Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

BÁN HÃNG PHIM TRUYỆN VN CÓ 30 TỶ, NGHỆ SĨ BỨC XÚC
 Cập nhật lúc 09:45

Việc cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận khi ngày 23.5, nhiều nghệ sĩ gạo cội đã kiến nghị lên Bộ VHTTDL về việc không nên bán hãng phim - một sản phẩm văn hóa chóng vánh như bán mớ rau, con cá.

 

Sự im lặng sau buổi họp “kín”
Những ngày qua, PV Báo Lao Động đã có cơ hội được lắng nghe những tâm tư của một số diễn viên, đạo diễn từng có nhiều năm gắn bó với VFS. Các nghệ sĩ chia sẻ nỗi buồn khi nghe tin “Anh cả đỏ” một thời của điện ảnh Việt đã được bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) với số tiền hơn 30 tỉ đồng. NSND Trà Giang bức xúc cho rằng đó là cái giá quá rẻ, dù sao đó cũng là một sản phẩm gắn liền với văn hóa, với một nền điện ảnh cách mạng, không thể nói bán là bán. Bà và 50 nghệ sĩ phía nam đã soạn thảo đơn kiến nghị để gửi lên Bộ trưởng 
Bộ VHTTDL.

Sáng 23.5, nghệ sĩ Trà Giang bay gấp ra Hà Nội, cùng NSND Thanh Vân, NSND Minh Châu và một số diễn viên gạo cội khác gặp gỡ lãnh đạo Bộ VHTTDL để trình bày những kiến nghị của mình. Dù đây là buổi “họp kín” nhưng khá đông phóng viên túc trực tại trụ sở của bộ để chờ phỏng vấn các nghệ sĩ. Tuy nhiên, trái với những bức xúc trước đó, hầu hết các nghệ sĩ sau khi tham gia buổi gặp mặt này đều xin phép từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến việc cổ phần hóa VFS. Người thì nói vì đây là vấn đề “nhạy cảm”, thứ nữa vì tất cả các thông tin đều đang “trong trứng nước” nên chưa thể trả lời, cung cấp cho 
báo chí.

Khi được hỏi về nội dung buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL với các nghệ sĩ, NSND Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, người trực tiếp tham gia cuộc gặp - cho biết: Trong buổi gặp, NSND Trà Giang đã đọc bản kiến nghị việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam không nên rẻ mạt như vậy và lãnh đạo bộ cũng đã đồng ý xem xét bản kiến nghị và hứa sẽ rà soát lại.
NSND Minh Châu cũng xác nhận việc này, nhưng từ chối trả lời về kết quả của cuộc gặp mặt. Dù trước đó bà đã rất lo lắng khi biết tin VFS bị bán. “Tôi là người rất thẳng thắn, có gì sẽ nói ngay. Nhưng sự việc mới chỉ dừng ở mức các nghệ sĩ có những chia sẻ tâm tư với lãnh đạo Bộ VHTTDL về việc cổ phần hóa hãng phim. Chưa có kết luận gì cả” - NSND Minh Châu chia sẻ và từ chối khéo khi được hỏi những thông tin về buổi “họp kín”.
 

Không khuyến cáo nghệ sĩ tránh gặp phóng viên
Ngày 14.4, dư luận và nghệ sĩ bất ngờ trước thông tin VFS đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sau nhiều năm thua lỗ. Điều đáng nói là một hãng phim tồn tại hơn 50 năm chỉ được đánh giá giá trị thương hiệu bằng 0. Theo đạo diễn Vương Đức - Giám đốc VFS - từ nhiều năm nay, VFS luôn thua lỗ. Nếu không cổ phần hóa sẽ phải phá sản theo Luật Doanh nghiệp. Sau khi xem xét, Tổng Công ty vận tải thủy đã được chọn làm nhà đầu tư chiến lược của hãng.
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ gắn bó cuộc đời, sự nghiệp với VFS lại lo ngại rằng việc một công ty vận tải thủy trở thành cổ đông chiến lược, không có kinh nghiệm quản lý, làm điện ảnh thì sẽ đưa Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam về đâu? Ngoài ra, việc cổ phần hóa này mở ra cơ hội sử dụng nhiều diện tích “đất vàng” mà hãng đang được thuê giá rẻ và liệu “chủ mới” của VFS có lợi dụng việc đó để sử dụng khu “đất vàng” với mục đích khác? Về những băn khoăn này, lãnh đạo Bộ VHTTDL chia sẻ rằng phía Tổng Công ty Vận tải thủy đã có 10 cam kết với bộ về quyền lợi của người lao động cũng như bảo đảm việc sản xuất phim sau khi nắm giữ 65% 
cổ phần.

Trưa 23.5, PV Báo Lao Động đã đem những thắc mắc về chuyện “im lặng” của các nghệ sĩ sau khi gặp mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, đồng thời đặt nghi vấn “có hay không việc bộ khuyến cáo các nghệ sĩ không cung cấp thông tin buổi trao đổi với báo chí?”, ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL - cho biết: “Bộ không khuyến cáo gì cả. Có thể là do các nghệ sĩ cũng cảm thấy không biết nói gì hay các đề đạt của họ hiện nay đang được lãnh đạo bộ xử lý, tiếp thu nên không còn ý kiến gì nữa”.
Ông Tân cũng xác nhận đã có văn bản liên quan đến cổ phần hóa được đưa ra trong cuộc gặp mặt và hiện Bộ trưởng đã tiếp nhận sự việc. Ông Tân cho rằng việc cổ phần hóa đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, và việc xử lý đơn kiến nghị của các nghệ sĩ ra sao cần phải có quá trình cân nhắc, nghiên cứu kỹ.
(Theo Lao động) ĐẶNG CHUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét