Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Pháp luật

 

Xử thanh tra Bộ Xây dựng nhận tiền: Băn khoăn tội danh

Cập nhật lúc 10:41   

Nhóm thanh tra Bộ Xây dựng nhận tiền doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc bị xét xử với tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.

Ngày 4/1/2021, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên tòa xét xử nhóm thanh tra Bộ Xây dựng nhận hơn 2 tỷ đồng của 54 doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc với tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo trong vụ án gồm Nguyễn Thị Kim Anh (46 tuổi, cựu Phó trưởng Phòng phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng), Nguyễn Thị Kim Liên (44 tuổi, cựu cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3); Đặng Hải Anh (40 tuổi, cựu chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2) và Nguyễn Thị Thùy Linh (27 tuổi, cựu thành viên Đoàn Thanh tra).

Cáo trạng xác định bà Kim Anh là chủ mưu, khi đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Để che giấu việc thanh tra vượt thẩm quyền, bà không gửi quyết định thông qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Xây dựng tỉnh này.

Xu thanh tra Bo Xay dung nhan tien: Ban khoan toi danh

Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh được cho là chủ mưu của vụ án.

Bà Kim Anh yêu cầu 29 xã, thị trấn cung cấp hồ sơ dự án, công trình để kiểm tra tràn lan, trong đó có cả công trình đã được kiểm tra.

Bà Kim Anh chỉnh sửa kết quả kiểm tra của các thành viên, in gửi dự thảo biên bản kết quả kiểm tra gửi cho chủ đầu tư, doanh nghiệp. Khi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, nhà thầu, bà không chấp nhận cho giải trình mà ép buộc phải đưa tiền để bỏ qua hoặc giảm nhẹ lỗi vi phạm.

Trước khi bị khởi tố với tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh từng bị khởi tố với tội danh nhận hối lộ nhưng sau đó cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển tội danh.

Nói về tội danh mà các bị cáo bị truy tố, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn: "Đây là hành vi, biểu hiện của tội nhận hối lộ. Bởi không phải ngẫu nhiên mà cá nhân, doanh nghiệp lại đưa tiền cho cán bộ thanh tra. Cần phải đặt ra giả thiết, nếu như cá nhân hay doanh nghiệp đó không sai phạm thì dù đoàn thanh tra có "vòi tiền" thì liệu có được hay không?

Hơn nữa, mục đích đưa tiền của cá nhân, doanh nghiệp cho đoàn thành tra là gì, nếu như không phải là để đoàn thanh tra bỏ qua những sai phạm?

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra khi đó đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra do cơ quan phân công. Như vậy, họ có chức vụ, quyền hạn ở thời điểm đó nên có đầy đủ dấu hiệu pháp lý cho tội danh nhận hối lộ".

Theo ông Hòa, việc chuyển đổi tội danh của Công an tỉnh Vĩnh Phúc đối với bị can Nguyễn Thị Kim Anh đã dẫn tới hệ quả pháp lý, hành vi của những cá nhân, doanh nghiệp đưa tiền cho đoàn thanh tra không được xem xét thấu đáo.

"Nếu bị can Kim Anh không bị khởi tố tội danh nhận hối lộ thì những cá nhân, doanh nghiệp đưa tiền cho đoàn thanh tra cũng không bị xem xét hành vi hình sự đưa hối lộ.

Từ đó mới dẫn đến việc nhiều cá nhân, doanh nghiệp cho rằng mình là nạn nhân trong vụ án này và có đề nghị được lấy lại số tiền đã đưa cho đoàn thanh tra.

VKSND tỉnh Vĩnh Phúc khi xem xét bản kết luận điều tra cần phải có ý kiến về việc chuyển đổi tội danh này. Hoặc khi vụ án đưa ra xét xử thì HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Phúc cần phải có ý kiến, nếu thấy không hợp lý thì phải trả hồ sơ điều tra lại vụ án cho căn kẽ, đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

(Theo Đất Việt) Ngọc Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét