Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Học hàm gắn trên bảng giá

 

Học hàm gắn trên bảng giá

Cập nhật lúc 10:11    

Nhà khoa học, nghệ sĩ… bằng sự nỗ lực học hỏi, tu luyện, cống hiến gặt hái thành tựu sẽ được vinh danh bằng các bậc học hàm, học vị, nghệ danh. Để có được những tước danh đích thực không bao gờ dễ dàng, có khi bằng cả cuộc đời, vì vậy danh hiệu là thứ vô giá.

Những danh vị không chỉ là sự ghi nhận công lao, đây cũng là cơ sở để Nhà nước có chính sách đãi ngộ xứng đáng với những người có đóng góp lớn cho cộng đồng. Xã hội cũng coi những người có danh vị là tấm gương để học tập, giáo dục con em noi theo trở thành những người thành đạt, có ích cho gia đình, xã hội. Từ đó có thể thấy rằng học hàm, học vị, nghệ danh là thứ cao sang, tôn quý, tuyệt nhiên không phải là hàng hóa.

Bệnh viện Bạch Mai được Nhà nước đầu tư lớn song cũng đã chuyển sang tự chủ tài chính

Vừa qua Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có một quyết định gây xôn xao dư luận. Hội đồng Quản lý của Bệnh viện này vừa thông qua Nghị quyết về giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, áp dụng từ 1/4 tới. Cụ thể, giá khám bệnh theo yêu cầu có 4 mức: Khám Giáo sư: 550.000 đồng; Khám Phó giáo sư: 450.000 đồng; Khám Tiến sĩ, BSCKII: 350.000 đồng; Khám Thạc sĩ, BSCKI: 250.000 đồng…

Vẫn biết rằng trong cơ chế thị trường, các bệnh viện tự chủ phải tìm mọi cách để khai thác hết tiềm lực, nâng cao lợi nhuận, song cái bảng giá trên không tránh khỏi đưa đến một cảm nhận về sự thương mại, thực dụng.

“Lương y như từ mẫu”, những lương y chân chính không lấy mục tiêu kiếm tiền là cao nhất mà là cứu người. Cách định giá như trên sẽ đưa đến xu hướng dồn những tinh hoa nghề y đến khu vực trả nhiều tiền. Trong khi thực tế đòi hỏi lại khác, những người có trình độ cao cần đến khu vực, những ca bệnh phức tạp, nguy hiểm, nơi mà chưa hẳn bệnh nhân là người giàu có. Và, rất có thể trong khi thừa những giáo sư, phó giáo sư khám cho người chỉ “hắt hơi, sổ mũi” thì những bác sĩ non nớt lại phải vật lộn cứu chữa ca bệnh thập tử nhất sinh.

Có lẽ chẳng thiếu cách để bệnh viện không cần gắn chức danh khoa học trên bảng giá một cách thô thiển. Thực tế nhiều bệnh viện đã làm, họ tập trung đội ngũ chất lượng cao vào các phòng, khoa riêng có mức giá cao cho người có nhu cầu. Thể chế thị trường buộc mọi người chấp nhận điều đó. Duy có điều cần nhớ, thể chế mà ta đang hướng tới là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cao đẹp.

Gắn học hàm vào bảng giá khám chữa bệnh còn khiến bệnh nhân cảm nhận mối quan hệ “tiền trao cháo múc”, làm giảm đi hình ảnh cao quý của người có danh vị khoa học. Cách làm này cũng thể hiện tư duy chưa thực sự tôn trọng nhân cách trong môi trường trí thức tinh hoa./.

(Theo Tạp chí Người cao tuổi) Hoàng Đình Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét