Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Lịch sử

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

(kỳ 11)

 Cập nhật lúc 15:13               

 


Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của bọn bành trướng Trung Quốc đã sang ngày thứ ba (19-2). Tiểu đoàn 3 của chúng tôi tuy đã bị thiệt hại nặng vẫn trụ vững, nhưng lực lượng của Đại đội 11 ở các chốt tiền tiêu phía cửa khẩu Bình Mãng còn rất ít. Khoảng 5 giờ sáng, bọn địch chiếm được mỏm ĐKZ, đến trưa cùng ngày thì chúng chiếm được phần lớn chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11. Tuy vậy, chúng cũng không thể tiến ngay sang được chốt cây đa thứ hai vì vấp phải sự kháng cự quyết liệt của bộ đội ta.

Tại chốt cây đa thứ nhất bộ đội đang đánh giáp la cà với quân địch và khẩn thiết yêu cầu tiểu đoàn cho pháo cối bắn trùm lên trận địa. Khi những người lính cuối cùng đã ngã xuống, hỏa lực cối 82 của Đại đội 12 được lệnh bắn trùm lên chốt cây đa thứ nhất đang lúc nhúc quân bành trướng xâm lược.

Tối ngày 19-2, chỉ huy tiểu đoàn quyết định rút Đại đội 11 về khu trường cấp 1+2 thị trấn Sóc Giang xây dựng trận địa phòng ngự. Như vậy là toàn bộ các tuyến phòng ngự phía trước là các chốt cây đa thứ nhất, chốt cây đa thứ hai và mỏm ĐKZ đã lọt vào tay quân Trung Quốc xâm lược. Tuy vậy, tại mỏm 1 của chốt cây đa thứ nhất vẫn có tiếng súng bộ binh của quân ta kiên cường kháng cự. Đến đêm, khi các chiến sĩ trinh sát bò lên kiểm tra mới biết binh nhất, chiến sĩ Lý Mý Sùng, dân tộc H’Mông, quê ở Hà Giang vẫn bám trụ suốt cả ngày giữ vững mỏm 1 chốt cây đa thứ nhất. Nguyên do là bởi tối hôm trước một chiến sĩ khi lên gọi Lý Mý Sùng rút về chốt cây đa thứ hai đã bị trúng đạn hy sinh ngay gần đó. Không nhận được lệnh rút lui, Lý Mý Sùng một mình một khẩu súng máy, dù không được tiếp tế, không thức ăn nước uống gì vẫn cứ trụ lại đến cùng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch, giữ vững trận địa suốt ngày 19-2. Đến tối, các chiến sĩ trinh sát phải băng qua làn lửa đạn bò lên kéo chân gọi Lý Mý Sùng mới biết để rút về phía sau theo đơn vị.

Tôi đã gặp Lý Mý Sùng ngay sau đấy, khi Đại đội 11 đã rút về lập tuyến phòng ngự ở trường cấp 1+2 thị trấn Sóc Giang. Đó là một chiến sĩ còn rất trẻ, có lẽ chưa tròn hai mươi tuổi. Khuôn mặt Sùng trắng trẻo, dáng người thấp, vẻ hiền lành, ít nói. Tôi hỏi:

- Hôm trước, khi xung quanh mình không còn đồng đội nào Sùng lại không rút lui về phía sau?

Lý Mý Sùng ngạc nhiên:

- Ơ… Sao lại rút lui! Trung đội trưởng nó đã bảo mình phải chiến đấu, kiên quyết giữ chốt đến cùng cơ mà?

- Thế Sùng bắn nó chết nhiều không?

- Nó chết nhiều lắm, nhưng còn đông lắm…

Với cách trả lời ngắn gọn của Lý Mý sùng, tôi biết chả khai thác được gì thêm ở người chiến sĩ dân tộc H’Mông này nữa. Theo các chiến sĩ cùng bộ phận với Sùng cho biết hai ngày đêm liền Lý Mý Sùng bám trụ bảo vệ mỏm chốt, không được tiếp tế cơm cháo gì cả. Với một khẩu đại liên và hai hòm đạn Lý Mý Sùng chờ bọn giặc xông lên là bắn, tiêu diệt được hơn 60 tên địch. Chiến công của Sùng có ý nghĩa là đã chặn được đội hình quân địch, không cho chúng phát triển tấn công sang chốt cây đa thứ hai, đảm bảo cho số chiến sĩ còn lại và các thương binh ở đây rút lui an toàn về phía sau.

Sau chiến tranh, tôi lại gặp Lý Mý Sùng khi vừa ở đại hội liên hoan chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược trở về. Tại đại hội, Lý Mý Sùng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi chuyện. Khi biết Lý Mý Sùng chưa biết chữ, thủ tướng đã rút cây bút máy cài ở túi áo của mình cho Sùng. (Bản báo cáo thành tích của Lý Mý Sùng là do tôi được chỉ huy tiểu đoàn giao chắp bút và hướng dẫn chiến sĩ này học thuộc lòng trước khi đi dự đại hội vì Sùng chưa biết chữ). Lý Mý Sùng cho chúng tôi xem cây bút máy của thủ tướng cho và nói:

- Thủ tướng dặn về phải học cái chữ đấy!

Tôi hỏi:

- Thế Sùng đã học được nhiều cái chữ chưa?

Sùng ấp úng:

- Khó lắm! Mới học được ít thôi…

Tôi nói:

- Ô! Phải cố gắng nhé. Đáng giặc được thì học chữ cũng phải được đấy nhé!

Lý Mý Sùng gật đầu. Tôi tin Lý Mý Sùng nhất định sẽ học được.

Những chiến sĩ của tiểu đoàn chúng tôi ngày đầu giáp trận đánh quân bành trướng xâm lược là như vậy đó. Họ chủ yếu mới nhập ngũ năm 1978, mới huấn luyện bắn súng đến bài 2. Có chiến sĩ chưa sử dụng thành thạo các loại súng, chưa hiểu hết tính năng, tác dụng của các loại trang bị vũ khí. Ngày 20-2 trong trận đánh ở thị trấn Sóc Giang có một chiến sĩ mới người dân tộc H’Mông còn vác khẩu trung liên đuổi theo xe tăng quân địch bắn liền hai loạt. Thấy xe tăng không cháy buồn thiu ôm súng quay lại quần nhau với bộ binh quân bành trướng trên cánh đồng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng.

Vậy là hết ngày 19-2, Đại đội 11 đã bị đánh bật khỏi các điểm chốt sát cửa khẩu Bình Mãng. Bọn Trung Quốc đã chiếm được toàn bộ các chốt cây đa thứ nhất, chốt cây đa thứ hai và mỏm ĐKZ. Tình hình cuộc chiến ở khu vực Hà Quảng đã có những thay đổi do nhiều hướng tuyến phòng ngự cũng đã bị quân xâm lược chọc thủng. Tiểu đoàn 3 chúng tôi khẩn trương chuẩn bị cho những trận đánh mới ác liệt hơn...

Dưới đây là đoạn nhật ký chiến tranh tôi ghi chép về ngày 19-2-1979:

"- Địch: Tổ chức tấn công liên tục cả ngày với lực lượng đông đảo, có xe tăng yểm trợ. Chúng tấn công không thành đợt rõ ràng. 5 giờ sáng, địch chiếm mỏm ĐKZ và một mỏm trên chốt cây đa thứ nhất. Khoảng 1 giờ chiều chiếm nốt chốt cây đa thứ hai.

- Ta: + Đại đội 11 chiến đấu rất ngoan cường dũng cảm, tiêu diệt gần 100 tên địch. Đến 1 giờ chiều thì bị đánh bật ra khỏi trận địa. Tối 19-2, lực lượng còn lại của đại đội 11 rút lui về khu vực trường cấp 1+2 thị trấn Sóc Giang tổ chức trận điạ phòng ngự chặn bọn địch từ hướng biên giới tràn xuống.

+ Đại đội 12 hoả lực những ngày qua đã sử dụng cối 82 và súng 12ly7 chi viện hiệu quả cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Theo đại đội 12 báo cáo, đơn vị đã dùng cối 82 bắn sang bên kia biên giới trúng một kho xăng của địch cháy liên tục hai ngày liền. Hỏa lực 12ly7 bắn kiềm chế các ổ đại liên của quân địch ở khu vực đồi thông và khe núi, ngăn chặn bộ binh của địch từ biên giới tiến sang chốt cây đa thứ nhất của đại đội 11"...

Cao Bằng-1979

Ghi chép của Trọng Bảo

Báo điện tử Tầm nhìn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét