Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Thu tác quyền âm nhạc qua tivi: Khách sạn đâu phải nơi người ta đến nghe nhạc?
Cập nhật lúc 14:41                 
Việc VCPMC muốn thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi khó thực hiện và không phù hợp với thực tế.
Phải chứng minh được khách có xem ca nhạc
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc cho biết từ tháng 10/2017 sẽ tiếp tục thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi. Mức phí áp dụng không thay đổi 25.000 đồng mỗi tivi một năm.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, LS Đỗ Hải Bình (đoàn LS TP.HCM) cho rằng để thu tiền quyền tác giả âm nhạc, VCPMC bắt buộc phải chứng minh được khách hàng có xem ti vi và xem các chương trình ca nhạc.
Theo LS Bình,  thu tác quyền là việc nên làm và bản thân ông ủng hộ việc này để những người sáng tác được hưởng lợi. Tuy nhiên mọi thứ cần phải hết sức rõ ràng để tránh phản ứng tiêu cực từ người dân.
 Chỉ định 3 luật sư bào chữa vụ thảm sát ở Bình Phước - ảnh 1
Các LS cho rằng việc thu phí tác quyền âm nhạc tại khách sạn có tivi của VCPMC khó thực hiện (trong ảnh: LS Đỗ Hải Bình)
Việc VCPMC quyết tâm thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khác sạn có ti vi, LS Đỗ Hải Bình cho rằng khó thực hiện và không phù hợp với thực tế hiện nay.
“Để chứng minh khách hàng có xem chương trình ca nhạc không phải dễ dàng. Hơn nữa hiện nay công nghệ thông tin và mạng internet rất phổ biến. Thay vì nghe nhạc trên tivi, người ta có thể download về máy hoặc truy cập trực tiếp trang youtube để tìm kiếm bài hát. Vậy VCPMC sẽ chứng minh kiểu gì và thu phí ra sao?”, LS Bình đặt vấn đề.
Ngoài ra, theo LS Đỗ Hải Bình, nhiều khách sạn không có chủ trương kinh doanh âm nhạc mà tivi chủ yếu phục vụ khách hàng có nhu cầu xem bóng đá, tin tức . Trường hợp trên tivi có trình chiếu các chương trình ca nhạc thì bản thân khách sạn đã phải chịu phí sử dụng dịch vụ internet hay phí dịch vụ từ nhà đài.
“Nếu thu thêm phí cũng chưa thật sự hợp lý”, LS Bình nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được LS Nguyễn Hải Bình nhắc đến đó là, Việt Nam chính thức tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật vào ngày 26/10/1994.
Tuy nhiên thời điểm trước năm 1994, với các tác phẩm âm nhạc người dân được quyền sử dụng tự do và không tính phí gì cả.
“Sau khi có công ước thì chúng ta gia nhập và các tác giả thu phí tác quyền về những sáng tác của mình. Tuy nhiên việc tính phí phải đúng và có cơ sở”, LS Bình nói.
Thỏa thuận dân sự giữa 2 bên
LS Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao cũng khẳng định, bản thân không đồng tình với việc trung tâm VCPMC thu phí tác quyền âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi.
“Tôi thấy tư duy đó không đúng. Khách hàng liệu có thật sự nghe nhạc hay không? Bổ đầu như vậy là không đúng. Có những trường hợp người ta sử dụng ti vi nhưng không nghe nhạc mà chỉ xem thời sự, xem phim một chút thôi.
Làm thế nào để chứng minh và biết khách có nghe nhạc hay không? Họ xem thời sự, xem phim thì sao phải đóng phí. Việc bổ đầu khách sạn và thu trên đầu ti vi như thế là vô lý”, ông Hùng khẳng định.
Nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng trong trường hợp giữa VCPMC và các chủ khác sạn có thỏa thuận cũng như thống nhất về mức phí thu thì không có vấn đề gì khó khăn. Tuy nhiên khi các bên không tìm được tiếng nói chung và xảy ra mâu thuẫn thì phải đưa ra tòa án để giải quyết.
LS Đỗ Hải Bình cũng cho rằng, việc thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn là quyền dân sự. Khi VCPMC xây dựng được biểu mức tiền phù hợp với thực tiễn hiện tại và được sự đồng thuận với bên khai thác, sử dụng tác phẩm thì mới được thu.
Còn nếu hai bên không thỏa thuận được mức tiền quyền tác giả âm nhạc thì có thể kiện ra tòa án để giải quyết.
“Bên thu tác quyền phải chứng minh được khách sạn có sử dụng dịch vụ và tổng cộng bao nhiêu lần sử dụng. Tòa sẽ căn cứ vào thông tin các bên để đưa ra biện pháp. Tuy nhiên tôi thấy chủ trương thu phí là một câu chuyện xa vời”, LS Bình khẳng định thêm.
(Theo Đất Việt) Hà Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét