Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Văn hóa

 

Mua danh hoa hậu: Sắc đẹp biến thành thị trường kinh doanh?

Cập nhật lúc 10:12  

Các cuộc thi nhanh sắc gần đây không phải để tìm ra người đẹp thực sự mà đã bị biến tướng thành những cuộc làm ăn, kinh doanh sắc đẹp

Không bình thường

Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020 vừa gây xôn xao dư luận khi người đoạt giải cao nhất đã trực gửi đơn lên Bộ TT-TT, Bộ VH-TT&DL, TAND TP Hà Nội tố cáo đây là một cuộc thi hoa hậu "rởm", có dấu hiệu lừa đảo thí sinh với số tiền hàng tỷ đồng.

Mua danh hoa hau: Sac dep bien thanh thi truong kinh doanh?

Bà Q.H.L. được trao vương miện hoa hậu cuộc thi Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 nhưng lại tố cuộc thi có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh: TTO

Cụ thể, người tố cao cho biết, bà đã phải chi hàng tỷ đồng cho cuộc thi này và các thí sinh khác cũng vậy, với danh nghĩa chủ doanh nghiệp tài trợ cho cuộc thi để nhận về lần lượt những giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Bình luận về sự việc trên, TS mỹ học Phạm Thế Hùng, người có nhiều năm ngồi ghế ban giám khảo, chấm nhiều cuộc thi Hoa hậu uy tín quốc gia nhận xét, các cuộc thi sắc đẹp đang ngày càng bị biến tướng. Sắc đẹp đang được mang đi kinh doanh dễ dãi như một món hàng ngoài chợ 

"Có hai vấn đề được rút ra sau những cuộc thi sắc đẹp đó là: sắc đẹp được đo bằng tiền và khi đẹp thông qua danh hiệu thì sẽ kiếm được tiền kể cả bằng những cách không xứng đáng. Đây cũng được cho là hiện tượng xảy ra ở hầu hết các cuộc thi sắc đẹp gần đây, kể cả những cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia", vị chuyên gia nhận xét.

Việc dùng tiền để mua danh hiệu, mua sắc đẹp được vị chuyên gia nói thẳng là điều vốn không thể chấp nhận được, bởi đồng tiền chỉ phục vụ cho các hoạt động mua bán trong nền kinh tế thị trường. Còn văn hóa, đạo đức không thể dùng tiền mà xây dựng được, nó được tạo dựng, hình thành từ nhiều năm tháng bồi đắp và kiến tạo của toàn xã hội mà điểm xuất phát là môi trường giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Thế nhưng, những việc tưởng như không thể xảy ra đã xảy ra, điển hình là những lùm xùm từ danh hiệu Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020 vừa qua.

Có hiện tượng như vậy, vị TS cho rằng đó là biểu hiện của cách ứng xử không bình thường trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức hiện nay. Điều này cho thấy, đồng tiền trong cơ chế thị trường đã có tác động mạnh mẽ, thậm chí làm khuynh đảo mọi mặt trong xã hội.

Người ta có thể thấy những vụ việc dùng tiền để mua danh, bán chức, để chạy chọt, đút lót, còn trong vụ việc này, đồng tiền đã biến một người giàu thành một người đẹp. Tức là người ta đã dùng đồng tiền để làm méo mó bản chất của một cuộc thi sắc đẹp, làm một chiếc vương miện vốn lung linh, đẹp đẽ trở lên xấu xa, vô giá trị. Đáng ngại hơn, sự tin tưởng của dư luận xã hội vào ban giám khảo, vào các tiêu chí, tiêu chuẩn của cái đẹp đã không còn.

Cái đẹp đã không được tôn vinh theo đúng nghĩa mà đẹp lại được tôn vinh bởi nhiều tiền. Cũng chính vì điều này, mà cuộc thi không còn trở nên hấp dẫn, danh hiệu, vương miện không còn thiêng liêng, ngược lại, cuộc thi trở thành trò cười, trở thành một cuộc chơi nhảm nhí của những người có tiền.

"Lẽ thường, khi người ta giàu sẽ lại muốn được sang, vì muốn được sang nên họ phải mua danh mà để mua danh dễ nhất là bỏ tiền để được công nhận một danh hiệu nào đó như danh hiệu người đẹp này, hoa hậu kia. 

Tuy nhiên, cái đẹp là thứ không thể can thiệp bằng vật chất, là sự tôn vinh, là tài sản do tạo hóa ban cho, thế thì tại sao lại lấy tiền ra để mua? Thực hiện cuộc giao dịch mua - bán sắc đẹp là thể hiện sự kém văn hóa của cả người bán và người mua, không thể chấp nhận được", TS Phạm Thế Hùng nhấn mạnh.

Khi sắc đẹp bị kinh doanh?

Nhìn nhận chung, vị chuyên gia cho rằng hiện đang có quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp được mở ra, khiến các cuộc thi sắc đẹp bị biến thành thị trường kinh doanh sắc đẹp, sắc đẹp bị lũng đoạn, bão hòa, thương mại hóa.

Nếu ngày xưa, cả nước mới chỉ có một cuộc thi Hoa hậu quốc gia, thì bây giờ có tới hàng chục, hàng trăm. Không chỉ có cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020, mà hầu hết cuộc thi sắc đẹp nào cũng có tai tiếng, khi là về học vấn, khi là sửa nhan sắc...

Với tư cách là một giám khảo nhiều năm, TS Phạm Thế Hùng nói thẳng, nhiều cuộc thi nhan sắc gần đây không phải để tìm ra người đẹp thực sự mà đã bị biến tướng thành những cuộc làm ăn. Tổ chức thi hoa hậu là để buôn bán sắc đẹp, là để làm ăn. Không chỉ có thí sinh với giám khảo, giám khảo với đơn vị tổ chức mới có việc mua bán mà cuộc thi, danh hiệu còn là cơ hội giúp thí sinh mua bán, kinh doanh dễ hơn, kiếm tiền nhiều hơn, giá cao hơn. Trên thực tế, cứ sau các cuộc thi lại thấy hoa hậu được đại gia A, đại gia B nâng đỡ, chống lưng, "lộc" này không tự nhiên đến mà nó đến nhờ vào cái danh hoa hậu, người đẹp vừa được trao. 

Để xảy ra tình trạng trên, vị chuyên gia cho rằng, ở đây cần phải xem xét trách nhiệm nghiêm khắc của những người cấp phép, người quản lý cũng như các đơn vị tổ chức.

"Trong mắt của công chúng sẽ rất ác cảm, tẩy chay, thờ ơ với những cuộc thi sắc đẹp, kể cả cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc gia do bị ảnh hưởng bởi chính vì những cuộc thi kém chất lượng như vậy.

Một cuộc thi sắc đẹp phải có được ban giám khảo chất lượng, đủ năng lực, đủ khả năng để đánh giá, nhận xét về thí sinh.

Theo đó, phải có giám khảo về nhân trắc học, phải có chuyên gia thẩm mỹ, chuyên gia tâm lý cũng như những nghệ sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng.

Các cuộc thi sắc đẹp hiện nay tôi thấy đa số mời những người không có chuyên môn như ca sĩ, diễn viên... ngồi vào ban giám khảo. Tôi không hiểu những người này họ sẽ chấm cái gì? Họ có đủ khả năng, đủ trình độ để chấm điểm về cái đẹp không? Họ có hiểu hết được cái đẹp không?

Phải có ban giám khảo chất lượng, mới có được người đẹp thật sự", vị TS thẳng thắn.

(Theo Đất Việt) Thái Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét