Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Chính trị

 

Lại bàn về tham nhũng chính sách hay tham nhũng do thao túng, lũng đoạn chính sách

 Cập nhật lúc 14:19 

Một chính sách "méo mó" được ban hành có thể mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho quan chức chính trị hoặc phe nhóm nào đó, nó tạo ra hành lang pháp lý "thênh thang" cho việc trục lợi trong 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn thế. Tham nhũng chính sách muôn hình vạn trạng, nhưng chỉ có những người có chức quyền mới làm được.

Đó là phát biểu của ông Lê Hữu Thể, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội thảo khoa học "phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề lý luận và thực tiễn" hôm 6/7.

Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại hội thảo cho biết, 5 năm qua đã có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật,Trong số đó có trên 46.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Vậy có nghĩa con số đảng viên bị kỷ luật vì lý do liên quan đến kinh tế và các vấn đề khác cũng rất lớn và rất đáng suy ngẫm.

Tranh minh họa

Tại hội thảo có những tham luận đề cập đến một tình trạng khá nổi cộm hiện nay, đó là vấn đề tham nhũng, nhưng không phải là tham nhũng kinh tế mà phức tạp hơn, đó là tham nhũng chính trị, tham nhũng chính sách. 

Tôi có tham khảo một số chuyên gia cao cấp chuyên nghiên cứu và hoạch định chính sách, có những vị vốn đã nhiều năm họ chuyên làm công tác tham mưu cho lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ lại cho rằng, nếu gọi ai đó "tham nhũng chính sách" thì cũng chưa thật chính xác. Đây chỉ là cách nói vắn tắt. Nói cho đúng thì phải là tham nhũng do lũng đoạn chính sách, hoặc thao túng chính sách do thiết kế chính sách chưa phù hợp với thực tế .

Có 2 đối tượng tham gia vào tham nhũng do lũng đoạn chính sách; hoặc thông qua việc thao túng chính sách: Một là cơ quan bộ, ngành chủ quản và các địa phương; hai là các doanh nghiệp.

Đối tượng thường "cài" để tăng quyền lực, "đẻ" thêm giấy phép con để làm khó doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cho ngành, cho doanh nghiệp nhất định nào đó. Trong khi Chính phủ chủ trương xoá bỏ hoặc hạn chế ban hành, thì cách để tăng "giấy phép con" này rất tế nhị. Các thành viên Chính phủ góp ý xây dựng Luật và Nghị định nhiều khi không có sự phản biện rốt ráo mà có khi lại tin vào đội ngũ tham mưu. Đội ngũ tham gia thiết kế biên soạn chính sách thì khi xảy ra chuyện lại không bị xử lý và thường là vô can. Các bộ, ngành khác thường quan tâm những gì liên quan đến quyền lợi của bộ, ngành đó mà thôi. Còn doanh nghiệp, họ sẽ "cài" thông qua đội ngũ thiết kế bằng cách góp ý, trao đổi khéo léo những gì có lợi cho mình, có liên quan đến những vấn đề về quy hoạch, về kế hoạch đầu tư hoặc những việc mà họ được phép làm.

Một số chuyên gia công tác rất nhiều năm nói về kinh nghiệm khi soạn thảo chính sách thường đặt ra câu hỏi: Điều khoản quy định này liệu chỉ có một cách hiểu hay có thể hiểu theo 2-3 cách khác nhau vẫn được? Như vậy sẽ dẫn đến khó thực hiện; hoặc là dưới cơ sở họ có thực hiện được không? Có phù hợp với thực tế không? Khi nào trả lời được tất cả các câu hỏi trên thì các điều khoản nêu trong dự thảo mới đạt yêu cầu. 

Kinh nghiệm cho thấy phải nắm bắt được sự đòi hỏi của thực tiễn trước khi soạn thảo chính sách. Sau khi hoàn thành dự thảo thì không phải chỉ lấy ý kiến tham khảo của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn phải xuống các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực liên quan và cả người dân. Lâu nay việc lấy ý kiến nhiều khi vẫn còn hình thức và sự góp ý phản hồi không nhiều như mong muốn. Ngược lại, cũng có khi người góp ý đúng nhưng người thiết kế chính sách lại không tiếp thu. Lẽ ra, cần phải đặt câu hỏi, nếu làm theo ý kiến đóng góp thì họ sẽ được gì và mất gì? Còn Nhà nước được gì và mất gì?

Trong quá trình làm chính sách, người thiết kế sẽ rất vất vả và rất khó khăn. Nhưng nếu làm thấu đáo như vậy, một khi ký ban hành thì chính sách lại dễ thực hiện, ít bị "sạn", ít bị sửa đổi bổ sung… Một chính sách nói chung cần phải tồn tại lâu dài, đi vào cuộc sống để tránh tình trạng chỉ 1-2 năm sau khi ban hành đã phải sửa đổi.

Nhìn lại mấy câu chuyện tại Khánh Hoà, tại Đà Nẵng, tại TP Hồ Chí Minh mà không khỏi giật mình. Bí thư tỉnh ủy Bình Dương và một số lãnh đạo khác trong tỉnh vừa rồi bị kỷ luật, bị khởi tố hình sự vì chính sách đất đai đã bị lạm dụng. Vũ "nhôm" quan hệ với Đà Nẵng, với TP Hồ Chí Mình để xin mua đất rồi tất cả cùng phải đối mặt với pháp luật cũng là từ việc lạm dụng chính sách, do chính sách thiếu hoàn thiện để có thể hiểu ra nhiều cách vận dụng khác nhau. 

Liên quan đến vấn đề chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chủ trương của Đảng và Chính phủ là đúng và cần thiết. Nhưng đến khâu quy định về tổ chức thực hiện lại rất xa rời thực tiễn.

Đó là việc nhà nước triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ từ năm 2020 mà đến nay nhiều người lao động vẫn chưa hề nhận được trợ cấp. Các quy định thực hiện có những điều khoản xa rời thực tiễn, thủ tục rườm rà, tạo nên những rào cản kỹ thuật, vì thế mà không biết bao nhiêu người lao động trong các doanh nghiệp mất việc làm, giảm thu nhập, kinh doanh thoi thóp, phá sản nhưng cứ mỏi mòn chờ đợi và gặp khó khăn về thủ tục hành chính nên bỏ cuộc. Hết năm 2020 số tiền còn lại trong gói hỗ trợ khá nhiều và phải chuyển sang mục đích sử dụng khác. Thật khó hiểu khi chính sách còn rất thiếu thực tiễn đến vậy .

Với tầm nhìn của Nhà nước và Quốc hội, của các bộ, ngành và các địa phương, người làm chính sách phải biết đặt cái lợi ích quốc gia lên trên hết và trước tiên. Nếu người tham mưu soạn thảo chính sách không đủ hiểu biết thì đó là do yếu kém. Hoặc anh bị "cài", bị thao túng để đưa vào những điều khoản, quy định có lợi thế, lợi ích thái quá cho doanh nghiệp và các ngành, địa phương. Là người có quyền làm chính sách nhưng lại không vì cái chung của đất nước mà đã và đang vì cá nhân, vì lợi ích nhóm đan xen, lôi kéo.

Cách đây không lâu, khi các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử các vụ án "cố ý làm trái", thường có một câu trong kết luận điều tra, trong cáo trạng và trong bản án được toà tuyên quy người vi phạm là "đã lợi dụng sự sơ hở của pháp luật". Đây là điều lẽ ra không nên có. Pháp luật là sự kết tinh trí tuệ tập thể, đã được Quốc hội bấm nút thông qua, cho nên nếu như ai đó biết để lợi dụng mà không vi phạm thì chính chúng ta phải tự điều chỉnh thay vì chỉ kết tội người biết lách luật.

Gần đây, quy trình làm luật của ta đã tiến bộ hơn nhiều cho nên sẽ khó có thể có chuyện tương tự và đó chính là thành tựu của hệ thống pháp luật nước nhà đã chặt chẽ, khoa học hơn… Song như nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại hội thảo nói trên, việc để lọt một số quy định có tính chất lợi ích nhóm trong các dự án luật là rất ít, mà chủ yếu nằm ở văn bản dưới luật, như các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết.

Để khắc phục và chống lại việc này là cực khó. Điều đó phải bắt đầu từ người cán bộ, đảng viên có liên quan đến việc làm luật, làm chính sách có muốn làm nghiêm túc, trách nhiệm hay không. Họ cần phải hiểu việc này không chỉ là thực tiễn cuộc sống đã và sẽ đặt ra hàng ngày với mình, họ còn phải có bản lĩnh để nhìn thấy được vấn đề, tác động, từ đó đề ra những quyết sách đúng đắn, không để bị một cá nhân hay tập thể nào chi phối.

Và còn một điều không thể thiếu, đó là đội ngũ chuyên gia tham mưu chính sách có trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Họ phải chủ động gạt bỏ tư tưởng cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, từ đó nâng cao trình độ hiểu biết và trách nhiệm của người tham mưu hoặc người ra quyết định. Tóm lại là yếu tố con người. Phải có bản lĩnh, không được nể nang nhau thì mới làm được và như vậy sẽ không thể có chuyện ai đó, đâu đó tham nhũng qua thao túng chính sách hòng lũng đoạn chính sách, từ đó phá hỏng chính sách hoặc vô tình, hoặc cố ý …

(Theo Dân Việt) Quốc Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét