Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

Lịch sử

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

(kỳ 9)

 Cập nhật lúc 09:23     

 

 Khoảng 1 giờ sáng ngày 18-2, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh lại gọi tôi đến hỏi về tình hình đảm bảo thông tin liên lạc bằng máy vô tuyến điện. Tôi báo cáo về những khó khăn của việc đảm bảo thông tin liên lạc bằng máy vô tuyến điện 884 đã gặp trong ngày chiến đấu đầu tiên. Loại máy này do Trung Quốc sản xuất và viện trợ cho ta trước đây nên bọn bành trướng ngày nay hiểu rất rõ tính năng của nó. Bọn chúng liên tục gây nhiễu, phá sóng mỗi khi ta mở máy liên lạc. Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình, không để gián đoạn liên lạc ảnh hưởng đến việc chỉ huy chiến đấu của tiểu đoàn. Tuy hứa vậy nhưng tôi cũng rất lo lắng, sợ không hoàn thành được nhiệm vụ. (Mãi sau này, khi gặp lại chính trị viên Hoàng Quốc Doanh, ngồi uống rượu với nhau tôi mới cười cười và nói: “Ngày ấy, cánh lính thông tin chúng em sợ thủ trưởng tiểu đoàn hơn là sợ... giặc đấy!”).

Sau khi nghe tôi báo cáo, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo:

- Vị trí chỉ huy của tiểu đoàn sẽ di chuyển về hang Huyện ủy ở mỏm núi ngay giữa thị trấn Sóc Giang để thuận tiện việc chỉ huy các hướng. Mày cho anh em mang máy đi trước triển khai đảm bảo thông tin ngay khi chỉ huy tiểu đoàn cơ động về đến hang nhé!

- Vâng ạ!

Anh nói thêm:

- Pháo của bọn địch hơi ngớt rồi đấy, chúng mày đi ngay đi!

Nhận lệnh xong, chúng tôi lập tức đóng máy, thu dây an-ten để hành quân về vị trí mới.

Chỉ huy tiểu đoàn phải bỏ vị trí hang Ma Gà còn có một lý do khác. Đó là hang Ma Gà ở một ngọn núi nằm trong dãy núi đá kéo dài lên phía cửa khẩu Bình Mãng, nơi có đài quan sát và các hỏa điểm của quân bành trướng ăn rất sâu vào trong đất ta. Ngay phía sau ngọn núi có hang Ma Gà là địa phận xã Nà Sác. Khu vực các xã Nà Sác, xã Trường Hà là tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn 2 cũng đang bị bọn bành trướng tấn công rất ác liệt. Bọn địch có thể sử dụng lực lượng thám báo, đặc nhiệm bất ngờ tập kích vào hang Ma Gà bất cứ lúc nào. Ở Hà Quảng có hai địa danh cùng mang tên Nà Sác. Đó là bản Nà Sác thuộc xã Sóc Hà và xã Nà Sác thuộc huyện Hà Quảng.

Pháo hạng nặng của địch từ bên kia biên giới vẫn liên tục bắn sang các trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 3 và khu vực thị trấn Sóc Giang. Chúng tôi nhanh chóng cơ động rời khỏi hang Ma Gà. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi kiểm tra lại lần cuối rồi khoác ba lô tụt xuống chân núi đi cùng bộ phận của tôi. Chúng tôi lặng lẽ đi thành hàng dọc trong thung lũng đầy sương mù và hố đạn pháo của quân xâm lược.

Đi được một đoạn, tôi gặp mấy chiến sĩ hữu tuyến đang gấp gáp kéo đường dây về hướng hang huyện ủy. Trong ánh chớp loằng ngoằng của một quả đạn pháo nổ gần tôi nhận ra tiểu đội trưởng hữu tuyến Hà Trung Lợi đang lúi húi nối dây ở sau một mỏm đá sát gần lối đi. Tôi liền gọi:

- Lợi đấy hả! Dây rợ đã triển khai xong chưa?

- Xong rồi...

- Mày có về hang huyện ủy bây giờ không?

- Có! Chờ với. Tao cũng đi luôn đây!

Thằng Lợi khoác ba lô, xách súng nhảy ra đi cùng tốp chúng tôi. Chúng tôi lặng lẽ bám sát nhau đi theo lối mòn quanh chân núi, cắt ngang qua khu trụ sở của ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng vào trung tâm thị trấn Sóc Giang. Qua khu nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Sóc Giang tôi thấy các chiến sĩ trung đội vận tải của tiểu đoàn đang hì hục đào huyệt chôn cất các cán bộ, chiến sĩ hi sinh. Có gần mười người đã ngã xuống trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc thuộc Tiểu đoàn 3 được đưa về đây. Trong đó có Nguyễn Văn Đam, tiểu đội trưởng truyền đạt, người đồng đội, đồng hương, bạn thân của tôi. Tôi khều thằng Lợi đang đi phía trước bảo:

- Tao với mày vào nghĩa trang nhìn mặt thằng Đam lần cuối nhé!

Thằng Lợi chưa kịp đáp lại thì trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi nghe thấy thế vội gạt đi:

- Các liệt sĩ họ đã gói buộc kín cả rồi, nhìn mặt làm sao được nữa? Chúng mình phải về hang huyện ủy để triển khai mạng thông tin liên lạc cho chỉ huy tiểu đoàn ngay không thì các ông ấy lại gầm lên bây giờ!

Tôi đành bước đi và cố ngoảnh lại nhìn vào trong nghĩa trang. Dưới ánh sang bùng lên của đạn pháo tôi thấy thi hài các liệt sĩ chống Tàu đang được xếp nằm cạnh các nấm mồ của các liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ. Họ đã được gói trong những tấm vải liệm còn mới tinh hoặc trong các túi ni-lông. Họ sẽ được vùi vào trong lòng đất mẹ. Không có hương nhang, không có hoa, chắc là chỉ có những cành lá xanh cắm lên nấm đất ướt đẫm sương đêm ở nơi biên thùy xa xôi này. Họ đã nằm lại với mảnh đất nơi tuyến đầu đang cuồn cuộn lửa cháy ngút trời. Họ vẫn ở trong chiến hào cùng chúng tôi chiến đấu chặn quân xâm lược. Những ngày sau đó, khi chiếm được thị trấn Sóc Giang bọn giặc đã đào các nấm mồ mới chôn của các liệt sĩ lên vì chúng nghi ngờ quân ta chôn giấu vũ khí trước khi rút lui. Sau chiến tranh, chúng tôi mới chôn cất lại cho họ. Các anh ấy đã ngã xuống giữa một mùa Xuân. Đó là một mùa Xuân lạnh lẽo, đau thương, cánh hoa đào rừng vương trên báng súng của những người lính trong một cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, không cân sức với quân xâm lược bành trướng tàn bạo để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc thân yêu.

Chúng tôi nhanh chóng băng qua con đường chạy qua thị trấn Sóc Giang để tránh đạn pháo địch. Nhà cửa trong thị trấn tan hoang, đầy những hố đạn, cây cối đổ ngổn ngang. Cửa hàng bách hóa bị cháy rụi, đổ nát. Hiệu sách thị trấn bị pháo địch bắn tan tành, sách vở bay trắng xóa cả mặt đường.

Về đến hang huyện ủy, chúng tôi nhanh chóng triển khai mạng thông tin vô tuyến và hữu tuyến đảm bảo cho chỉ huy tiểu đoàn chỉ huy chiến đấu. Hang huyện ủy nằm trên một mỏm núi độc lập nhỏ nhoi trơ trọi giữa thị trấn Sóc Giang. Đây là một cái hang làm nơi sơ tán của cơ quan Huyện ủy huyện Hà Quảng tránh phi pháo địch từ bên kia biên giới bắn sang. Xung quanh mỏm núi hang huyện ủy là tuyến đường quốc lộ lên cửa khẩu và các tuyến đường dân sinh. Hang huyện ủy không có các ngóc ngách, nó giống như một cái ống cống thẳng đuột, thông thống giữa lưng chừng núi. Cửa chính của hang hướng ra phía cánh đồng bản Nà Nghiềng, đối diện với đồn công an vũ trang. Ngay phía dưới cửa hang chính là nhà bưu điện, bên trái là khu chợ thị trấn. Đứng từ cửa hang chính có thể quan sát được trận địa của Đại đội 10, khu Đồn công an vũ trang và các bản Cốc Sâu, Kép Ké nằm cạnh đoàn đường chạy về phía ngã ba Đôn Chương. Lối lên cửa chính của hang được xây thành các bậc đá rất dễ đi. Cửa hang phụ hướng lên phía biên giới. Lối lên cửa hang phụ dốc đứng, rất khó cơ động lên xuống nhưng có nhiều bụi cây, dây leo rậm rạp nên tương đối đảm bảo bí mật. Khi chiến tranh xảy ra, cơ quan huyện ủy Hà Quảng đã sơ tán rút hết về phía sau. Bộ phận thông tin chúng tôi trèo lên hang theo lối cửa phụ. Tổ đài vô tuyến của tiểu đội tôi đặt ở phía cửa phụ dễ triển khai mắc dây an-ten không bị ảnh hưởng địa hình lại ở trên cao và định hướng tương đối tốt về các tổ đài của các đơn vị. Chỉ sau ít phút, mạng liên lạc bằng vô tuyến điện trong tiểu đoàn đã được nối thông. Anh em trong tiểu đội tôi đang ở các đơn vị tranh thủ hỏi thăm, động viên nhau vài câu ngắn gọn để tiết kiệm nguồn. Tôi thấy yên tâm vì các chiến sĩ của mình đã trụ vững, đảm bảo thông tin liên lạc và tham gia chiến đấu cùng các đơn vị.

Đêm đã về khuya. Pháo địch vẫn bắn sang nhưng thưa hơn...

Bọn địch tuy bị đánh bật khỏi chốt cây đa thứ nhất nhưng lực lượng của chúng vẫn rất mạnh. Trong khi đó phía tiểu đoàn chúng tôi đã bị thiệt hại nặng, đạn dược, lương thực cạn dần. Sự chi viện của trung đoàn rất hạn chế. Ngoài một xe đạn lúc chập tối, chúng tôi không nhận thêm được sự tiếp viện nào nữa. Chúng tôi được biết, tất cả các đơn vị của trung đoàn đều đã tham chiến. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 bị thiệt hại nặng. Các đơn vị trong trung đoàn không thể chi viện được cho nhau. Trước tình hình đó, chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho các bộ phận, các đại đội phải hết sức tiết kiệm đạn dược. Hỏa lực chủ yếu của Tiểu đoàn 3 là cối 82 và 12ly7. Lượng đạn cối 82 chỉ còn có vài trăm viên. Ngày đầu tiên chỉ huy và cánh lính Đại đội 12 hỏa lực tưởng cứ bắn thả cửa rồi sẽ có tiếp viện nên khi thấy bọn địch tiến ào ào dưới cánh đồng bản Nà Sác đại đội trưởng Nông Đình Bào liền lệnh bắn cấp tập, bắn sang cả phía bên kia biên giới làm cháy một kho xăng dầu của địch. Ngọn lửa khói cháy kho nhiên liệu của bọn địch mịt mù khu cửa khẩu suốt mấy ngày liền sau đó.

Sau khi nghe Đại đội 12 báo cáo còn chưa đầy 200 viên đạn cối 82, trợ lý quân khí tiểu đoàn Cao Thành Văn báo cáo trong kho chỉ còn gần 100 viên đạn cối 82 và không đủ liều phóng, ngòi nổ tiểu đoàn trưởng Thiêm lập tức bảo tôi:

- Thông tin điện khẩn ngay! Thông báo cho Đại đội 12 khi có mệnh lệnh của chỉ huy tiểu đoàn mới được bắn và bắn đúng số lượng như chỉ thị! Rõ chưa?

Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh thì căn dặn chúng tôi:

- Chúng ta còn rất ít đạn. Nhưng chúng ta sẽ kiên quyết chiến đấu với bọn xâm lược đến viên đạn cuối cùng. Song tất cả mọi người nhớ là phải để lại cho mình quả lựu đạn cuối cùng. Hiểu không?

Chúng tôi đều hiểu những lời của chính trị viên tiểu đoàn. Dù chết cũng không để sa vào tay quân giặc. Tiểu đoàn 3 chúng tôi chiến đấu trong vòng vây trùng điệp của quân bành trướng chỉ có người chết và bị thương, không có người bị địch bắt. Viết đến đây tôi muốn kể thêm một chuyện sau chiến tranh. Khi ấy, tôi đã về ôn thi đại học tại trường văn hóa Quân khu 1. Tôi được về tranh thủ thăm nhà. Một buổi sáng, khi đang lúi húi xới luống rau ngoài vườn thì có khách. Đó là thầy Nguyễn Cấp-thầy giáo dạy tôi môn tiếng Trung thời còn là học sinh trường cấp 3. Nghe tin tôi được về thăm nhà nên thầy tìm đến bảo: “Thầy ở cùng làng với Nguyễn Văn Đam. Gia đình Đam nghe tin cậu ấy bị bọn Trung Quốc bắt sống khi đang ngủ rồi chặt đầu vứt đi. Mẹ và các em Đam đau đớn và khóc lóc ghê lắm, Bảo có biết rõ về trường hợp hy sinh của Đam không?”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tại sao lại có một tin đồn độc địa như thế. Tôi kể lại cho thầy Cấp nghe về trường hợp hi sinh của Nguyễn Văn Đam. Tôi hứa sẽ lên thăm gia đình Đam để kể lại mọi chuyện. Hôm sau, tôi đạp xe lên xã Như Thụy, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc tìm đến nhà Nguyễn Văn Đam. Bà mẹ Đam đang đi gặt lúa ngoài đồng nghe tin có đồng đội cùng đơn vị của con đến vội bỏ gánh lúa giữa ruộng vừa khóc vừa chạy về. Ông bố Đam đang dạy học ở trường cấp 1 cùng xã cũng vội về nhà ngay. Có một anh cán bộ xã cũng đến. Tôi kể lại cho mọi người rõ về trường hợp hy sinh anh dũng của Đam khi mang mệnh lệnh của tiểu đoàn rồi tham gia chiến đấu tại chốt của Đại đội 11 sáng ngày 17-2-1979. Tôi khẳng định rằng trong chiến tranh đơn vị Tiểu đoàn 3 chúng tôi không có bất cứ một ai để bị địch bắt và bị chúng chặt đầu như vậy. Bà mẹ Đam nghe xong chùi nước mắt mếu máo nói: “Em nó hy sinh tôi và gia đình đau đớn lắm nhưng cũng thấy chút thanh thản vì biết Đam không phải bị bắt và chết trong tay bọn giặc như tin người ta đồn đại”.

Hôm ấy, tôi cũng đã trao lại cho gia đình cuốn nhật ký của Đam và một số ảnh bạn bè, ảnh của Đam mà tôi còn giữ được...

Cao Bằng-1979

Ghi chép của Trọng Bảo

Theo Báo điện tử Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét