĩ như những “tấm vé” để thăng tiến quan chức thì nạn bằng thật, kiến thức giả sẽ mãi tồn tại. Vấn đề cần thay đổi đó là chuẩn công chức, viên chức quản lí hành chính, công quyền. Không nên đòi hỏi bằng tiến sĩ, thạc sĩ (những lĩnh vực cần chuyên sâu) với cán bộ công quyền, viên chức hành chính. Bác Hồ có bằng tiến sĩ, thạc sĩ nào đâu mà Người vẫn thu hút, sử dụng bao nhiêu nhà khoa học tài năng? Khi cái bằng cao vót nó che khuất những khiếm khuyết trong năng lực cán bộ thì hậu họa với đất nước là điều khó tránh!

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét