Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Lịch sử

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

 (kỳ 8)

Cập nhật lúc 16:17 

 

Tối ngày 17-2, bọn bành trướng tạm ngưng các đợt tấn công. Pháo binh địch từ bên kia biên giới cũng giảm cường độ bắn sang các trận địa của ta. Các đơn vị lần lượt báo cáo tình hình về chỉ huy tiểu đoàn qua mạng thông tin vô tuyến của tiểu đội tôi. Tôi tổng hợp tình hình rồi vào trong hang báo cáo với tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng và các cán bộ cùng nghe tôi báo cáo tình hình. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh dặn tôi đêm nay phải chú ý đảm bảo liên lạc thật tốt với Đại đội 11 để tiểu đoàn chỉ huy đơn vị phản kích lấy lại chốt cây đa thứ nhất.

Khi tôi quay ra ngoài cửa hang thì đã gần bảy giờ tối. Bộ phận hậu cần của tiểu đoàn đem cơm lên hang Ma Gà cho chúng tôi. Mỗi người được một nắm cơm bằng nắm tay và một miếng thịt lợn nhỏ xíu ướp muối mặn. Lúc này tôi mới thấy bụng đói cồn cào. Hóa ra suốt cả ngày chưa ăn gì. Lúc nào tôi cũng lo lắng việc đảm bảo thông tin cho chỉ huy nên quên cả cái đói. Tình huống chiến đấu dồn dập cũng như tôi chẳng ai nghĩ và nhớ đến ăn nữa. Mà có nhớ, có đói thì cũng chẳng có gì mà ăn. Thỉnh thoảng, gọi máy khản cả giọng tôi cũng chỉ uống chút nước lã múc dưới suối đựng trong cái bi-đông để trong túi cóc ba lô.

Tôi vừa gặm được một miếng cơm nắm khô khốc đang nhai trệu trạo thì trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi lần đến. Mùi giọng run run xúc động nói:

- Bảo ơi! Thằng Đam hi sinh rồi!

Tôi giật mình bàng hoàng lặng người đi một lát mới lập cập hỏi lại:

- Nó chết bao giờ! Ở đâu...?

Phạm Hoa Mùi ngậm ngùi:

- Sáng nay, thằng Đam đem chỉ lệnh của chỉ huy tiểu đoàn lên chốt của Đại đội 11. Sau khi truyền đạt mệnh lệnh xong nó tham gia chiến đấu tại chốt cây đa thứ nhất. Khi đợt tấn công của bọn địch bị đẩy lui, nó mới quay về sở chỉ huy tiểu đoàn. Thằng Đam bị trúng đạn cối của địch hi sinh ngay dưới chân điểm chốt cây đa thứ hai. Anh em trung đội vận tải tìm thấy nó nằm gục bên hố đạn pháo và đã đưa thi hài nó về nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Sóc Giang rồi...

Nghe Phạm Hoa Mùi kể lại chuyện thằng Đam hi sinh tôi thấy buồn quá. Lòng dạ tôi cứ nôn nao, chả muốn ăn nữa. Cả ngày tối mắt tối mũi lo đảm bảo liên lạc cho chỉ huy chiến đấu tôi cũng chả còn chú ý xem thằng Đam lên Đại đội 11 đã trở về chưa. Hóa ra nó chết từ lúc sáng mà đến bây giờ tôi mới biết. Thế là một người bạn thân của tôi đã ngã xuống ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới này rồi. Miếng cơm nắm đang nhai dở trong miệng tôi như nhạt và bã ra không muốn nuốt. Tôi nhớ lại lúc sáng nay, khi bọn địch đang tấn công lên chốt của Đại đội 11 thì thấy thằng Đam, tiểu đội trưởng truyền đạt xách súng từ trong hang vội vã đi ra. Tôi liền hỏi nó:

- Mày đi đâu thế?

- Tao mang chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy tiểu đoàn lên chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11 đây!

Tôi ngạc nhiên:

- Tại sao truyền đạt lại phải mang lệnh chiến đấu lên trận địa tiền tiêu trong lúc đạn pháo quân địch đang bắn như mưa thế này? Đường dây hữu tuyến tuy bị đạn pháo bắn đứt liên tục nhưng mạng thông tin vô tuyến của bọn tao vẫn đảm bảo thông suốt cơ mà?

Thằng Đam nói:

- Tao cũng không rõ tại sao nữa?

- Mày chờ tao một lát!

Tôi nói rồi vội vàng mở ba lô lấy ra một khối pin chuyên dùng cho máy vô tuyến điện 884 đưa cho thằng Đam và dặn:

- Mày đưa cho thằng Châu nhé! Máy vô tuyến của nó trên ấy sắp cạn nguồn điện rồi.

Thằng Đam cầm khối pin nhét vội vào cái túi đeo bên hông rồi xách khẩu súng lao xuống phía dưới cánh đồng, nơi đạn địch đang bắn dày đặc. Tôi gào lên bảo nó:

- Đam ơi! Mày phải cẩn thận đấy!

Tiếng đạn pháo nổ ầm ầm đinh tai nhắc óc, không biết thằng Đam có nghe được tiếng của tôi không. Bóng nó khuất sau làn khói đạn và bụi đất đang bung ra ở chân mỏm núi. Tôi còn chưa hết băn khoăn, lo lắng việc thằng Đam phải mang theo chỉ thị lên chốt giữa lúc lửa đạn mịt mù pháo địch đang bắn rất ác liệt như thế này thì lại thấy hai chiến sĩ hữu tuyến cũng từ trong hang vác dây đeo máy điện thoại lao ra. Tôi túm lấy thằng Bầu, tiểu đội phó tiểu đội hữu tuyến hỏi:

- Chúng mày cũng lên chốt cây đa của Đại đội 11 à?

- Vâng! Bọn em đi sửa đường dây! Pháo của nó lại bắn đứt mất rồi anh ạ.

Hai chiến sĩ hữu tuyến đi rồi tôi đang định vào trong hang báo cáo tình hình của các đơn vị thì thượng úy Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn đi ra. Anh đến chỗ tổ đài vô tuyến và bảo tôi:

- Mày phải cố gắng giữ bằng được thông tin liên lạc bằng vô tuyến với các bộ phận nhé. Tình hình bọn địch nó bắn như mưa thế này thì dây rợ của bọn hữu tuyến sẽ bị băm nát, chả nối kịp được đâu. Bọn truyền đạt chạy chân mang mệnh lệnh lên chốt thì rất chậm, không xử trí được các tình huống khẩn cấp và cũng rất khó khăn, nguy hiểm...

- Vâng ạ! Thủ trưởng cứ yên tâm. Em sẽ hết sức cố gắng!

Tôi đáp. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh quay sang phía chiến sĩ Hoàng Văn Mông đang ôm súng ngồi cảnh giới ở bên cạnh bảo vệ cho tôi thao tác máy vô tuyến điện động viên:

- Cứ bình tĩnh mà đảm bảo liên lạc nhé, đừng sợ!

Thằng Mông là người dân tộc H'Mông, quê ở huyện Thông Nông, Cao Bằng. Nó là người hiền lành. Là người dân tộc thiểu số, tiếng Kinh chưa thật lưu loát nên thằng Mông nói năng thường hơi chậm và ấp úng, khi báo cáo tình hình và truyền đạt mệnh lệnh, bị tiểu đoàn trưởng Thiêm quát tháo, chửi mắng cho liên tục, nhất là những lúc tình hình chiến sự gấp gáp, căng thẳng. Vì thế, nó càng luống cuống sợ hãi khi thao tác máy và truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu càng thiếu rành mạch, chính xác. Tôi phải trực tiếp thao tác sử dụng máy vô tuyến những lúc tình huống ác liệt, khi tiểu đoàn trưởng liên tục hạ lệnh, chỉ thị cho các hướng, các đơn vị chiến đấu và cũng liên tục quát mắng nữa.

Động viên tổ đài vô tuyến chúng tôi chính trị viên Hoàng Quốc Doanh quay trở vào trong hang. Sau này tôi mới biết tại sao Nguyễn Văn Đam phải băng qua lửa đạn lên chốt cây đa của Đại đội 11 giữa lúc ác liệt nhất và vì sao chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lại ra cửa hang động viên tổ đài vô tuyến chúng tôi. Nguyên nhân là do việc đảm bảo thông tin chỉ huy chiến đấu giữa chỉ huy tiểu đoàn và Đại đội 11 bị trục trặc, gián đoạn. Đường dây hữu tuyến bị đứt liên tục, tổ đài vô tuyến điện của tiểu đội tôi tại Đại đội 11 lại bị đại đội trưởng Tuân kéo lên trên một cái hang đá khá xa các điểm chốt cây đa. Lẽ ra vị trí chỉ huy của đại đội trưởng Tuân phải ở chốt cây đa thì ông này lại bỏ vị trí chỉ huy chui vào trong hang đá tránh pháo. Chỉ còn đại đội phó Trần Hữu Hoàn ở chốt cây đa nên mệnh lệnh của chỉ huy tiểu đoàn không đến được với các bộ phận trực tiếp chiến đấu tại các điểm chốt tiền tiêu. Đại đội phó Trần Hữu Hoàn là người từng có mặt chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Anh là một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí. Trong một trận đánh tại chốt cây đã thứ nhất, anh bị một viên đạn bắn thẳng bay mất một mẩu vành tai bên trái. Nhà anh ở thị xã Cao Bằng. Hôm về xuôi đi học tôi đã đến nhà anh chơi. Hôm ấy anh còn nói đùa: "Hôm ấy tên giặc mà bắn chính xác, rê nòng súng sang bên phải một li thì viên đạn trúng mặt mình rồi!".

Thằng Đam phải chạy lên chốt cây đa chỗ đại đội phó Trần Hữu Hoàn đang trực tiếp chỉ huy chiến đấu để truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng, các chiến sĩ hữu tuyến cũng phải đi nối đường dây giữa làn đạn địch mà chắc chắn khó có thể nối thông được vì nối được đoạn này pháo địch nó lại băm nát đoạn khác. Thằng Đam bị trúng một quả đạn cối của địch gục chết dưới chân điểm chốt cây đa thứ hai. Nó đã ngã xuống mang theo mơ ước được tới giảng đường đại học đi vào trong lòng đất nơi biên cương của Tổ quốc như thế...

Cao Bằng-1979

Ghi chép của Trọng Bảo

Theo Báo điện tử Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét