Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Cắt cũ, “mọc” mới

 

Cắt cũ, “mọc” mới

Cập nhật lúc 16:14  

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phổ thông công lập. Theo đó giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Trước đó khi “giấy phép con” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được loại bỏ khiến đội ngũ thầy cô quá đỗi vui mừng. Một loại chứng chỉ “chẳng để làm gì” nhưng “không có không xong” cuối cùng đã được cắt bỏ. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” bởi cái chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trên cũng chẳng khác những “giấy phép con” mới.

Rất nhạy bén trước tình hình, thông báo quảng cáo mở các lớp bồi dưỡng giữ hạng chức danh nghề nghiệp của các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nhanh chóng hướng tới các giáo viên. Với thời gian từ 5 ngày đến một tuần học trực tiếp hoặc online, học phí dao động từ 2,5-3 triệu đồng/khóa là có tấm chứng chỉ.

Với những giáo viên đã 10-20 năm đứng lớp, kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng chắc đã đủ để hành nghề, vậy dăm bảy ngày học để có cái chứng chỉ “dán lên ngực” liệu có nâng cao thêm năng lực, trình độ?

Nội dung và thời gian ngắn ngủi đã có thể hoàn thành chứng chỉ, vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không hướng dẫn rồi cho phép các địa phương tự tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho giáo viên? Sao để họ “thân ai tự lo”, tốn kém tiền bạc? Một điều ai cũng nhận ra, quy định trên mang lại lợi ích không nhỏ cho những đơn vị mở lớp dạy và cấp chứng chỉ.

Được biết, quy định tại các thông tư nêu trên có căn cứ theo luật và nghị định của Chính phủ. Cụ thể, Luật Viên chức (số 58/2010/QH12) năm 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng. Còn Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Pháp luật là ý chí chủ quan do con người đề ra vận dụng vào cuộc sống. Khi nó phù hợp, tiến bộ sẽ giúp cho vận hành thuận lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển. Chính vì vậy hệ thống pháp luật luôn được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, không bất biến. Những điều luật được ban hành cách đây 5-10 năm, nay mới có thông tư hướng dẫn thì không thể cứ “nhắm mắt” chẳng tính đến sự phù hợp, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão hiện nay.

Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thể chế kiến tạo, rà xét cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính… những lực cản của sự phát triển, ngành giáo dục không thể đứng ngoài.

Đừng để những chứng chỉ biến thành những “tấm bùa” lợi và hại. Lợi với ai không biết nhưng với đội ngũ giáo viên thì nó gây thiệt hại cả về tiền bạc và tinh thần./.

(Theo Tạp chí Người cao tuổi) Hoàng Đình Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét