Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

 Đừng phí phạm lòng thương
Cập nhật lúc 09:01
       
Chuyện ăn xin có lẽ xuất phát từ thời đất nước còn đói kém, nghèo nàn lạc hậu, khi nhiều người không đủ cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Người đi xin để ăn, để duy trì sự sống qua tháng ngày bĩ cực, có thể từ đó nên người ta gọi “ăn xin”. Bản chất người phải đi xin ăn là lương thiện, dù đói kém, túng quẫn song họ không trở thành phường trộm cắp, bất lương.


Trong nhà chùa cũng có tục khất thực, những tăng ni hành hương xin đồ ăn thức uống trên đường. Đó là cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia.
Truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng” của người Việt chính là tình thương với đồng loại, nhất là khi họ rơi vào tình cảnh khốn quẫn. Tình thương giúp cho những người rơi vào tình cảnh không thể làm gì khác sẽ duy trì được sự sống.
Khi cuộc sống chung khá giả hơn người ta bắt đầu như có sự thay đổi tư duy, rộng tay hơn khi cho người ăn xin. Ít người cho đồ ăn thức uống mà thường là những thứ giá trị hơn như quần áo và nhất là tiền lẻ để người được cho có thể linh hoạt sử dụng. Suy nghĩ, tâm lí đó khiến cho một số người lười lao động nhưng lại muốn hưởng thụ tốt hơn lợi dụng và họ trở thành những kẻ ăn xin không chân chính! Ở một số thôn làng tại Quảng Xương (Thanh Hóa), Lộc Hà (Hà Tĩnh), Đồng Xuân (Phú Yên)… gần như cả làng đi ăn xin. Có thể nhiều người đã coi cái nghề thấp hèn này là kế “sinh nhai”!
Gần đây, thông tin về những kẻ bảo kê chuyên “chăn dắt” người ăn xin giữa Thủ đô để bóc lột họ với thu nhập hàng triệu đồng mỗi người/ngày khiến dư luận bất ngờ! Tiểu phẩm hài từ nhiều năm trước của danh hài Hoài Linh có cảnh người Việt ăn xin bên Mỹ thu được hàng trăm USD/ngày, dùng cả thẻ ATM… nay là chuyện có thật ở Hà Nội! Những người ăn xin không thuộc đường dây bảo kê cũng có thu nhập khủng không kém, họ chia sẻ rằng đi ăn xin là để hoàn thiện căn nhà tầng đang xây ở quê!


Ảnh minh họa

Hiện nay ở các địa phương đều đã có cơ sở bảo trợ xã hội, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều nhận được sự quan tâm của làng xóm, cộng đồng và các tổ chức xã hội, ít người phải cầu bơ cầu bất đi xin ăn để sống qua ngày. Thực chất nhiều người ăn xin chốn đô thị đang lợi dụng lòng thương hại, bất chấp liêm sỉ, danh dự để kiếm tiền mà không cần bỏ nhiều sức lực.
Có thể cho rằng vài ba chục nghìn là nhỏ bé nên nhiều người nhìn thấy kẻ ăn xin là cho tiền ngay không cần đắn đo suy nghĩ. Nếu biết rằng sự dễ dãi cho đi lòng thương hại có thể đã góp phần nuôi dưỡng thói xấu, làm mất mĩ quan đô thị văn minh thì người ta sẽ cân nhắc mỗi khi trao gửi lòng thương cho người lạ.
Đã đến lúc chính quyền tại các thành phố cần có biện pháp mạnh tay dẹp nạn ăn xin, điều tra triệt phá những băng nhóm bảo kê bóc lột sức lao động những người yếu thế bị dụ dỗ ra thành phố làm thuê cho chúng. Có như vậy mới không còn cảnh nhếch nhác giữa những đô thị diện mạo hiện đại, văn minh./.
(Theo Báo Người cao tuổi ) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét