Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

22:00

Thảm án ngày giáp Tết và nỗi ám ảnh của vị thẩm phán


Gần 30 năm trong ngành, từng ngồi xét xử hàng trăm vụ án nghiêm trọng, nhưng vị thẩm phán bảo vẫn bị ám ảnh về tội ác của một nghịch tử từ hơn chục năm trước.

"Vụ án xảy ra vào những ngày giáp Tết 2000. Ngay lúc công an phát hiện, chúng tôi đã rất quan tâm bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, xét xử, trực tiếp thi hành án tử hình và thậm chí cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể lý giải vì sao anh ta có thể ra tay tàn ác như vậy với những người thân của mình", thẩm phán Vương Văn Nghĩa (TAND TP HCM) mở đầu câu chuyện.
Lật trang hồ sơ đã úa vàng, ông kể, thời điểm đó nhà nhà đang sắm sửa chuẩn bị chào đón năm mới thì con hẻm nhỏ trên đường Bình Giã (phường 13, quận Tân Bình, TP HCM) bỗng ồn ào. Công an đến xem xét căn nhà của vợ chồng ông Thiếp, cán bộ hưu trí sống cùng hai con trai. Hàng xóm thường ngày vẫn thấy ông bà qua lại nhưng nhiều hôm rồi căn nhà vắng lặng một cách bất thường, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra.
Không có người trong nhà, lực lượng chức năng đã phải niêm phong, ra thông báo mời chủ nhà lên công an phường làm việc. Ít giờ sau, Nguyễn Minh Thuận (con trai lớn của ông Thiếp) tìm đến hoạch hoẹ lý do niêm phong nhà. Biết công an tình nghi có điều bất thường, anh này bảo rằng cha mẹ và em trai đã đến nhà bà con chơi, còn mùi hôi kia là do con chó bị chết nhưng đã đem vứt xác từ lâu.
Nhận thấy có dấu hiệu bất thường trong lời biện minh của Thuận, công an yêu cầu khám xét nhà. Thuận lớn tiếng đòi chính quyền phải ký cam kết nếu không có gì mờ ám sẽ phải bồi thường cho Thuận. Song, cơ quan chức năng sau đó đã khai quật chiếc hố vừa được lấp giữa nhà Thuận, phát hiện xác cha mẹ và em trai của Thuận nằm chồng lên nhau.
Quá trình điều tra Thuận khai, mẹ bị tai biến liệt nửa người nên anh ta và Hoà, em trai, phải thay phiên chăm sóc. Đầu năm 2000, cha Thuận về quê Bình Định làm thủ tục chuyển hồ sơ hưu trí cho hai vợ chồng vào TP HCM. Tối 19/1/2000, đang xem tivi thì mẹ muốn đi vệ sinh nên Hoà đưa đi, nhưng chẳng may làm bà ngã trong nhà tắm.
Thuận lớn tiếng chửi em dù người mẹ bảo không sao. Xô xát xảy ra, Thuận vớ cây gỗ phang vào đầu và mặt Hoà khiến em trai gục chết. Mẹ hắn lập cập đi lên, hét lớn "Sao mày giết em?” rồi vì quá uất nên đã tự lao đầu vào tường chết. Thuận lấy chăn quấn xác mẹ và em đặt dưới gầm giường, lau dọn nhà cửa rồi bỏ đi nhậu.
Ba ngày sau cha Thuận từ quê vào, hắn nói dối Hoà chở mẹ đi Hóc Môn thăm dì. Khi ông Thiếp nằm nghỉ ngơi, Thuận bước đến quỳ lạy cha và thú nhận đã lỡ tay giết em, mẹ buồn quá nên tự tử để nhờ ông che giấu tội lỗi. Nhưng sau khi nghe xong, cha Thuận quá uất ức mà đập đầu vào thành giường chết. Thuận cũng lấy chăn quấn xác cha để cạnh mẹ và em trai, lấy nước hoa xịt cho át mùi hôi và nghĩ cách phi tang. Hắn thuê người đào hố giữa nhà bảo rằng để chứa nước rồi ban đêm đưa thi thể người thân xuống dưới, lấp lại.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng chính Thuận là người đã giết em và cha mẹ, hoàn toàn không có chuyện ông bà Thiếp tự tử. Suốt thời gian dài nghiên cứu hồ sơ vụ án, thẩm phán Nghĩa đã cố tìm căn cứ khác vì thật khó tin người ta có thể ra tay tàn độc như vậy với ruột thịt. Nhất là với Thuận, một người có ăn học, được nuôi dạy trong gia đình có nề nếp và từng được rèn luyện trong môi trường quân đội. Cha mẹ anh ta khi đặt tên cho các con là Thuận - Hoà chắc cũng mong muốn những núm ruột của mình sẽ yêu thương, đùm bọc nhau. Vậy mà chỉ vì em lỡ làm ngã mẹ mà Thuận xuống tay giết em. Tức giận vì bị mẹ la mắng, hắn đã giết luôn bà rồi sát hại luôn cả cha vì không giúp mình bao che tội lỗi.
"Tôi đã cố tìm lời giải đáp về động cơ, mục đích phạm tội khác của hung thủ nhưng đành bất lực", vị thẩm phán nhớ lại.
Theo ông, một người khoẻ mạnh muốn tự tử bằng cách lao đầu vào tường thì dù có đập hết sức cũng khó chết. Đằng này, mẹ Thuận đi lại còn phải có người dìu thì không thể tự đập vỡ đầu được. Mặt khác, giám định tử thi cho thấy hộp sọ nạn nhân bị vỡ trên đỉnh đầu thì phải do bị đánh bằng vật cứng theo hướng từ trên xuống. Ông Thiếp bị vỡ sọ nhưng vết thương lại ngược phía với lời khai của Thuận là do ông tự bật ngửa, đập đầu vào tường và thành giường mà chết. Điều này chứng tỏ lúc đó ông Thiếp quay đầu vào vách, từ phía sau Thuận đã dùng cây đập vào đầu cha.
Cuối tháng 9/2000, vụ án được TAND TP HCM đưa ra xét xử. "HĐXX một lần nữa muốn làm rõ động cơ gây án, nhưng chỉ nhận được sự dửng dưng, bình thản đến khó tin của bị cáo. Nhưng dù với mục đích, động cơ gì chăng nữa cũng không thể biện minh cho hành vi dã man, tàn bạo, mất hết tính người của anh ta", vị chủ toạ năm xưa nhấn mạnh. Bản án tử hình mà toà sơ thẩm đã tuyên cho Thuận cũng được Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM giữ nguyên.
Sau đó không lâu thẩm phán Vương Văn Nghĩa được phân công làm chủ tịch Hội đồng thi hành án 2 tử tội. Một thoáng băn khoăn khi ông nhìn thấy tên của Thuận trong danh sách đền tội lần này. Ông bảo, dù luật không cấm thẩm phán đã tuyên án tử hình bị cáo làm chủ tịch Hội đồng thi hành án, nhưng không ai muốn vừa tuyên tước đi quyền sống của người ta vừa đi thi hành bản án ấy. Ông có thể từ chối nhiệm vụ này, nhưng tội ác của Thuận cứ làm ông day dứt mãi. Vị thẩm phán muốn biết đến giây phút cuối của cuộc đời anh ta có ăn năn hối hận? Hay trong lời nói cuối cùng của tử tội sẽ khiến ông "giải mã" được động cơ gây án của hắn? Vì vậy ông vẫn thực thi trách nhiệm được giao.
"Anh ta nhìn chăm chăm khi chúng tôi bước vào khu làm thủ tục, vẫn vẻ bình thản và ánh mắt xám lạnh. Thuận không nói lời sau cùng, không ăn bữa cuối trước khi ra pháp trường và cũng không hề tỏ vẻ run sợ hay bất kỳ thái độ ăn năn nào. Đến tận bây giờ tôi vẫn thấy lạnh người khi nghĩ đến tội ác của anh ta", thẩm phán Nghĩa chia sẻ.
(VnExpress) Vũ Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét