Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Vụ án bức cung, nhục hình, oan sai ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh:

Đã 38 năm trôi qua, 9 người phải ngồi tù oan gần 4 năm chưa được một lời xin lỗi
Cập nhật lúc 09:01  
 Trong bài kì 1, chúng tôi đã thông tin tới bạn đọc tóm tắt vụ án oan sai của 9 người của 3 gia đình, ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận bị bắt oan 38 năm về trước. Đến nay, mặc dù đã có nhiều đơn thư khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền, nhưng họ chưa được các cơ quan chức năng giải quyết. Báo Người cao tuổi mong muốn nhanh chóng trả lại danh dự cho những người chịu nỗi oan khuất gần nửa đời người, luôn mang thận phận kẻ cướp, bị anh em, làng xóm xa lánh, phải rời quê hương tha phương cầu thực. Để giúp bạn đọc cũng như các cơ quan chức năng hiểu rõ về vụ án oan nghiệt trên, chúng tôi ghi lại lời kể của các “bị can” oan, nhân chứng trong vụ án,…

 Kì 2: Mong Nhà nước minh oan để…được chết thảnh thơi
 Đi công tác, tranh thủ ghé thăm nhà, bỗng rơi vào lao lí

Ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1958, nhập ngũ ngày 24/12/1976, thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 bộ binh. Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, anh được điều động về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 174 tham gia chiến đấu tại chiến trường Xa Mát - Cà Tum (Tây Ninh). Trong trận đánh chiếm Lộ 7 để giải phóng Sa Nun, ông bị thương, sau khi ổn định vết thương, ông được chuyển về C9, E28, F5 tham gia các mặt trận: Ka Che, Kong Pong Chàm, Kong Pong Thom, Xiêm Riệp… Tháng 5/1979, Quân khu 7 thành lập Sư đoàn 317, ông được điều về C19, E774, F317, với chức vụ Trung đội phó, cấp bậc được đề bạt là Thượng sĩ.
Gần cuối tháng 7/1979, ông được đơn vị cử về nước lấy tài liệu huấn luyện (chuyến công tác trên có đồng đội Nguyễn Công Huỳnh cùng đi với ông Dũng). Khi xong nhiệm vụ, hai người ở tại nhà khách T67 để chờ xe về đơn vị. Do hết tiền, nên ông Dũng bảo ông Huỳnh ở lại trông coi tài liệu, vũ khí, còn ông về nhà xin tiền. Tối hôm đó, có ông Nguyễn Văn Dũng (trùng họ tên với ông Dũng) là em vợ của ông Nguyễn Văn Chiến, anh trai của ông Dũng đến thăm, hai anh em (2 ông Dũng) ngủ lại với nhau để tâm sự, thì bỗng dưng bị công an đến bắt đưa đi.
Nhục hình cha, mẹ, vợ, con để buộc chồng nhận tội
Vào khoảng 11 giờ đêm thì các anh và thành viên trong gia đình bị Ấp xã, Ấp đội ập vào nhà bắt đi với lí do có liên quan đến vụ án cướp tài sản vừa xảy ra, họ tra tấn, nhục hình buộc phải nhận tội cướp tài sản, ông Dũng không nhận, bị họ dùng còng số 8 còng hai tay ra đằng sau, bắt tựa lưng vào tường và họ dùng ghế đánh, chân đi giày đạp vào ngực cho đến khi gục xuống.
Ông Nguyễn Văn Dũng (em vợ ông Chiến) kể: “Tôi chẳng biết chuyện gì, họ tra tấn, bắt tôi nhận tội, tôi không nhận, họ bắt ba tôi là Nguyễn Văn Nghị lên còng tay ra đằng sau lưng, bắt tựa vào tường, đánh đập dã man trước mặt tôi. Thấy thương ba quá, nên buộc phải nhận tội, phải khai đưa tài sản cướp được về cho ba, mẹ cất giấu. Ba tôi bị tra tấn dữ quá, sau khi được trả tự do, bị ốm đau nên đã chết từ lâu. Họ bắt tui phải khai có cả chị gái và anh rể tham gia…”.
Cụ Võ Thị Thương, 90 tuổi (mẹ đẻ ông Dũng, mẹ vợ ông Chiến) kể: “Họ bắt chồng tui, sau đó họ bắt tui lên tra tấn dữ lắm. Tui đang có kinh mà họ dùng gậy đánh, đạp lên người, máu chảy ướt đến hai chiếc chiếu, buộc tui phải nhận có cất giấu tài sản ăn cướp, nhưng khi họ bắt đưa về nhà lấy thì có đâu mà lấy!? Hiện thân thể tui vẫn thường xuyên đau yếu. Không có tiền thuốc thang, tui vẫn phải vào vườn cao su để hớt mủ rớt xuống đất đem bán lấy tiền mua thuốc, ngày cũng chỉ được mấy chục ngàn thôi, mua thuốc hết”.
Những nạn nhân trong vụ án oan sai cách đây gần 40 năm, giờ vẫn bàng hoàng khi kể lại với phóng viên quãng thời gian kinh hoàng đó
Những nạn nhân trong vụ án oan sai cách đây gần 40 năm, giờ vẫn bàng hoàng khi kể lại với phóng viên quãng thời gian kinh hoàng đó
Bà Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1946, chị ruột ông Dũng, vợ của ông Chiến, kể: Khi đó con gái tui là Nguyễn Thị Nhung mới được 2,5 tháng tuổi, họ bắt tui lên và tra tấn. Tui đang bế con, mà họ đấm đá túi bụi, dùng gậy đánh vào đầu khiến tui ngất xỉu, họ bắt tui phải nhận có giấu đồ ăn cướp. Sau đó họ giam cả hai mẹ con cùng tất cả mọi người đến 4 năm sau mới thả”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, chị ruột của ông Chiến và ông Dũng, cũng là cựu chiến binh, do bị tra tấn nhiều, nên giờ sinh bệnh thần kinh, thường xuyên bị run rẩy. Khi kể lại chuyện cũ, bà càng bị run mạnh hơn, những lời nói đứt quãng, bà kể: “Hồi đó tui đang có thai khảng 6 - 7 tháng, họ bắt tui, đánh đập, tra tấn quá cực, tui phải sinh non. Họ đưa tui vô Bệnh viện Trảng Bàng sinh, vì thiếu tháng, con tui bị chết. Đêm đó, tui phải bỏ con vô túi xách, trốn bệnh viện đem đi chôn. Ngày hôm sau, họ bắt lại tui, lại tra tấn tiếp vì tội trốn trại. Tui sinh bệnh từ hồi đó, nhờ anh em, bệnh viện cho thuốc nên còn sống đến bây giờ”.
Ông Chiến bị tra tấn bằng cách còng tay ra phía sau, bắt đứng thẳng người, cán bộ bịt một bên tai, tay kia vỗ mạnh vào mang tai đến chảy máu. Vì vậy, hiện ông Chiến đã bị điếc không nghe được, muốn nói chuyện với ông phải viết ra giấy.
Còn ông Hồ Long Chánh, sau khi được cha đem 5 chỉ vàng nộp cho Công an để được tại ngoại, thì đã đi khỏi làng, đến nay không ai biết tung tích. 
Hiện họ sinh sống trong những căn nhà tạm tồi tàn
Hiện họ sinh sống trong những căn nhà tạm tồi tàn
Những cái tên ám ảnh cuộc đời
Kể lại chuyện cũ, khi nhắc đến những cái tên: Ba Gầm, bảy Tiết, tư Rực, là mọi người đều run lên, vừa vì phẫn nộ, vừa run sợ hành vi tra tấn man rợ của những cán bộ Công an này. Theo lời kể của ông Dũng, ba Gầm khi đó là Phó trưởng Công an huyện Trảng Bàng, bảy Tiết (Huỳnh Văn Tiết) là cán bộ điều tra, còn tư Rực là quản giáo trại giam, khi cán bộ của Công an tỉnh xuống điều tra lại, họ vào trại gặp ông Dũng và những người bị giam, nhưng tư Rực không cho gặp và  tiếp tục đánh những người bị giam giữ vì không nhận tội.
Trong số những cái tên là nỗi ám ảnh của những người bị oan sai, ông ba Gầm đã chết, ông tư Rực hiện không rõ địa chỉ, chỉ có ông Huỳnh Văn Tiết đang còn sống ở xã Đôn Thuận, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Những người bị oan sai hiện nay sống tại làng 5, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, với hoàn cảnh rất khó khăn, do tất cả đều mất sức khỏe. Họ không dám về lại nơi chôn nhau cắt rốn, vì mỗi lần về đều chịu tủi nhục do họ hàng, xóm riềng vẫn coi họ là những kẻ ăn cướp. Ông Dũng (em vợ ông Chiến) nói: “Mỗi năm một lần, chúng tui buộc phải về quê để hương khói tổ tiên. Nhưng suốt 38 năm, lần nào cũng vậy chúng tui đều phải về rồi đi trong nỗi tủi nhục, ai cũng bảo chúng tui rằng, bọn kẻ cướp lại về…”.
Ngoài ông Dũng (em trai ông Chiến), do không về địa phương mà tìm về đơn vị cũ, nên còn giữ được quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can; số người còn lại về địa phương ra xã khai báo, bị xã giữ hết giấy tờ, nên họ không còn mảnh giấy nào trong người. Tuy nhiên, do tất cả trong số họ cùng bị oan sai trong một vụ án, nên quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can mà ông Dũng  còn giữ được, chính là bằng chứng để các cơ quan tố tụng xem xét minh oan cho họ.
Mong muốn của họ là được công khai minh oan, để khi về quê hương khói, cúng giỗ tổ tiên không bị anh em, họ hàng xa lánh, dè bỉu.
Cụ Võ Thị Thương nói trong nước mắt: “Đã hơn 90 tuổi vẫn còn chịu oan, mong Nhà nước minh oan để chết thảnh thơi, nhưng xem ra họ vô tâm, không biết trước khi nhắm mắt về với tổ tiên có được trả lại danh dự không?”.
(Theo Ngày mới Online)  Kiều Liệu - Hoàng Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét