Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Người tố sai phạm metro Hà Nội làm viên chức

 

Người tố sai phạm metro làm viên chức: Điều không bình thường...

Cập nhật lúc 09:18     

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu không bảo vệ được người tố cáo thì không còn ai dám đứng ra tố cáo tiêu cực nữa.

Trường hợp ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), người đã ròng rã 6 năm tố cáo những sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội từ chối quyết định làm viên chức văn phòng theo phân công của MRB đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lý do là vì trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra, trong đó xác định nhiều nội dung ông Bình tố cáo là có cơ sở. Thế nhưng, sau đó ông Lương Xuân Bình bị điều động công việc, làm giảm thu nhập và bị kỷ luật.

 Nguoi to sai pham metro lam vien chuc: Dieu khong binh thuong...

Nguyện vọng của ông Lương Xuân Bình là muốn được đối xử công bằng. Ảnh: Tiền phong

Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, Luật Tố cáo sửa đổi 2018 có nội dung Bảo vệ người tố cáo. Trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, đồng thời phải bảo vệ vị trí công tác, viện làm của người tố cáo. Nếu ai để lộ lọt thông tin người tố cáo đến người bị tố cáo, để người bị tố cáo phát hiện, từ đó trù dập, xử lý đối với người tố cáo là vi phạm pháp luật.

Việc xảy ra đối với ông Lương Xuân Bình, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng có điều không bình thường. 

"Tại sao thông tin cá nhân, nội dung tố cáo của người tố cáo lại bị lộ lọt? Nếu ông Bình tự tiết lộ thì không nói làm gì, còn nếu thực sự có chuyện bị lộ lọt thì cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn, ai là người để lộ lọt thông tin cho người bị tố cáo biết, từ đó có thể xử lý trách nhiệm, thậm chí nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật cũng đã quy định phải bảo vệ người tố cáo, thậm chí bảo vệ thân nhân của người tố cáo. Nếu thân nhân người tố cáo bị đe dọa tính mạng, nhân phẩm, sức khỏe và tài sản thì cơ quan công an, chính quyền địa phương có trách nhiệm phân công cử người bảo vệ để không xảy ra tình trạng đáng tiếc.

Tất cả những quy định ấy rất rõ ràng, và trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải vào cuộc bảo vệ người tố cáo. Nếu người tố cáo không được bảo vệ thì còn ai dám đứng lên đứng tố cáo những tiêu cực trong xã hội, mà như vậy công tác chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng sẽ bị vô hiệu hóa", vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nguyên nhân ông Lương Xuân Bình bị điều động công việc, đưa vào diện dôi dư để đưa ra khỏi biên chế làm việc, bị giảm thu nhập, hay bị lỷ luật... đều cần phải  làm rõ xem có phải là nhằm mục đích trù dập hay không?

Luật nghiêm cấm trù dập người tố cáo, do đó, trách nhiệm của thanh tra Nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan công an phải làm rõ, bảo vệ ông Lương Xuân Bình, đồng thời xử nghiêm hành vi trù dập người tố cáo.

Liên quan đến trường hợp của ông Lương Xuân Bình, trước đó, TTCP đã đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo MRB tạm đình chỉ thi hành các quyết định, văn bản “trù dập” ông Bình và phục hồi đúng vị trí việc làm của ông; xem xét chi trả đầy đủ các khoản lương, thưởng, đảm bảo thu nhập cho ông và gia đình.

TTCP cũng đề nghị đánh giá lại việc không bổ nhiệm ông Bình làm Phó ban MRB chỉ vì chưa đủ phiếu tín nhiệm. Lý do, thời điểm lấy phiếu, pháp luật quy định việc này chỉ để tham khảo và việc không bổ nhiệm lại không phải là hình thức kỷ luật.

Ngoài ra, TTCP yêu cầu MRB chấm dứt, không được phép có bất cứ hành vi trù dập, kỳ thị, phân biệt, đối xử bất công đối với ông Lương Xuân Bình đồng thời tổ chức xin lỗi công khai với ông.

Từng chia sẻ trên báo chí vào cuối năm 2020, ông Lương Xuân Bình cho biết, mục đích cuối cùng những việc làm của ông vẫn là sự thượng tôn pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà nước, bảo vệ tiền thuế của nhân dân.

Ông Bình cho rằng, lẽ ra, những sai phạm đã được ngăn chặn từ rất sớm, nhưng đến nay đã 6 năm trôi qua, khiến ông và gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ cả tinh thần và vật chất.

"Tôi luôn tin, sớm muộn gì điều đó cũng sẽ đến, tin mình sẽ được đối xử công bằng theo quy định của pháp luật. Để đi đến đích của việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà nước, tiền thuế của nhân dân, tôi hiểu rằng còn rất nhiều việc phải làm", ông Lương Xuân Bình chia sẻ trên Tiền phong.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Những người vi phạm qua tố cáo đã được xử lí. Tuy nhiên, họ còn những “ông anh” thân tín mà họ đã cung phụng đương chức ở trên. Hành động của ông LX Bình cũng như “đánh chó không ngó mặt chủ”. Do vậy, người chống tiêu cực, tham nhũng rất khó được bảo vệ theo đúng nghĩa.

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét