Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Hoãn sửa biểu giá điện bậc thang vì Covid: Căn cứ nào?

Cập nhật lúc 11:01   

Theo chuyên gia, điều cấp thiết lúc này là phải công khai kết quả thanh tra giá điện, từ đó mới có căn cứ để biết nên tăng hay giảm giá điện.  

Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng từ giữa năm 2019 và Bộ Công thương lấy ý kiến công khi cuối năm 2019.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội,  Bộ Công thương cho biết đã xin Thủ tướng lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi này trong thời điểm hiện nay khi Chính phủ và các bộ, ngành đang tập trung các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19.
Sau khi dịch được kiểm soát, Bộ Công thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện chia theo 6 bậc thang, áp dụng từ năm 2014, đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Việc lùi thời gian sửa biểu giá tới sau khi dịch Covid-19 kết thúc đồng nghĩa những bất hợp lý của biểu giá hiện hành vẫn kéo dài, gây thiệt hại cho một bộ phận người tiêu dùng.             
Trao đổi với Đất Việt, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, kiến nghị của Bộ Công thương không có nhiều ý nghĩa, bởi xét cho cùng, giá điện tăng giảm thế nào cũng phải làm rõ cách thức phân bổ chi phí và minh bạch hóa chi phí trong cơ cấu giá điện.
Ông nhắc lại sự việc năm 2019, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra giá điện, phương pháp tính giá, việc thu tiền điện...
"Cho đến nay, Thanh tra đã công bố kết quả thanh tra giá điện chưa? Có vấn đề gì xảy ra? Con số thực sự lỗ, lãi của EVN thế nào, con số hiện nay có hợp lý hay không? Đầu vào thế nào? Có lỗi hay không?
Nếu các con số theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là hợp lý thì việc EVN nỗ lực để giảm giá điện cho mọi người cần được tôn trọng và đánh giá cao. Ngược lại, nếu có sự thiếu minh bạch, sai trái trong vấn đề giá điện thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là cần siết lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trong trường hợp Thanh tra Chính phủ chưa công bố kết quả thanh tra giá điện thì chúng ta không còn gì bàn ở đây nữa, nhưng phải làm rõ tại sao chưa công bố? Vướng ở đâu?...


TP.HCM kiến nghị dừng áp dụng cách tính giá điện bậc thang đến khi công bố hết dịch Covid-19

Đó mới là vấn đề quan trọng và cấp thiết, còn bây giờ dẫu có bàn chuyện tăng hay giảm giá điện thì cũng không có căn cứ gì để nói tăng, giảm bao nhiêu là hợp lý.
Chúng ta không thể đòi hỏi giá xăng giảm một nửa thì giá điện cũng phải giảm tương xứng, nó không thể hiện bản chất vấn đề sản xuất điện năng, các chi phí đầu vào và chi phí trong quá trình sản xuất", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh nêu vấn đề.
Trong khi đó, không đề cập đến vấn đề chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lưu ý rằng, từ trước đến nay, nguyên tắc lựa chọn cán bộ của ta là chọn người có đức (có tâm) và có tài. Người làm công tác quản lý có tâm, có tài sẽ đề xuất được phương án tính giá điện có lợi cho người dân.
Giảm theo đối tượng hay miễn toàn bộ?
Trong khi Bộ Công thương xin hoãn sửa biểu giá điện thì mới đây, tại buổi làm việc trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam.
Bình luận về đề xuất của TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho hay, dịch bệnh Covid-19 khiến tất cả các doanh nghiệp và cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều người dân chưa tìm được việc làm, doanh nghiệp nhỏ phải ngưng sản xuất... Nếu giữ giá điện như cũ thì đời sống người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi chậm hơn.
Bởi vậy, theo ông Ninh, đứng về phương diện sản xuất, thu nhập của toàn xã hội, nếu Chính phủ, TP.HCM còn khả năng chịu đựng được thì nên tiếp tục giảm 10% giá điện cho đến khi kinh tế phục hồi, tăng trưởng như dự kiến. Đến khi đó, giá điện khôi phục lại như ban đầu cũng chưa muộn.
Về đề xuất tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chia sẻ quan điểm, đối với những gia đình khó khăn thì nên bỏ bậc thang giá điện, còn đối với gia đình khá giả, tầng lớp thượng lưu thì vẫn để bậc thang giá điện theo đúng nguyên tắc dùng nhiều điện thì phải trả nhiều tiền.
"Hiện nay, thu nhập của người dân còn hạn chế do đó cần tiếp tục giảm giá điện cho những hộ gia đình khó khăn, còn với những gia đình khá giả, chừng ấy tiền điện không ăn nhằm gì với họ.
Do đó, nếu muốn tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện thì cũng không nên thực hiện một cách chung chung mà nên quy định cụ thể đối tượng nào áp dụng, đối tượng nào không. Các phường, tổ dân phố nắm rõ được gia định nào khá giả, gia đình nào khó khăn, căn cứ vào thực tiễn đó báo cáo để có giải pháp thực sự vì dân, vì nước", ông Ninh nói.
Cũng cho ý kiến về đề xuất tiếp tục giảm giá điện, TS Hà Đăng Sơn chia sẻ, ở góc độ người tiêu dùng, ông đề nghị miễn hoàn toàn tiền điện cho người dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch.
"Như vậy, tiết kiệm được thời gian tính toán, điều tra thiệt hại của doanh nghiệp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, của người dân như thế nào. Thay vì mất thời gian vào những việc đó, Chính phủ có thể cân đối một khoản nào đó để EVN không cần thu tiền điện của người tiêu dùng", ông Sơn nói.

Trao đổi kiến nghị của TP.HCM, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công thương đã có hướng dẫn giảm giá điện và giảm tiền điện 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020) cho các khách hàng là người dân, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch và cả các cơ sở tham gia công tác phòng, chống, chữa trị dịch bệnh Covid-19.
Dự kiến mức hỗ trợ được tính vào hóa đơn của tháng 5, 6 và 7, tổng giá trị tạm tính 11.000 tỷ đồng.
Theo ông Hải, đến hết 3 tháng hỗ trợ, tùy theo tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế nói chung, Bộ Công thương sẽ rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét việc có hỗ trợ thêm hay không.
Liên quan đến kiến nghị của TP.HCM về việc tạm dừng tính giá điện theo bậc thang, ông Hải cho biết điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Do đây là năng lượng không được tái tạo nên đòi hỏi việc sử dụng phải tiết kiệm.
Hiện giá điện tính đối với cơ sở sản xuất chỉ có một bậc, giá điện 6 bậc thang chỉ áp dụng cho hộ tiêu dùng riêng lẻ. Bộ Công thương đang xây dựng phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt theo 5 bậc và gửi lấy ý kiến các địa phương, cơ quan liên quan.
Bộ Công thương tiếp tục tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét, quyết định
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét