Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Trào lưu xây chùa, một số sư thầy biến chất: Vì đâu?

Cập nhật lúc 15:44                

Xu hướng thương mại hóa tạo "cơn nghiện" phát triển du lịch tâm linh và cũng gây lên hiện tượng biến chất, tha hóa ở một số nhà sư trụ trì.

Sau hàng loạt những dự án tâm linh đồ sộ mọc lên khắp nơi cùng những phản ánh không tích cực về cuộc sống xa hoa, trần tục của một số nhà sư trụ trì, ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, du lịch cho rằng, phát triển du lịch gắn với tâm linh đang làm méo mó, biến dạng về văn hóa, tín ngưỡng, đồng thời là nguyên nhân gián tiếp gây lên hiện tượng biến chất, tha hóa ở một số nhà sư trụ trì.


Sư Toàn (từng xin phóng viên nữ tí khí) xin hoàn tục và giữ lại tài sản 200-300 tỷ. Ảnh: Soha

Tác động đầu tiên theo vị chuyên gia là tình trạng lấy đất, lấy rừng, phá hoại tài nguyên.
Để chứng minh, ông Mỹ nêu hàng loạt dự án đồ sộ được triển khai rộng rãi thời gian qua như: Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Hà Giang); nghiên cứu xây dựng khu du lịch tâm linh ở núi Hải Vân (Huế); Hay hàng loạt những dự án tâm linh đồ sộ được xây dựng đã và đang chuẩn bị được đưa vào khai thác như Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)...
Theo ông Mỹ, nhiều doanh nghiệp đang đổ hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vào các dự án du lịch tâm linh như một "cơn nghiện" khiến hàng trăm hecta đất rừng, đất lúa bị "xóa sổ", nhiều di sản thiên nhiên bị xâm hại.
Cùng thời điểm này, những biểu hiện biến chất, tha hóa như: gạ tình, sống xa hoa, trần tục của một số nhà sư trụ trì cũng được phản ánh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
"Đó là hệ lụy của xu hướng thương mại hóa trong lĩnh vực tâm linh, xây dựng chùa chiền để phát triển du lịch.
Việc nhà nhà, nơi nơi xây dựng chùa chiền, khu văn hóa tâm linh không dựa trên nhu cầu kính ngưỡng của người dân mà đang chạy theo lợi ích của doanh nghiệp, của địa phương và kể cả lợi ích của một số nhà sư trụ trì", ông Mỹ nói.
Phân tích cụ thể từ trường hợp của nhà sư Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng ở Tam Đảo) bị tố gạ tình nhưng vẫn xin giữ lại tài sản nhiều tỉ sau khi được xả giới hoàn tục, vị chuyên gia cho rằng đó chỉ là một trong số nhiều nhà sư có biểu hiện sai trái, lệch lạc trong nhận thức, hành vi đã được tố giác.
Những việc sai trái, biến chất vẫn có thể còn nhiều mà chưa bị phát hiện.
"Khi người dân tìm tới chùa chiền không hoàn toàn vì tín ngưỡng mà lại chạy theo tâm lý đám đông, vì mê tín dị đoan, vì buôn thần bán thánh thì những khu tâm linh hoành tráng, đồ sộ cũng theo đó mọc lên.
Kinh doanh trên lĩnh vực tâm linh kiếm lợi dễ lại khó kiểm soát nguồn thu vì thế, doanh nghiệp tranh thủ chớp thời để cơ kiếm lợi.
Một số nhà sư trụ trì cũng hùa theo, kinh doanh ngay trên lòng tin tín ngưỡng của các phật tử. Tất nhiên, chính quyền địa phương cũng không thể thiếu phần trách nhiệm.
Dư luận từng râm ran lời đồn nhiều nơi chùa vừa xây xong đã đập đi xây mới to hơn, đẹp hơn, nhiều tiền hơn thực chất là một hình thức để giải ngân, để kiếm lợi từ dự án", ông Mỹ lo ngại.
Nêu thêm ví dụ, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho biết, tín ngưỡng, tâm linh đang bị lợi dụng để kinh doanh.
Chính vì mục đích kinh doanh là tối thượng nên các dự án đều hướng tới mục tiêu là mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong đó có cả lợi ích của nhà chùa, của những nhà sư trụ trì tại các ngôi chùa này.
"Ngày xưa chùa chiền là nơi phật tử hướng phật, để tu tâm, nhưng bây giờ nhiều nơi lại trở thành địa điểm kinh doanh.
Có chùa thu từ tiền đóng góp của con nhang, đệ tử, thu từ nguồn công đức.
Thậm chí, tôi còn biết nhiều hoạt động kinh doanh ngay trong chùa để tạo nguồn thu, ví dụ, thu tiền từ việc bán các hốc đựng tro cốt người đã khuất. Hoạt động kinh doanh này rõ ràng, nhà chùa thu tiền từ việc bán các hốc đựng tro cốt đó.
Nếu tâm linh theo đúng nghĩa, nhà chùa không bao giờ thu tiền mà chỉ để di ảnh người quá cố để thờ cúng hàng ngày chứ không phải kinh doanh bằng cách bán đồ và thu tiền như vậy", PGS Phạm Trung Lương nói.
Đề cập tới trách nhiệm, ông Mỹ nói thẳng để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý bị buông lỏng, do chính quyền địa phương không nghiêm còn doanh nghiệp thì quá hám lợi.
"Xu hướng thương mại hóa đang tạo "cơn nghiện" phát triển du lịch gắn với tâm linh và cũng gián tiếp tác động gây lên hiện tượng biến chất, tha hóa ở một số nhà sư trụ trì", ông Mỹ nói.
Theo ông Mỹ, du lịch tâm linh biến tướng chỉ phát triển ở những nước có nhiều vấn nạn xã hội và cuộc sống lạc hậu. Nếu cứ chạy theo du lịch tâm linh biến tướng, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường. Để hạn chế vấn nạn này, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, tập trung phát triển du lịch công nghiệp như các nước tiên tiến.
(Theo Đất Việt) Thái Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét