Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

15:23
 Trao đổi với phóng viên (phải), bác sĩ quân y Nguyễn Văn Nhương (xã Đại Tập, Khoái Châu): Người dân nói lên sự thật lại không được chính quyền bảo vệ. Ảnh: Đình Hải

Vụ xã hội đen lộng hành - chính quyền cơ sở.... làm ngơ

Bài học từ Khoái Châu: Sai quá lâu đã trở thành... đúng!


Lãnh đạo Cục Hình sự (Bộ Công an) cho rằng: Không thể biện minh được, tại sao dân biết, dân tố mà chính quyền lại không hay biết, hoặc biết mà làm ngơ. Dân không còn tin ở chính quyền cơ sở. Tố cáo không được xử lý, không được bảo vệ mà còn bị trả thù.

Không tin nổi - dù đó là sự thật

Có lẽ không ai có thể tin được rằng, Trưởng Công an xã Đông Ninh bị nhóm côn đồ chém, viết đơn tố cáo rồi lại phải viết đơn xin rút. Một đảng viên (Phạm Khắc Tuấn) cầm đầu 15 tên tay dao, tay mã tấu ngang nhiên truy sát người đã đứng ra tố cáo sai phạm của Chủ tịch xã Phạm Ngọc Thơi, lại không bị khai trừ đảng, thậm chí vẫn được cơ cấu, giới thiệu làm Chủ tịch Hội Nông dân. Chi bộ 3 thôn Tử Lý, Đảng ủy xã Đông Ninh và cao hơn là Huyện ủy Khoái Châu tại sao lại dung túng một đảng viên có hành vi côn đồ, vi phạm luật pháp một cách công khai? Lạ lùng hơn là chính quyền xã còn đứng ra để Phạm Khắc Tuấn “cam kết” bảo vệ tính mạng, tài sản của người đã bị nhóm côn đồ này truy sát.

Kết luận của Thanh tra tỉnh giao UBND huyện Khoái Châu xử lý những cán bộ sai phạm, huyện vẫn “ngâm” cả ba năm trời. Phải chăng đây là lý do mà băng nhóm tội phạm công khai truy sát người dân đấu tranh, nhờ vậy mà chúng đã được ưu ái, nhất là thầu bến phà Đông Ninh thời hạn tới 49 năm.

Ba đời chủ tịch xã Đông Ninh đều “dính” đến việc bán đất trái thẩm quyền, kéo dài từ năm 1992 đến nay mà vẫn không bị xử lý. Ông Phạm Ngọc Thơi - Chủ tịch xã - bán đất, chiếm đoạt tiền... vẫn trên cương vị Phó Bí thư thường trực xã sau khi rời ghế chủ tịch xã. Những người dân kiên trì đứng đơn tố cáo nói với chúng tôi rằng: Sự dung túng của lãnh đạo huyện Khoái Châu trước những sai phạm của Chủ tịch xã Phạm Ngọc Thơi và hai nguyên chủ tịch xã các khóa trước, không đối thoại với dân. Thái độ coi thường dân, coi thường kỷ cương phép nước của những lãnh đạo có trách nhiệm, đã gây ra bức xúc ngày càng nặng nề không chỉ trong nhân dân, mà ngay cả đối với không ít cán bộ, đảng viên xã Đông Ninh.

Sai quá lâu đã trở thành... đúng!


Đại tá Phạm Văn Việt - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Chiến lược quốc phòng, Khoa Chiến lược quốc phòng (Học Viện Quân sự) nghỉ hưu tại quê hương (thôn Tử Lý, xã Đông Ninh) - nói rằng: Theo tôi, bài học lớn nhất đó là công tác xây dựng đảng, quản lý chính quyền ở Đông Ninh đã bị tê liệt từ lâu. Đảng bộ Đông Ninh đã mất ngọn cờ lãnh đạo.

Ông trăn trở: Những cán bộ sai phạm không bị xử lý, hoặc chưa hết thời hạn kỷ luật vẫn được giới thiệu vào Đảng ủy, HĐND xã. Có lẽ, chính vì vậy, số cán bộ sai phạm, bị kỷ luật trúng số phiếu cao trong Đảng ủy, nhưng lại không trúng khi bầu HĐND. Tôi đã phát biểu tại Đại hội Đảng bộ xã năm 2011, có đồng chí Phan Văn Ngừng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy - dự... Tôi đặt ra nhiều vấn đề, nhưng không được làm rõ, thấy mình bỗng trở nên lạc lõng.

Và ông đã nói trước khi chúng tôi rời Đông Ninh: Sai quá lâu ở Đông Ninh đã trở thành đúng, uốn lại thấy khó, nếu không có sự vào cuộc của lãnh đạo huyện, tỉnh. Không ai có trách nhiệm ở huyện trả lời được câu hỏi chính đáng từ dân. Đó là vì sao Thanh tra tỉnh đã kết luận và yêu cầu xử lý đã ba năm rồi mà vụ việc chưa được giải quyết.

Vấn đề đầu tiên cần làm từ chính quyền huyện là phải củng cố chính quyền cơ sở. Ngồi lại để bàn cho ra bức xúc dư luận đặt ra: Bảo kê hay buông lỏng quản lý; trình độ non kém hay thiếu trách nhiệm. Yếu ở khâu nào, con người hay trình độ, năng lực? Không thể biện minh được, tại sao dân biết, dân tố mà chính quyền lại không hay biết, hoặc biết mà làm ngơ. Dân không còn tin ở chính quyền cơ sở. Tố cáo không được xử lý, không được bảo vệ mà bị trả thù.

Hẳn chính quyền tỉnh Hưng Yên, huyện Khoái Châu sẽ rút được những bài học từ vụ án băng nhóm tội phạm xã hội đen này.
(Theo Lao động) Linh Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét