Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Cân nhắc một dự án tuyên truyền

 

Nhìn nhận và lựa chọn sự kiện tuyên truyền

 Cập nhật lúc 08:17   

Mỗi quốc gia, dân tộc đều có lịch sử, truyền thống thể hiện bằng chuỗi các sự việc, sự kiện, tấm gương tiêu biểu ghi dấu trong chặng đường phát triển, đi lên.

Sự kiện, tấm gương tiêu biểu thường được chọn làm trọng điểm tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp để các thế hệ đương đại tự hào với truyền thống và học tập, noi theo.

Với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta nói chung, từng địa phương nói riêng có rất nhiều tấm gương, sự kiện tiêu biểu cần ghi dấu, nhắc nhớ để phát huy truyền thống. Một trong các hình thức đang được nhiều địa phương sử dụng hiện nay là xây dựng di tích, tượng đài nhân vật, sự kiện lịch sử. Dù việc làm này là rất cần thiết, nên khuyến khích song nó lại đang có xu hướng thái quá hoặc lạm dụng gây lãng phí tiền của, vật chất của xã hội.

Việc UBND tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị triển khai thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn với tổng mức đầu tư hơn 255 tỉ đồng trên diện tích quy hoạch gần 38 ha khiến dư luận đang có những ý kiến khác nhau.

Mô hình công trình con tàu tập kết tại Sầm Sơn

Sự kiện tập kết miền Bắc diễn ra do tình thế cách mạng sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam năm 1954 được kí kết. Sự tập kết quân sự sang hai đầu đất nước tính từ vĩ tuyến 17 giữa một bên do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lí, một bên do Liên hiệp Pháp kiểm soát cùng thể chế do họ ngụy tạo được gắn “mác” Quốc gia Việt Nam. Tình thế tạm thời này sẽ kết thúc sau hai năm, khi cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc được diễn ra theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, khi đó trên toàn cõi Việt Nam sẽ có một chính quyền do người dân lựa chọn từ cả hai đầu của đất nước.

Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền hiểu rõ, nếu Tổng tuyển cử thì chắc chắn đại đa số người dân sẽ bỏ phiếu cho Chính phủ của Cụ Hồ. Chính vì vậy họ đã lừa phỉnh, lôi kéo hàng triệu giáo dân miền Bắc ồ ạt vào Nam hòng tăng thêm những lá phiếu từ lực lượng này nếu “bất đắc dĩ” Tổng tuyển cử diễn ra.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.

Ảnh tư liệu

Từ tình thế cách mạng như vậy, chính quyền và lực lượng cách mạng của ta đã tổ chức nhiều địa điểm bến tàu để đưa đón lực lượng tập kết, tại phía Nam có các địa điểm như Cao Lãnh (Đồng Tháp), Sông Đốc (Cà Mau), Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) và điểm đón tập kết ở miền Bắc tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Từ đây, các lực lượng quân sự được điều động quản lí của quân đội, còn con em tập kết được đưa tới các trường nội trú. Phương pháp đào tạo tại các trường này là tổ chức quản lí nội trú cùng nuôi dưỡng và dạy học. Đến trước ngày đất nước thống nhất đã có 28 trường học sinh miền Nam (tên trường gọi theo số thứ tự từ 1 đến 28) được thành lập ở các địa phương Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam… Nơi có nhiều trường nhất là Hà Đông (12 trường) và thành phố Hải Phòng (10 trường).

Nhắc lại sự kiện này cũng cần nhớ còn có sự kiện buồn khác là gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam…

Như vậy, sự kiện tập kết chỉ là một dấu ấn trong tình thế cách mạng. Điều cần ghi nhớ và tuyên truyền chính là quá trình nuôi dưỡng, đào tạo hàng vạn con em miền Nam trở thành những hạt giống đỏ của cách mạng sau này trong đó có công sức, tình cảm và sự đóng góp của nhiều địa phương cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các trường nội trú học sinh miền Nam. Những bến tàu đưa, đón tập kết chỉ đơn thuần là địa chỉ đưa và đón trong một thời điểm không dài.

Thế nhưng những địa chỉ đó hình như nay đang được nâng tầm. Được biết vào năm 2019 tại Cao Lãnh Đồng Tháp cũng đã khánh thành tượng đài Tập kết năm 1954 trên diện tích 12.000m2 trị giá 49 tỉ đồng. Nay Thanh Hóa đã có chủ trương và “mạnh tay” vượt xa Đồng Tháp cho một con tàu bê tông trị giá 255 tỉ đồng! Nếu các bến tập kết khác và nhiều trường học sinh miền Nam cũng “học tập và làm theo” hai địa phương trên thì sẽ cần bao nhiêu tỉ đồng cho những công trình, tượng đài cho một sự kiện?

Cả nước đang “oằn mình” chống dịch rất cần nguồn lực lớn để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đưa cuộc sống lao động sản xuất về trạng thái bình thường. Giữa lúc khó khăn, hàng triệu người dân, hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức đang chắt chiu những đồng tiền, vốn liếng của mình để ủng hộ Chính phủ trong cuộc vận động gây quỹ mua vaccine.

Những lựa chọn và quyết sách không đúng có thể mang lại hiệu ứng ngược trong tuyên truyền./.

(Theo Tạp chí Người cao tuổi) Hoàng Đình Khải 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét