Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Hộ 6 người xài hóa đơn nước gần 20 triệu/tháng!

Cập nhật lúc 10:52

(Bảo vệ người tiêu dùng) - Nhiều hộ gia đình sau khi rơi vào cảnh tiền nước tăng đột biến không rõ nguyên nhân đã chủ động tìm cách đối phó, kiểm tra thường xuyên.
Bố con hàng ngày thay nhau trông đồng hồ
Gia đình bà Hoàng Thị Hòa và ông Trần Công Ứng (trú tại số 10 xóm Lẻ, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) mới đây khi cầm hóa đơn tiền nước tháng 4 đã ngả ngửa khi 6 thành viên (4 người lớn, trẻ con) dùng hết 1.029m3 tương đương 19.125.036 đồng.
Theo bà Hòa, thông thường hàng tháng gia đình bà chỉ phải trả khoảng 200.000 -300.000 đồng tiền nước sinh hoạt.
Sau khi phát hiện sự bất thường của hóa đơn tiền nước, bà Hòa cùng chồng đã làm đơn kiến nghị lên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc để xem xét, giải quyết.
“Gia đình chúng tôi đi lại cũng phải mất 5 lần nhưng phía hợp tác xã không cho người xuống để kiểm tra nguyên nhân dẫn đến sự tăng đột biến của hóa đơn tiền nước. Trong lúc chờ giải quyết, chồng và con trai tôi hàng ngày thay nhau kiểm tra, trông chừng đồng hồ nước. 2 tuần sau sự cố, đồng hồ chỉ tăng 1 số điện/ngày đêm. Gia đình tôi cũng yêu cầu phía hợp tác xã phải tiến hành giám định, kiểm tra độ chính xác của đồng hồ”, bà Hòa chia sẻ.
 Hoa don nuoc tien trieu khong sai: Dan mac hai dong ho
Ông Ứng và con trai phải thường xuyên thay nhau trông đồng hồ nước.
Trước lời đề nghị của phía hợp tác xã, giảm hơn 9 triệu đồng tiền nước vì gia đình có đơn trình bày và chỗ tình làng nghĩa xóm, chỉ phải đóng 10,8 triệu đồng, gia đình nhà bà Hòa đã kiên quyết từ chối.
“Các con tôi nói nếu bố mẹ chấp nhận đóng tiền tức là thừa nhận sai và bị cả xóm chê cười. Sự cố này không phải do gia đình gây ra nên chúng tôi không đồng ý với cách giải quyết này. Hợp tác xã đã cử người xuống tháo đồng hồ cũ đem đi giám định. Họ cũng lắp đồng hồ mới vào vị trí cũ để gia đình dùng tạm trong lúc chờ kết quả. Chúng tôi sẽ chờ thông báo giám định đồng hồ của gia đình rồi mới có những cách giải quyết tiếp theo”, bà Hòa khẳng định.
Bà Hòa cho biết thêm, ở khu vực xóm Lẻ cũng có nhiều trường hợp xảy ra sự cố tăng đột biến tiền nước và gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Nhiều hộ gia đình sau khi gặp phải sự cố đã chủ động cách để phòng tránh.
“Gia đình bà H. sau khi lần tăng tiền nước đột biến đã mua thêm 1 đồng hồ mới và mắc nối tiếp với đồng hồ của hợp tác xã. So sánh kết quả tiền nước hàng tháng của hợp tác xã. Nếu có sự chênh lệch nhiều quá, bà H. sẽ ý kiến ngay. Gia đình tôi cũng có mong muốn như vậy, không biết phía hợp tác xã có đồng ý không”, bà Hòa nói.
10 ngày kiểm tra đường ống nước một lần
Cũng rơi vào trường hợp như bà Hòa, anh Hoàng Nam K. (trú tại KĐT Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cũng giật mình khi được nhân viên Công ty nước sạch Hà Đông thông báo lượng nước gia đình dùng hết trong tháng 12/2015 là 390 m3, tương đương hơn 6,8 triệu đồng.
“Khi sự cố xảy ra, phía Công ty nước sạch Hà Đông đổ lỗi do van phao bể ngầm hỏng, nước thấm ra sàn nhà. Tôi cũng đi tìm hiểu thì thấy nguyên nhân không thuyết phục, không thể có chuyện nước thấm ra sàn nhà được. Tất cả hệ thống nước nhà tôi không bị vỡ, không bị thấm nước và rò rỉ.
Chính vì vậy lúc đầu công ty có yêu cầu gia đình tôi để công ty tháo đồng hồ để kiểm định tại công ty nhưng tôi không đồng ý vì nếu làm vậy thì công ty vừa đá bóng vừa thổi còi. Gia đình tôi yêu cầu phải đưa ra cục kiểm định chất lượng Việt Nam, một cơ quan độc lập để căn cứ vào đó có những phương hướng xử lý tiếp theo”, anh K. chia sẻ.
Sau khi gia đình từ chối phương án mà phía đơn vị cung cấp nước đưa ra, công ty nước sạch Hà Đông đã chủ động tìm cách khắc phục, giải quyết sự cố và nhận được sự đồng thuận của anh K.
“Dù muốn làm tới cùng cho ra sự việc nhưng do tôi cũng là cán bộ nhà nước, không có nhiều thời gian để ngày nào cũng chạy về giải quyết nên đành đồng ý để 2 bên tự thỏa thuận. Phương án được đưa ra là thu gộp tiền nước từ tháng 12 đến tháng 4 vừa rồi giá trị thu là 3,2 triệu đồng. Thực ra gia đình tôi một tháng cũng sử dụng hết 300.000-400.000 đồng nên đồng ý với phương án đưa  ra”, anh K. khẳng định.
Sau sự cố trên, các tháng sau tiền nước của gia đình anh K. đã trở lại bình thường. Tuy nhiên để tránh những sự cố tương tự có thể xảy ra, anh K. đã chủ động tự kiểm tra và giám sát.
“Sau sự cố, tôi cũng đã rút hết nước ở bể ngầm, xuống tận nơi quan sát và tiến hành bơm nước vào để kiểm tra xem có bị rò rỉ như vậy không. Và kết quả thực tế là không thể thoát được nước như thế trừ trường hợp là bể nhà tôi có một đường ống dẫn thẳng ra cống. Nhà tôi không có cái đó.
Ngoài ra, khi nhân viên công ty cấp nước đưa hóa đơn đến là tôi đều kiểm tra hóa đơn lưu của đồng hồ xem có khớp không. Đều đặn khoảng 10 ngày tôi lại kiểm tra ống nước một lần xem gia đình dùng lượng nước bao nhiêu, có bị thất thoát gì hay không? Rất may là từ đó đến nay không xảy ra thêm sự cố nào nữa”, anh K. khẳng định.
Từ thực tế câu chuyện của mình, anh K. đưa ra lời khuyên với các hộ gia đình khác nên cẩn trọng khi nhận được lời đề nghị tháo đồng hồ mang đi kiểm tra của xí nghiệp cấp nước.
“Nếu công ty tự đem đồng hồ đi kiểm tra và đưa ra một bảng kiểm định không có vấn đề gì thì đương nhiên khi đó lỗi thuộc về gia đình.
Theo như tôi khuyên là không nên để công ty tháo đồng hồ. Nếu tháo thì phải mời phường, công ty nước sạch, đại diện gia đình tham dự. Sau khi tháo đồng hồ thì phải lập biên bản niêm phong đồng hồ và gửi lên cục đo lường chất lượng Việt Nam để kiểm tra”, anh K. gợi ý.
(Theo Đất Việt) Nguyễn Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét