Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Quỹ bảo trì đường bộ dân không biết rơi vào đâu

Cập nhật lúc 07:51  

 Chi phí bảo trì đường bộ đã tăng gấp hơn 6 lần so với khi chưa có Quỹ Bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, công tác bảo trì vẫn bất cập, trên nhiều tuyến, tình trạng rác thải vẫn tràn lan. Nhiều đề nghị yêu cầu công khai khoản chi quỹ nhưng cơ quan chức năng mới chỉ công bố trên kênh thông tin chuyên ngành.
Dân đã đóng quỹ bảo trì qua đầu phương tiện nhưng QL 1A vẫn nhiều rác thải, đất đá. Ảnh: Sỹ Lực 
Dân đã đóng quỹ bảo trì qua đầu phương tiện nhưng QL 1A vẫn nhiều rác thải, đất đá. Ảnh: Sỹ Lực

Đường lổn nhổn đất đá, xe chạy lấn làn
Vừa qua, phóng viên Tiền Phong ghi nhận tình trạng rác thải, đất đá, vật liệu xây dựng vương vãi trên làn đường trong cùng của QL 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa (từ Khu kinh tế Nghi Sơn đến thành phố Thanh Hóa). 
Tình trạng ô tô dừng đỗ, rửa xe, hàn xì, biến lòng đường thành nơi thi công các cấu kiện xây dựng diễn ra phổ biến. Ở dải phân cách giữa, đất, rác sinh hoạt dồn ứ. Các cọc gỗ, tấm ván được người dân gắn vào dải phân cách để trèo qua đường nhiều ngày không được tháo dỡ.
Đừng để người dân đóng phí mà không biết phí rơi vào đâu, nằm ở chỗ nào”.

Bộ trưởng GTVT 
Trương Quang Nghĩa
Ngay sau đó, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo xử lý sự việc. Với vai trò đại diện cơ quan quản lý nhà nước về bảo trì đường bộ trực tiếp tại địa bàn, ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II khẳng định: “Nếu đường tiếp tục bẩn, không được báo cáo, xử lý kịp thời sẽ kiến nghị Tổng cục đường bộ cách chức chi cục trưởng đường bộ quản lý cung đường”.
   
Tuy nhiên, tình hình tương tự cũng xuất hiện trên nhiều đoạn tuyến khác. Hết địa phận tỉnh Thanh Hóa, trên QL 1A thuộc địa phận Ninh Bình, nhiều đoạn lại xuất hiện tình trạng bụi, đất màu đen như vãi bên lề và dải phân cách giữa. 
Vì mặt đường bẩn nên xe máy không đi vào vệ đường, lấn sang làn ô tô làm giảm tốc độ lưu thông (hiện đã nâng tốc độ tối đa lên 90 km/h), phát sinh nguy cơ tai nạn trên tuyến đường QL 1A vừa được đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Công nhân quét đường lương thấp hơn ô sin
Quỹ Bảo trì đường bộ (thông qua việc đóng góp của chủ phương tiện ô tô và vốn cấp của ngân sách) năm 2015 đã đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 6 lần thời điểm trước khi có quỹ bảo trì đường bộ (năm 2011 là 1.600 tỷ đồng). 
Trong khi đó, ông Trần Tiến Mạnh, Giám đốc Cty Quản lý và xây dựng đường bộ 472 (nhận thầu bảo dưỡng QL 1A đoạn qua tỉnh Thanh Hóa) cho hay: Trước đây, để thực hiện bảo dưỡng thường xuyên trên QL 1A, 1 km được giao khoán 50 triệu đồng/năm; hiện nay, mỗi kilômét được 25 triệu đồng/km/năm, tương đương hơn 2 triệu đồng/tháng. Nếu bố trí một công nhân đảm nhận 1 km, người này phải quét đường trên diện tích 22.000 m2.
“Trừ chi phí quản lý, chúng tôi chỉ trả được cho công nhân 1,8 triệu đồng/tháng; không bằng công của ô sin, mà công việc nguy hiểm, vất vả hơn nhiều” – ông Mạnh nói. Ông Mạnh cho hay, dù công ty đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy quét đường nhưng số tiền nhận khoán không đủ để đổ dầu. Ngoài ra, theo ông Mạnh, QL 1A hiện như phố, dân vứt rác ra đường, công trường nhà máy liên tục kéo đất đá ra lòng đường, công nhân dọn đường làm không xuể.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ) xác nhận: Để đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật bảo dưỡng đường bộ thường xuyên hiện hành cần có 150 - 180 triệu đồng/km/năm. Mức giao thầu 25 triệu đồng/năm là thiếu. 
“Với mức giao thầu 25 triệu/km/năm, Tổng cục Đường bộ đã giảm các tiêu chí bảo trì. Chẳng hạn, về quét đường, các công ty bảo trì phải quét đường 1 tuần/lần, không phải quét hằng ngày. Tuy nhiên, tiêu chí mặt đường sạch rác, đất đá vẫn phải đảm bảo” - ông Điệp lý giải. Tuy nhiên, ông này hứa sẽ chấn chỉnh công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện bảo dưỡng đường.
Cần công khai rộng rãi chi tiêu của quỹ
Tại cuộc họp của Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương diễn ra mới đây, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu thực hiện tốt công tác minh bạch trong thu, chi Quỹ bảo trì đường bộ, “Đừng để người dân đóng phí mà không biết phí rơi vào đâu, nằm ở chỗ nào” – ông Nghĩa nói. 
Trả lời PV Tiền Phong về cơ chế công khai thu chi, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho hay: Hằng năm, Quỹ đều đăng tải các khoản thu chi của quỹ trên báo Giao thông của Bộ GTVT trong 15-20 số báo liên tục; mỗi số báo công khai từ 3 đến 4 đơn vị sử dụng quỹ. 
Việc công khai thu chi của quỹ còn được thực hiện tại văn phòng quỹ theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, tại các cuộc họp hằng quý của Quỹ, chỉ các báo chuyên ngành GTVT và Tài chính được tham dự và tường thuật các khoản thu chi của quỹ. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao đông đảo phóng viên các báo đài khác lại không được tham dự các cuộc họp này?
(Theo Tiền phong)  Sỹ Lực
Bạn đã đóng tiền phí bảo trì đường bộ có nghĩa bạn có thể đi mọi đường giao thông trên toàn quốc. Đó là nguyên tắc thu phí nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đường BOT là những tuyến riêng cho ai thích lựa chọn một dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên ở VN ta thì có những tuyến BOT từ khi xây dựng người ta đã biết đó chỉ là lựa chọn của nhà đầu tư BOT, người dân không có sự lựa chọn khác vì nó là tuyến độc đạo. Thậm chí khi có sự lựa chọn khác nhà đầu tư BOT cũng tìm cách vô hiệu hóa để tất cả quy về đường của họ (chẳng hạn như cầu Việt trì, khi có cầu BOT người ta đã đóng cửa cầu cũ với lí do không an toàn, dù cầu này khánh thành cùng cầu Chương Dương, cầu Bến Thủy vẫn đang hoạt động vững chắc). Việc định giá phí BOT cũng là vấn đề đầy câu hỏi. Ở ta việc định giá theo mức tổng đầu tư và năm khai thác chia bình quân dẫn đến mỗi nơi một giá phí. Lẽ ra giá phí phải được Nhà nước quy định thống nhất. Việc hoàn vốn đầu tư sẽ tính vào số năm thu phí. Một điểm cốt yếu nữa là giám sát mức đầu tư, bảo đảm minh bạch. Nay hình như Nhà đầu tư nói chi 1000 hay 2000 tỷ thì chỉ họ biết, nên lẽ ra thu 10 năm thì lại phải kéo lên 20 năm... Ai đã "ưu ái" nhà đầu tư BOT như vậy?
BOT đang rất bất ổn!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét