Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Biển số xe đẹp là tài sản, tại sao không?

Cập nhật lúc 16:14   

Việc Thủ tướng yêu cầu xem xét, xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số xe ô tô, được nhiều chuyên gia ủng hộ. Các chuyên gia cho rằng, nên sớm triển khai việc đấu giá biển số xe vì những vướng mắc trong việc này là không đáng kể.

 Việc cấp và sử dụng biển số xe đẹp thông qua đấu giá không có nhiều vướng mắc. Ảnh minh họa.
Việc cấp và sử dụng biển số xe đẹp thông qua đấu giá không có nhiều vướng mắc. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Đường bộ phụ trách mảng phương tiện và người lái, cho biết ông rất ủng hộ chủ trương đấu giá biển số xe đẹp. Ông Quyền cho rằng, nếu thực hiện sớm sẽ thu được số tiền lớn cho ngân sách, thực hiện các chương trình an sinh xã hội và chấm dứt các thông tin phản ánh về tiêu cực trong cấp biển số hiện nay.
Ông Quyền cho biết, trong quá trình soạn thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, vấn đề đấu giá biển số xe đã được đề cập. Tuy nhiên, sau đó vấn đề này không được đưa vào dự thảo chính thức vì một số ý kiến cho rằng có vướng mắc khi thực hiện.
Cụ thể, vướng mắc được các ý kiến đưa ra là khó giải quyết các vấn đề khi xem biển số xe là một tài sản để người sở hữu có thể lắp cho xe khác hoặc có thể chuyển nhượng.
“Theo cá nhân tôi, không có nhiều vướng mắc khi xem đó là một tài sản. Khi đã xem đó là tài sản thì chủ sở hữu có thể lắp sang xe khác, hay chuyển nhượng cho người khác. Công tác quản lý phương tiện sau đó cũng không khó khăn, mỗi khi lắp sang xe khác hay chuyển nhượng cho ai chỉ cần đến cơ quan Công an đăng ký lại. Việc này nhiều nước đã thực hiện, nước ta cần thực hiện sớm” – ông Quyền cho biết.
Như Tiền Phong đã đưa, đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho rằng, hiện biển số xe hiện chỉ được xem như một công cụ quản lý phương tiện nên cần thay đổi các quy định pháp luật như Bộ Luật Dân sự và các quy định liên quan để xem biển số xe đẹp là tài sản. Vì khi đã bỏ ra số tiền lớn để mua biển số xe, người sở hữu muốn sử dụng biển số đó lâu dài; khi thay đổi xe có thể lắp sang xe mới, thậm chí có thể chuyển nhượng cho người khác. Còn việc quản lý phương tiện vẫn hoàn toàn thực hiện được và trách nhiệm thuộc Nhà nước.
Nói về điều này, Luật sư Phạm Văn Phất, trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm (Hà Nội) phân tích: Giá trị của biển số xe đẹp không nằm ở tấm biển số bằng hiện vật gắn lên xe mà chính là con số được CSGT quản lý trong cơ sở dữ liệu. Đối chiều với Bộ luật Dân sự hiện nay cho thấy đã có quy định để áp dụng cho việc xem biển số xe là tài sản. Cụ thể, luật sư Phất dẫn Điều 105 Bộ Luật Dân sự quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản là bất động sản và động sản; bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo Luật sư Phất, biển số xe đẹp trong trường hợp này có thể được hiểu là “quyền tài sản”. “Như vậy, Bộ luật Dân sự có thể áp dụng cho trường hợp này. Vấn đề còn lại là có các quy định, cơ chế để vận hành biển số xe đẹp là tài sản, chứ không chỉ là công cụ quản lý phương tiện người lái như hiện nay” – luật sư Phất phân tích.
Theo luật sư Phất, khi đã xem biển số xe đẹp là tài sản, với công cụ công nghệ thông tin như hiện nay thì việc quản lý biến số gắn với phương tiên hay chủ xe nào đó là không có khó khăn.
Trước đó, như Tiền Phong đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số xe ô tô, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2017.
(Theo Tiền phong) Sỹ Lực

Nhưng lại có một góc nhìn khác của tác giả Hoàng Đình Khải qua bài báo đăng trên báo Người cao tuổi gần đây:

Chuyện những con số, đẹp và chưa đẹp

Những cặp số 05-21-31-33-38-42; 03-05-08-10-13-22… hay 12-16-17-18-22-30… với mọi người chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên khi đó là kết quả giải xổ số điện toán Vietlott vừa qua thì với người trúng giải, đó lại là những số "siêu đẹp" bởi giá trị của nó lên tới nhiều chục tỉ đồng.

Kết quả hình ảnh cho xe công biển số xe đẹp 

Những con số như 6868, 8686, những cặp 4 số 6666, 8888, hay 9999… được không ít người coi là "số đẹp" (trong tiếng Hán 6 là lục, nghe như từ lộc, 8 là bát, âm như từ phát, 68 là lộc phát; cụm 4 số giống nhau gọi là tứ quý, nhiều số 9 là cửu tuyền v.v). Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm mang màu sắc duy tâm, không có cơ sở khoa học hay thực tiễn, bởi không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra với xe có biển "số đẹp"!
Gần đây dư luận quan tâm hiện tượng đa số xe sang, đắt tiền mang những biển số được coi là "rất đẹp". Việc cấp biển số xe nay đã được thực hiện bấm số tự động ngẫu nhiên, khách quan. Tuy nhiên dư luận nghi vấn bởi rất ít người bấm được những dãy số "đẹp" trong khi người sở hữu xe đắt tiền thường lại rất "may mắn"! Xem ra quy trình bấm số chưa hẳn đã khách quan.
Và, chuyện "số đẹp" vừa qua đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến cho các "số đẹp" (cả biển số xe, số điện thoại…) là tài sản công, cần được thu về và đưa ra đấu giá thu tiền cho ngân sách nhà nước. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chuyện "tài sản số đẹp" chưa ngã ngũ.
Lẽ thường kho số điện thoại là sở hữu của doanh nghiệp viễn thông, kể cả khi đó là doanh nghiệp nhà nước. Nếu dùng biện pháp hành chính can thiệp để thu lại các "số đẹp" xem ra chưa thật hợp lí trong môi trường doanh nghiệp cần được tự chủ kinh doanh. Còn giữ lại các "số đẹp" trong đăng kí phương tiện giao thông cũng là không công bằng với người dân và doanh nghiệp khi đăng kí, chẳng khác nào công ty xổ số giữ lại "kho số", không cho ra số trúng thưởng! Giữ lại "số đẹp" của phương tiện giao thông thì việc bấm số ngẫu nhiên có thể chẳng còn ý nghĩa! 
Tóm lại những số được coi là "đẹp" (của phương tiện, số điện thoại…) không nên coi đó là tài sản công và thực tế cũng chưa có điều luật nào quy định. Nhà nước muốn đó là tài sản công cần mua lại của doanh nghiệp hoặc cá nhân đã sở hữu hợp pháp và tổ chức bán đấu giá. Cơ quan quản lí cần có biện pháp quản lí, giám sát hữu hiệu trong việc bán số sim, trong cấp số đăng kí phương tiện giao thông bảo đảm tính khách quan, công bằng, không để cá nhân hay tập thể lợi dụng quyền hạn để trục lợi.
Những cặp số luôn vô tri, có thể được coi là đẹp hoặc không đẹp nhưng cách quản lí của cơ quan chức năng rất cần phải… đẹp!
Hoàng Đình Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét