Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

“Hết thuốc chữa” vì tin lang vườn
Cập nhật lúc 15:13    

Với quan niệm thuốc Đông y (thuốc Nam, thuốc Bắc) là từ cây cỏ thiên nhiên nên an toàn khi sử dụng và tốt cho sức khỏe nên nhiều người đã sử dụng mà không có kiến thức về các bài thuốc vị thuốc. Nhiều người đã từ chối lời khuyên của thầy thuốc được đào tạo bài bản mà chạy theo những lời đồn thổi đầy ma lực của các lang vườn để chữa bệnh. Kết quả là, sau khi đi “vái tứ phương” nhờ các ông lang bà mế, bệnh nhân trở về bệnh viện với những biến chứng nặng “hết thuốc chữa”.
Suy thận từ độ 2 lên độ 4 vì thuốc của lang vườn
Điển hình là trường hợp của anh Đặng Văn N. (31 tuổi, ở Hùng Đức, Hàm Yên, Tuyên Quang) hiện đang được điều trị tại Khoa Nội thận khớp, BVĐK tỉnh Tuyên Quang. Anh N. buồn rầu cho biết, anh được chẩn đoán suy thận độ 2 tại BVĐK huyện Hàm Yên từ tháng 7/2015, các bác sĩ BV huyện đã tư vấn anh điều trị tại BV, nhưng vì nghe có người mách thầy lang gần nhà chữa được bệnh suy thận nên anh đã phớt lờ lời khuyên của thầy thuốc mà tự bốc thuốc Nam về điều trị. Anh N. chia sẻ: “Thầy bảo, thuốc của thầy chữa được suy thận độ 8 chứ độ 2 đã là cái gì?!”. Kết quả sau 4 tháng dùng thuốc, người mệt mỏi, khám tại BV tỉnh thì suy thận đã sang giai đoạn cuối (độ 4). Hiện phải chạy thận cấp cứu vì thận không lọc được chất độc trong máu. Cũng giống anh N., bà Ng. D. (58 tuổi, ở TP. Tuyên Quang) bị tiểu đường týp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi và viêm mô tế bào ngón chân nhưng chưa có loét. Vì nghe người quen mách bốc thuốc về đắp sẽ khỏi, nhưng khỏi đâu chữa thấy mà bà phải đến viện để tháo bỏ ngón chân hoại tử.
 
Ngón chân bệnh nhân bị hoại tử vì sử dụng thuốc của thầy lang.    Ảnh: BVCC
Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cũng thường xuyên phải “chữa cháy” vì những hậu quả mà các lang vườn để lại. Đó là trường hợp của chị Vũ Thị H. (31 tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên) nhập viện cấp cứu vì dị ứng thuốc nặng. Chị H. cho biết, thấy nóng trong người, chị H. đã đến nhà một thầy lang gần nhà và được cho thuốc dạng cao để uống và bôi giải độc. Sau khi sử dụng thuốc, mặt chị H. sưng vù, mụn mọc dày đặc hai bên má, mắt sưng to khó chịu, ban đỏ toàn thân, đặc biệt là hai chân...
Trước đó, trung tâm này cũng đã tiếp nhận một số trường hợp dị ứng thuốc Nam khá nặng sau khi “cắt thuốc” tại nhà thầy lang uống để chữa bệnh khớp, táo bón...
Cẩn thận chưa bao giờ thừa
Theo thống kê tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang, BV đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân gặp các hình thái ngộ độc do lạm dụng thuốc Đông y với nhiều hình thái khác nhau. Chủ yếu là người dân mách nhau sử dụng hoặc đi bốc thuốc từ các “ông lang vườn”. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh nhân xơ gan và chảy máu dạ dày tại Khoa Nội tiêu hóa của BV này rất cao, có một đặc điểm chung là trước đó bệnh nhân tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc liên tục và trong thời gian dài. Tại Khoa Nội thận khớp của BV, các bác sĩ cũng nhận định gần như tất cả các bệnh nhân suy thận phải chạy thận lọc máu cũng đều có thời gian dùng thuốc Nam kéo dài. Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, nguồn dược liệu trong nước giảm, tỷ lệ thuốc nhập từ Trung Quốc về luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường... Do đó, khi người bệnh muốn sử dụng thuốc Đông y, nên được khám bởi thầy thuốc chuyên khoa y học dân tộc được đào tạo bài bản, nguồn gốc thuốc rõ ràng, chất lượng thuốc đảm bảo về màu sắc, thành phần, theo các bài thuốc gia giảm phù hợp. Còn dưới góc độc chuyên gia hàng đầu về dị ứng miễn dịch, PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai lo ngại, tình trạng dị ứng thuốc Nam xuất hiện ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đến nay chưa có loại máy móc nào có thể phân tích hết các thành phần dược chất của một chén thuốc Nam để tìm ra đích danh thủ phạm gây dị ứng. TS. Đoàn cảnh báo, dị ứng thuốc Nam thường rất nặng vì bệnh nhân không chỉ có các biểu hiện ngoài da mà nhiều trường hợp còn tổn thương gan, thận, suy đa tạng có thể dẫn đến tử vong.
(Theo SK & ĐS) Hồng Nguyên - Hữu Chức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét