Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

 Thuế nào thay thế?
Cập nhật lúc 11:00

Câu chuyện Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với mặt hàng xăng dầu lên 8.000 đồng/lít, dường như chưa nguôi dư luận trái chiều, dù cuối cùng mọi người đã biết, tăng thuế BVMT không chỉ vì riêng vấn đề môi trường, mà còn là nguồn thu ngân sách.
Lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đang ngày càng đến gần. Rất nhiều loại thuế phải cắt giảm về mức 0%, trong đó có thuế xuất nhập khẩu xăng dầu, nguồn lực chủ yếu của thu ngân sách trong nhiều năm qua. Có lẽ vì nhiều năm nguồn thu này giữ vai trò chủ lực của ngân sách Nhà nước nên đã định hình vào tư duy của cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm về lĩnh vực này. Và nay thuế "kia" không còn thì phải có loại thuế "nào đó" thay thế, chứ chẳng lẽ để giá xăng dầu xuống quá thấp, ngân sách bị thất thu? Vấn đề nóng môi trường là cái cớ không gì hay hơn để đặt cái "gánh trách nhiệm" lên vai "anh" xăng dầu!

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả khói đen gây ô nhiễm môi trường bị người dân phản ứng.
Sử dụng xăng dầu gây ô nhiễm thì phải đóng thuế môi trường, đó là chuyện đương nhiên. Vấn đề là mức thuế đó đến đâu là phù hợp mà thôi. Hiện xăng dầu đã chịu mức thuế BVMT tới 4.000 đồng/lít, tức là đã chiếm chừng 30% giá thành của mặt hàng này. Khi tăng lên 8.000 đồng/lít thì thuế BVMT sẽ chiếm trên 50% giá thành mặt hàng xăng dầu. Không biết trên thị trường và trong sản xuất hiện có mặt hàng, ngành nào mà thuế BVMT lên tới 30-50%?
Việt Nam là địa chỉ thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư ngày càng tăng. Lực hút đầu tư ngoài tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, nhất là lao động giá rẻ ra còn một nguyên nhân khác, khiến sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chi phí không cao, đó là chi bảo vệ môi trường thấp. Hãy nhìn những nguồn phát thải "đầu ra" của các khu công nghiệp, với đa dạng màu sắc đen đỏ đổ vào những dòng sông, thì sẽ biết chi phí xử lí môi trường của các doanh nghiệp hiện nay là cao hay thấp!

Đầu ra khi sản xuất của một Nhà máy  

Thủ phạm gây ô nhiễm môi trường hiện nay đâu chỉ có xăng dầu? Các doanh nghiệp khai khoáng (đặc biệt là than); doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng hóa chất trong sản xuất; doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi; doanh nghiệp lĩnh vực dệt, nhuộm, giấy, kể cả các doanh nghiệp chỉ đơn thuần lắp ráp như điện tử, ô tô v.v và v.v, tất thay đều đưa đến một "đầu ra" khi sản xuất, "đầu ra" của tiêu dùng là gây ô nhiễm môi trường không nhỏ. Thử hỏi sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trên chịu bao nhiêu % đóng góp vào thuế BVMT? có sản phẩm nào tới 30% như xăng dầu?
Để thực sự quan tâm cho vấn đề môi trường, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách, thiết nghĩ cơ quan làm chính sách cần mở rộng hơn tầm nhìn và bảo đảm sự bền vững cho nguồn thu thông qua rà soát lại mức thuế bảo vệ môi trường với tất cả các ngành nghề, các doanh nghiệp. Trên cơ sở mức độ gây ô nhiễm môi trường của từng ngành nghề, từng loại hình doanh nghiệp để áp mức thuế cho phù hợp, bảo đảm "tính đúng, tính đủ" để thu về ngân sách và chi xứng đáng cho sự nghiệp BVMT. Không thể để mãi tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường như đang "nhởn nhơ", hồn nhiên phá hoại môi trường sống thu về lợi nhuận riêng!
(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét