Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Lễ hội dân gian cần gạn đục, khơi trong

Cập nhật lúc 10:31

Lễ hội dân gian là một phần thể hiện sinh động trong kho văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, được lưu truyền theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Những trò chơi dân gian trong lễ hội dịp đầu Xuân như kéo co, đánh đu, đấu vật, hát dân ca… tuy đơn giản song nó thể hiện nét bản sắc văn hiến và thượng võ, được duy trì từ hàng ngàn năm trước. Nay lễ hội dần phai nhạt nét thô sơ, dân giã, thay vào là những cầu kì và yếu tố tâm linh, thị trường ngày một lấn át. Việc duy trì, bảo tồn và nâng cao giá trị giáo dục đạo đức, truyền thống thông qua việc tổ chức lễ hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, sự phát triển lệch lạc, thâm chí méo mó một số lễ hội đang khiến dư luận bức xúc và lo ngại.

Năm trước dư luận từng dậy sóng khi chứng kiến truyền thông đăng tải những hình ảnh chém lợn dã man rồi tranh nhau phết máu cầu may. Rồi đến lễ phát ấn đền Trần cũng xảy ra tranh cướp cho những kì vọng quan trường khiến Ban Tổ chức phải tăng lượng ấn tín phát cho du khách. Đã có sự chuyển biến tốt ở một vài lễ hội, song năm nay vừa vào mùa lễ hội mọi người lại liên tục chứng kiến cảnh tranh nhau cướp phết, cướp lộc dẫn đến “hỗn chiến” ở nhiều nơi như Hiền Quan (Phú Thọ), Sóc Sơn (Hà Nội), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và lễ phát ấn đền Trần năm nay vẫn tái diễn cảnh tranh cướp... Từ những tích trò được diễn xướng linh thiêng, lành mạnh mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục, do người dân sáng tạo dựa trên những truyền tích lịch sử cao đẹp, nay đang nhuốm màu trần tục, xô bồ. Những biểu tượng tín ngưỡng, tâm linh trong lễ hội đang được chuyển ra đời thực với kì vọng cầu tiền tài, danh lợi và niềm tin đã được chuyển thành mê tín.
Tranh cướp ở lễ phát ấn đền Trần, Nam Định

Mọi lễ hội truyền thống đều do người dân tạo dựng dựa trên thực tiễn cuộc sống đấu tranh với thiên tai, địch họa, xây dựng đất nước. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và nền văn minh nhân loại, việc duy trì lễ hội ngày nay cần hướng tới sự chọn lọc và sáng tạo mới. Liệu có thể tìm được nét đẹp, tính nhân văn, văn hóa của hình ảnh phanh thân xả chém con lợn giữa sân đình rồi tranh nhau quệt tiền máu lấy may? Hay hình ảnh con trâu “đầu cơ nghiệp” được buộc bên cây cột để một thanh niên khỏe mạnh đâm đổ gục, tuôn trào máu đỏ trong sự reo hò hưởng ứng của đám đông? Là sản phẩm từ sự tạo dựng của người dân nên lễ hội dân gian không phải là thứ bất biến, không thể thay đổi. Cùng với tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư sở hữu lễ hội loại trừ yếu tố mê tín, tiêu cực, lãng phí, nên chăng ngành văn hóa cần đầu tư phục dựng và làm mới các lễ hội, nhất là những lễ hội đang gây nên nhiều dư luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng giữ nguyên trạng tục tích lễ hội cổ (cả những hạn chế về tính nhân văn) là bảo tồn truyền thống, chỉ là ngụy biện. Mọi hoạt động văn hóa trước tiên cho tới cuối cùng đều phải hướng tới cái đẹp, nhân văn, góp phần giáo dục đạo đức xã hội.

Bức biếm họa của tác giả LEO (Lê Phương) tả cảnh người đi đến hai lễ hội để lại nhiều điều đáng suy ngẫm: Trên ngã ba đường đến hai lễ hội, một rẽ trái đi tranh ấn thăng quan (đền Trần, Nam Định), một rẽ phải đi lễ Minh Thề (thề không tham nhũng ở Kiến Thụy, Hải Phòng). Hướng đi tranh ấn thì nườm nượp ô-tô, xe máy đủ loại nối đuôi nhau. Hướng đi Minh Thề tịnh chẳng thấy một bóng người! Nếu ví trục đường trên như dòng chảy văn hóa thì tới ngã ba này nó đã chia hai dòng trong, đục rõ ràng. Bức tranh đã nói lên phần nào thực trạng không vui của lễ hội hiện nay.


Đã đến lúc cần gạn đục, khơi trong, trả lễ hội dân gian truyền thống về đúng giá trị đích thực như cha ông ta từng mong đợi.
(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 23/2/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét