Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Đánh rơi quyền lực

 

 Đánh rơi quyền lực

Cập nhật lúc 09:02     

 Ông X ở thôn nọ bỏ tiền ra xây dựng một khu vui chơi miễn phí.

Khu vui chơi có mô hình mới lạ, đa dạng và phong phú. Nơi mọi người tự do đến giao lưu, kết bạn, chia sẻ, tìm hiểu lẫn nhau, cùng nhau tạo ra những cuộc vui riêng… nên nó nhanh chóng thu hút dân làng.

 

Người chơi ngày một đông, ông X đã tranh thủ dựng lên các bảng quảng cáo để kiếm tiền. Mọi người thấy việc đó vô hại, đôi khi còn giúp cung cấp những thông tin có ích.

Dân làng kéo hết vào sân chơi, thấy lạ nên cả bí thư chi bộ, trưởng thôn… cuối cùng cũng gia nhập. Lúc này họ mới nhận ra, sân chơi này quả là hay và tiện lợi. Chính các lãnh đạo thôn cũng như được quảng bá hình ảnh. Có khối lão nông, thanh niên, trẻ em… chẳng biết mặt mũi, tên tuổi ông trưởng thôn. Họ chỉ biết khi các lãnh đạo vào cùng sân chơi, giao lưu, tương tác…

Để bảo đảm an toàn sân chơi ông X cũng đề ra các thể lệ để mọi người chấp hành. Thấy quy định của ông X không vi phạm lệ làng nên nó dễ dàng được tất thảy chấp nhận.

Rồi một ngày kia, vị trưởng thôn vô tình “phạm quy”, không thực hiện đúng thể lệ đã bị ông X mời ra khỏi cuộc chơi…

Trên đây chỉ là câu chuyện giả tưởng. Tuy vậy, nó đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump bị các hãng Facebook, Twitter… “đóng cửa” trên các ứng dụng của họ cũng giống việc ông trưởng thôn bị mời ra khỏi khu vui chơi.

Các trang mạng Facebook, Twitter, YouTube, Instagram… trên nền tảng Internet chỉ là các công cụ ứng dụng mang lại tiện ích cho người gia nhập, không phải phương tiện truyền thông nhưng nó đang “hớt tay trên” quyền lực từ báo chí.

Kinh tế báo chí đã được nhiều cơ quan báo chí chính thống chú trọng khai thác trong thời kì “hoàng kim” của báo viết. Những tờ như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, An ninh Thế giới… từng có những năm đạt tới đỉnh cao nguồn thu nhập không từ bán báo mà là quảng cáo.

Khi Internet xuất hiện, báo điện tử ra đời cũng là thời điểm chỉ dấu báo viết đã sang phía “dốc bên kia”. Dù có trong tay một “sân lớn” là báo điện tử song cả lãnh đạo các báo, nhà quản lí vẫn giữ tư duy truyền thống là thu hút độc giả bằng chất lượng nội dung và hình thức. Ít người thấy việc tạo ra những “sân chơi” trên tờ báo của mình là cần thiết và cấp bách. Sự chậm đổi mới, sáng tạo vô tình đã để các trang mạng dần chiếm mất các độc giả, kể cả những người trung thành nhất của mình.

Nhận ra sự lợi hại của trang mạng xã hội có quyền lực mạnh không kém báo chí nên cả Nga và Trung Quốc đã và đang âm thầm hỗ trợ phát triển các trang mạng riêng của quốc gia với mục tiêu không để quyền lực xã hội vuột khỏi tay mình. Tuy nhiên làm ra một cái mới hấp dẫn hơn cái mà đại đa số đang tận hưởng là vô cùng khó khăn.

Không chỉ báo chí cần thay đổi, tư duy nhà quản lí cũng cần thay đổi và có giải pháp hỗ trợ báo chí để kéo lại lượng độc giả đã và đang mất đi.

Cuối cùng, quyền lực báo chí chính là quyền lực của thể chế, vì nó được kiểm soát./.

Hoàng Đình Khải

(Theo Tạp chí Người cao tuổi số ra 19/01/2021)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét